Nữ tiến sỹ đầu tiên của dân tộc Xơđăng: Đi hát để làm khoa học

2094

Tự nhận mình có máu nghệ sỹ, tiến sỹ Rơ Đăm Thị Bích Ngọc không chỉ hát hay mà còn biên đạo múa rất cừ. Hát múa từng là nghề tay trái giúp chị kiếm thêm tiền nuôi nghiệp khoa học của mình.

Dù xuất hiện trong bộ váy Tây Nguyên truyền thống hay trang phục hiện đại, nữ tiến sĩ người Xơđăng Rơ Đăm Thị Bích Ngọc đều rất cuốn hút người đối diện bởi ẩn sau vẻ đẹp hiện đại là hồn cốt Tây Nguyên không lẫn vào đâu được, đặc biệt là khi chị nói về nhà rông – niềm đam mê và kính ngưỡng của nhà khoa học trẻ người Xơđăng này.

Nhà nghiên cứu mê nghệ thuật

Nói về cái tên Rơ Đăm Thị Bích Ngọc, nữ tiến sỹ đang công tác tại Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hào hứng cho biết mình là người Xơđăng có họ. Người Xơđăng vốn không có họ, tên gọi thường bao gồm một từ chỉ định giới tính (A hay U đối với nam và Y đối với nữ) kèm theo tên. Bố chị – vốn là cán bộ tập kết ra Bắc từ năm 9 tuổi – tuy vẫn giữ mọi phong tục, tập quán của dân tộc mình, nhưng trong việc đặt tên cho các con lại quyết định sử dụng họ và tên đệm như cách người Kinh.

Một điều đặc biệt nữa của gia đình Xơđăng ở Kon Tum này khiến chị tự hào là cả ba anh em đều đi học đại học ở Hà Nội, và Rơ Đăm Thị Bích Ngọc là người phụ nữ Xơđăng đầu tiên nhận bằng tiến sỹ.

Nữ tiến sỹ đầu tiên của dân tộc Xơđăng: Đi hát để làm khoa học

Rơ Đăm Thị Bích Ngọc – nữ tiến sỹ đầu tiên người dân tộc Xơđăng. Ảnh: Huy Ba

TS Bích Ngọc tự nhận mình có chất nghệ sỹ, thích hát và hát hay. Thời học phổ thông, niềm đam mê đó tạm ngủ yên do bị bố cấm đoán. Chỉ đến khi rời quê nhà Kon Tum ra học ở Hà Nội, chị mới thực sự khám phá ra giọng hát của mình và nhiệt tình tham gia các cuộc thi hát của khối đoàn thể trung ương, ban ngành. Không học qua bất kỳ trường lớp thanh nhạc nào, Bích Ngọc hát theo kiểu ngẫu hứng đúng chất Tây Nguyên – mộc mạc mà đầy sức sống. Nữ tiến sỹ say sưa kể về các cuộc thi hát, về những bài ca mà khi chị cất giọng, người nghe nhận ra ngay đây là người con của núi rừng, về chuyến đi Trường Sa mà dù kiệt sức vì say sóng, nhưng khi được đề nghị hát thì sức sống Tây Nguyên trỗi dậy, chị cất tiếng hát nồng nhiệt như tình cảm dành cho những người lính canh giữ biển đảo…

Không chỉ sở hữu giọng hát truyền cảm, TS Rơ Đăm Thị Bích Ngọc còn có năng khiếu về biên đạo múa. Từ thời còn là cô sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chị đã đứng ra biên đạo các tiết mục văn nghệ của khoa và dàn dựng toàn bộ chương trình, khiến cô trưởng khoa rất quý.

“Khi tôi mới về làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các chương trình văn nghệ của viện chỉ đơn giản là hát, không có múa. Tôi đã xây dựng kịch bản, chương trình rồi biên đạo các tiết mục múa, có những hôm 9 giờ tối mới về, khi nào mọi người cảm thấy được mới thôi. Từ đó, phong trào văn nghệ của viện phát triển lên rất nhiều” – nữ tiến sỹ tâm sự.

Được hỏi tại sao có giọng hát hay và khả năng biên đạo múa, dàn dựng chương trình tốt mà không đi theo con đường nghệ thuật, Bích Ngọc cười: “Tôi rất thích nghệ thuật nhưng có lẽ nghiên cứu mới là cái duyên. Nghiệp nghiên cứu giúp tôi luôn được trải nghiệm niềm hạnh phúc khám phá ra nhiều điều lý thú”.

Hành trình trở thành nhà khoa học của cô gái Xơđăng đến từ núi rừng Kon Tum đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Và nhờ khả năng trời phú về nghệ thuật, Rơ Đăm Thị Bích Ngọc kiếm được tiền để góp phần nuôi nghiệp nghiên cứu của mình.

Nỗi niềm nhà rông

“Nhà rông của người Xơđăng ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum” là công trình nghiên cứu đem lại bằng tiến sỹ cho Rơ Đăm Thị Bích Ngọc. Chị phát triển đề tài này từ đề tài bảo vệ luận văn thạc sỹ trước đó.

Với Bích Ngọc, nhà rông – cũng như nhiều giá trị văn hóa hữu hình và vô hình khác của Tây Nguyên – vẫn hiện ra trước mắt hằng ngày, bao bọc suốt từ thời thơ bé, quá quen thuộc nên chị cảm thấy hết sức bình thường. Chỉ đến khi ra Hà Nội học, Bích Ngọc mới nhận ra những thứ ở xung quanh mình trước đây quá đặc biệt. Cô gái Tây Nguyên tự hỏi: Tại sao người nơi khác còn nghiên cứu về Tây Nguyên, mà mình là người bản địa lại không làm được? Sự trăn trở đó thôi thúc Rơ Đăm Thị Bích Ngọc đi sâu nghiên cứu về nhà rông ở vùng đất mình sinh ra và lớn lên.

Với đồng bào Xơđăng, mái nhà rông cao vút là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, là cầu nối giữa con người với vũ trụ, nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin của con người tới thần linh, lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng. Các nghiên cứu trước đó về nhà rông Xơđăng mới chỉ dừng lại ở quy mô báo cáo, tham luận trình bày tại hội nghị, hội thảo chứ chưa đi sâu vào vấn đề này.

“Tôi muốn có tiếng nói của người con dân tộc Tây Nguyên trong việc bảo tồn nét văn hóa nhà rông của người Xơđăng” – Rơ Đăm Thị Bích Ngọc nói về quyết định nghiên cứu sâu về nhà rông.

Suốt 6 năm, Bích Ngọc ăn, ngủ cùng người dân hai huyện Tu Mơ Rông và Đắk Tô. Tuy có lợi thế là người Xơđăng, không gặp rào cản ngôn ngữ và văn hóa nhưng công việc thu thập thông tin, tư liệu về nhà rông truyền thống của chị không hề dễ dàng, bởi các cụ già hiểu rõ về nó nếu còn sống thì phần nhiều đã ở tình trạng lúc nhớ, lúc quên.

Có những đêm mưa gió, đường sá lầy lội, chị và các cộng sự vẫn vào bản lấy tư liệu bởi “nhiều lễ hội không phải lúc nào mình đến cũng có mà phải chớp thời cơ, có như thế tư liệu mới chính xác được”.

Đi sâu vào nghiên cứu, Rơ Đăm Thị Bích Ngọc mới hiểu việc tìm được một ngôi nhà rông của người Xơđăng đúng kiểu truyền thống khó khăn như thế nào.

“Nhà rông bây giờ hiện đại lắm. Người ta dùng bêtông, sắt thép để làm. Nó giống nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa chứ không phải nơi sinh hoạt truyền thống như thời bố mẹ, ông bà mình ngày trước” – nữ tiến sỹ trăn trở. Rơ Đăm Thị Bích Ngọc cho biết chị đã hỏi nhiều dân làng là người Xơđăng, họ nói thích nhà rông truyền thống ngày xưa hơn, nhưng bây giờ điều kiện môi trường, địa hình đã thay đổi nên khó giữ được như cũ.

Tuy nghiên cứu được đánh giá cao, nhưng TS Bích Ngọc vẫn chưa hết trăn trở vì công trình của mình mới chỉ ra được thực trạng biến đổi của nhà rông truyền thống Xơđăng chứ chưa tìm được giải pháp hữu hiệu giúp bảo tồn tài sản văn hóa quý báu này. Ở Kon Tum hiện nay có nhiều nhà rông mới xây do được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng theo nữ tiến sỹ thì cách đầu tư chưa hợp lý: “Rót tiền về làng để xây dựng nhà rông nhưng không phải người trong làng mà người dân tộc khác làm, nên không đúng với phong tục tập quán của người Xơđăng thì làm sao họ thích được”.

Không bỏ cuộc trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống của nhà rông, Rơ Đăm Thị Bích Ngọc cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về nó, để những di sản văn hóa tổ tiên để lại không bao giờ mất đi.

Theo Minh Nhật – Huy Ba/Khoa học & Phát triển

https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nu-tien-sy-dau-tien-cua-dan-toc-xodang-di-hat-de-lam-khoa-hoc-1782365.html