Nặng lòng với đan lát

1518


13/06/2019 06:02


Ghé thăm làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), được gặp gỡ, lắng nghe bà con tâm sự, chúng tôi nhận thấy rằng, nơi đây những giá trị văn hóa truyền thống luôn được trân trọng và gìn giữ…

Từ trung tâm thị trấn Sa Thầy theo hướng tây nam đi vài cây số, làng Chốt hiện lên trước mắt hết sức bình dị. Tới nhà già A Blim – một trong những nghệ nhân đan lát lâu năm của làng, chúng tôi bắt gặp có một số trẻ em đang tập trung tại đây chăm chú xem già A Blim làm việc.

Chứng kiến sự tỉ mỉ của già khi đan từng nan lạt với nhau để hoàn thành chiếc gùi, tôi mới ngộ ra “đan lát không hề đơn giản một chút nào”. Từng động tác của già đều đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, mới có thể cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện.

Qua bàn tay của già A Blim những chiếc gùi, chiếc rổ,… đều thể hiện được cái hồn, từng đường nét, hoa văn hết sức sống động theo ý tưởng của người làm ra nó.

Già A Blim nói: Không biết cái nghề này xuất hiện từ bao giờ, nhưng bà con đã gắn bó bao đời này rồi. Cứ cha truyền con nối, đời trước bày cho đời sau. Cứ như vậy, hầu hết mọi người đều xem nghề đan lát là nghề truyền thống và là niềm tự hào của cả làng. Chính những chiếc gùi, chiếc giỏ, các vật dụng hàng ngày được làm từ mây đã tạo nên những đặc trưng của làng. Thay vì các đồ nhựa, đồ công nghiệp, đa số bà con đều rất ưa chuộng các sản phẩm đan lát, đặc biệt là những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Nó không chỉ có giá trị sử dụng, mà còn mang tính thẩm mĩ và các giá trị về tinh thần.

Làng Chốt có khoảng 30 nghệ nhân gắn bó với đan lát. Mọi người đều tiếp xúc với đan lát từ rất sớm. Như già A Blim, ngay từ những ngày thơ bé đã được cha truyền dạy lại nghề. Năm 16 tuổi, ông đã đan lát thành thạo tất cả những sản phẩm như rổ, gùi, giỏ đựng chiêng,… vừa làm để bán, vừa làm để sử dụng trong gia đình.

Theo già A Blim, hiện nay, những người mua các sản phẩm đan lát đa phần đều là những người trong làng. Một chiếc giỏ hoặc một chiếc gùi bán với giá khoảng 40, 50 ngàn đồng. Thu nhập không bằng so với những hộ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng ông và nhiều người nữa vẫn luôn tâm huyết với nghề đan lát để giữ gìn văn hóa truyền thống của làng. 

Để một sản phẩm đan lát được hoàn thành, người làm phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, họ phải xác định thứ nguyên liệu cần sử dụng, sau đó vào rừng tìm kiếm. Có rất nhiều loại cây có thể chẻ làm nan như: Tre, nứa, trúc… Dù cùng một họ, nhưng mỗi loại sẽ mang những đặc tính, những ưu nhược điểm khác nhau, nên tùy từng sản phẩm mà chọn nguyên liệu cho phù hợp.

Theo già A Blim khi đã xác định được nguyên liệu, thì tìm kiếm chúng trong rừng cũng không phải là việc dễ dàng, nếu may mắn thì mất khoảng 1 – 2 ngày, nếu không thì 4 -5 ngày là chuyện bình thường. Tiếp đến là làm nan, quá trình này đòi hỏi người làm kiên trì và cần mẫn, chẻ đủ số lượng nan cần thiết. Cuối cùng mới đến công đoạn gia công, người nghệ nhân sẽ biến những chiếc nan trở thành những sản phẩm bắt mắt, có giá trị sử dụng.

Vừa chăm chú vào chiếc giỏ đang đan dở trên tay, già A Blim vừa nói: Đan lát không phải ai cũng làm được, mà phải trải qua quá trình tiếp xúc và làm thường xuyên, lâu dài. Tôi cũng phải “toang” máu tay không biết bao nhiêu lần mới có thể thành thạo được như ngày hôm nay…

Tạm biệt già A Blim, tôi đến thăm già A Wich để nghe những chia sẻ kinh nghiệm đan lát – công việc ông đã gắn bó suốt bao năm qua.

Già A Wich cho biết: Để tạo ra một sản phẩm, thì quá trình đan là quan trọng nhất. Có rất nhiều cách đan, loại đầu tiên là đan theo kiểu 1 lớp. Loại này lỗ thường thưa, nan không cần phải sát nhau, cũng không cần nhiều họa tiết trang trí, bởi nó tập trung vào giá trị sử dụng. Còn một loại khác là đan 2 lớp. Kiểu này rất khó đan, không phải ai cũng làm được, bởi nó chú trọng vào giá trị trưng bày và nghệ thuật. Các lạt phải được đan đều và khít, san sát nhau như những hàng bắp trong quá trình tạo hình sản phẩm.

Công đoạn lên họa tiết cho các sản phẩm đòi hỏi người đan lát phải chuẩn bị kĩ càng và tỉ mỉ. Sau khi hoàn tất quá trình chẻ lạt, người làm tiến hành nhuộm màu cho các thanh lạt. Mỗi thanh nan sẽ có một màu sắc khác nhau tùy theo cách sắp xếp họa tiết. Khi đan, người làm phải biết sử dụng các thanh nan màu hợp lý để tạo nên đúng với họa tiết đã xác định ban đầu.

Khi quá trình đan lát và trang trí hoàn thành, người làm sẽ hoàn tất khâu cuối cùng là làm quai và đế cho các sản phẩm. Theo già A Wich, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, nếu là loại đan theo kiểu 1 lớp sẽ mất khoảng 4-5 ngày, còn nếu là loại 2 lớp sẽ mất thời gian lâu hơn, khoảng 8–10 ngày để hoàn thành.




Nặng lòng với đan lát
Nghệ nhân làng Chốt đang hoàn thiện những chiếc gùi của mình. Ảnh: TT

 

Trước khi tôi tạm biệt làng Chốt, già A Wich còn tâm sự: Để sống với nghề đan lát, người thợ cần phải có các đức tính cần cù, cẩn thận và tuyệt đối không bao giờ được nôn nóng. Có như vậy mới tạo ra được các sản phẩm có giá trị, đẹp cả về nội dung và hình thức. Đan lát cũng là một cách để rèn luyện con người.

Qua tâm tình của già A Wich, già A Blim, tôi chợt hiểu, tất cả phải xuất phát từ lòng đam mê, đau đáu với nghề thì mới có được những sản phẩm như ý. Và cũng nhờ có những người như già A Wich, già A Blim… mà bao năm qua, nghề đan lát truyền thống ở làng Chốt vẫn được lưu giữ, phát huy…

TẤT THÀNH

Đi tới nguồn bài viết