Kon Tum là vùng đất có thế mạnh phát triển du lịch với hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa bản địa đặc sắc. Thế nhưng du lịch Kon Tum phát triển chưa tương xứng bởi còn nhiều ‘điểm nghẽn’.
Nằm ở phía bắc của vùng Tây Nguyên, Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thảm thực vật rừng nguyên sinh đa dạng, tạo nên các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch vô cùng hấp dẫn và độc đáo.
Đó là thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, được ví như “Đà Lạt thứ hai”; đó là Vườn quốc gia Chư Mom Ray-một trong những Vườn di sản ASEAN, có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, mang nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên; thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, rừng đặc dụng Đăk Uy, Khu bảo tồn thiên nhiên sâm Ngọc Linh, suối nước nóng Đăk Tô-những “mỏ vàng” để Kon Tum phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe…
Người dân làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách.
Kon Tum là địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống và cũng nổi tiếng với Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên gắn với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ có vậy, Kon Tum còn sở hữu nhiều công trình tôn giáo có giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc như: Chủng viện thừa sai Kon Tum, Nhà thờ chính tòa, chùa Bác Ái và hệ thống di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng, gồm: Ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei; Di tích chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, Căn cứ Tỉnh ủy…
Chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Tỉnh Kon Tum xác định rõ quan điểm phải đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
“Khơi thông” điểm nghẽn, đẩy mạnh liên kết để phát triển
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum, tổng lượt khách giai đoạn 2016-2020 đạt 1,8 triệu lượt, doanh thu du lịch bình quân hằng năm đạt hơn 200 tỷ đồng. Thống kê trên cho thấy, du lịch Kon Tum phát triển chưa tương xứng với tiềm năng bởi số lượng khách và doanh thu du lịch còn khá khiêm tốn.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai: “Du lịch Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đều vấp phải những “điểm nghẽn” như: Hạ tầng cơ sở giao thông chưa đồng bộ, chưa có đường cao tốc để rút ngắn thời gian di chuyển, chưa có sân bay riêng và thiếu kết nối với các địa phương khác. Sản phẩm du lịch còn bị trùng lặp, chồng chéo giữa các địa phương của Tây Nguyên. Lực lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả…”.
Còn theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Cái khó của Kon Tum là chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp lớn hoạt động tại đây”.
Du khách tham quan Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Trước thực trạng này, theo Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, trước mắt, Kon Tum cần tập trung xây dựng tuyến du lịch nội tỉnh chất lượng cùng các sản phẩm du lịch khác biệt, mang tính trải nghiệm đầy cảm xúc và tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực để thu hút khách du lịch nội địa.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Thắng, cần đầu tư cho đội ngũ nhân lực có chất lượng cao quản lý điểm đến, bởi đây là những người nắm chắc tình trạng điểm đến, cách làm và thị trường, phân khúc phù hợp để đưa ra kế hoạch hoạt động xúc tiến phù hợp.
“Trong bối cảnh hiện nay, Kon Tum có thể nghĩ đến việc “nhập khẩu công nghệ du lịch” từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nước ngoài, thông qua đội ngũ nhân lực có chất lượng sẽ giúp cải thiện và nâng cao mặt bằng năng lực nhân lực du lịch của tỉnh”, ông Thắng chia sẻ.
Du khách giao lưu cùng người dân huyện Tu Mơ Rông.
Để “khơi thông” các “điểm nghẽn” của du lịch Kon Tum, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, Kon Tum cần trở thành điểm du lịch “xanh”, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc trên cơ sở khai thác, phát huy tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum.
Cùng với đó, Kon Tum cần đẩy mạnh liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nhằm hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, có sự kết nối, chia sẻ và bổ sung các thế mạnh cho nhau… Từ đó góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Kon Tum và Tây Nguyên ngày càng rộng rãi hơn.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kon-tum-lam-gi-de-giau-len-tu-du-lich-702215