Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo phòng chống động đất ở Kon Tum

22

www.nguoiduatin.vn

Cần gia cố những vị trí kháng chấn yếu

Ngày 29/7, liên quan đến việc trong thời gian ngắn trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra động đất dồn dập, Viện Vật lý địa cầu Việt Nam có khuyến cáo để người dân chủ động phòng tránh.

Trao đổi với Người Đưa Tin vào sáng 29/7, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: “Sự việc động đất nguyên nhân chủ yếu là động đất kích thích do hồ chứa. Tại huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất bởi thông thường, khi một trận động đất lớn xảy ra thì sẽ kéo theo các trận động đất nhỏ.

Căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian tới động đất sẽ còn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, mức độ lớn hay nhỏ phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá. Hiện, tại tỉnh Kon Tum, Viện đã đặt các đài, trạm. Nhân viên của Viện Vật lý địa cầu vẫn đang túc trực làm việc, để thực hiện đánh giá về vấn đề này”.

Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo phòng chống động đất ở Kon Tum- Ảnh 1.

Động đất dồn dập tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo ông Anh, để chủ động ứng phó với động đất, trước đó, Viện Viện Vật lý địa cầu đã tổ chức các lớp học tuyên tuyền tại tỉnh Kon Tum để động viên bà con, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn người dân trong vùng thường xuyên xảy ra động đất.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải tổ chức rà soát chặt chẽ nhà ở của các hộ dân, trụ sở các cơ quan ban ngành trong vùng tâm chấn, những vị trí nào kháng chấn yếu phải sớm có biện pháp gia cố hợp lý.

Vào ngày 28/7, trận động đất lúc 11h35, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có độ lớn 5.0. Đây là mức động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại khu vực này mà Viện ghi nhận.

Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2, tại khu vực tâm chấn và lân cận. Trận động đất khiến người dân không chỉ ở tỉnh Kon Tum mà ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum 54 trận động đất.

Thiệt hại tài sản sau động đất

Sáng ngày 27/9, PV Người Đưa Tin có mặt tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), nơi tâm chấn động đất để ghi nhận. Chỉ tính riêng sáng cùng ngày trên địa bàn huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra 9 trận động đất, ở mức độ rung lắc nhẹ, nhưng khiến người dân rất hoang mang.

Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo phòng chống động đất ở Kon Tum- Ảnh 2.

Ngày 28/7, xảy ra trận động đất có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay khiến người dân lo lắng.

Trao đổi với PV, bà Y Thanh (ngụ thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết: “Trưa hôm qua cả gia đình đang ăn cơm thấy nhà cửa rung lắc mạnh, mọi người hoảng hốt chạy hết ra ngoài sân. May mắn sau trận động đất nhà cửa không bị thiệt hại gì. Những năm gầy đây, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra động đất, nhưng thấy không ảnh hưởng gì nên mọi người quen dần”.

Ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, ngay sau khi trận động đất 5.0 xảy ra, lãnh đạo địa phương đã đi khắp các làng để kiểm tra ảnh hưởng, thiệt hại. Theo ghi nhận ban đầu, người dân đều có chung cảm giác hoảng hốt, lo lắng.

“Thời điểm xảy ra rung lắc mạnh, người dân trên địa bàn xã sợ sập nhà nên đã chạy ra khỏi nhà. Đến nay, xã chưa ghi nhận trường hợp bị ảnh hưởng về người và tài sản”, ông Bay nói.

Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo phòng chống động đất ở Kon Tum- Ảnh 3.

Ảnh hưởng của động đất khiến nhà một số hộ dân kháng chấn yếu bị nứt tường.

Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, may mắn sau trận động đất mạnh không có thiệt hại về người, nhưng có các thiệt hại về tài sản do tác động của động đất gây ra.

Trong đó, điểm Trường trung học cơ sở và trạm Y tế xã Đăk Ring bị rạn nứt các vách ngăn tường; tại xã Đăk Nên có điểm trường mầm non, phòng làm việc công an xã xuất hiện vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn. Ngoài ra, một số nhà dân bị hư hỏng tài sản.


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/vien-vat-ly-dia-cau-khuyen-cao-phong-chong-dong-dat-o-kon-tum-204240729122433753.htm