Tin giả, hậu quả thật

4

baokontum.com.vn

Đi cùng với những tiện ích, ứng dụng hiện đại của sự phát triển công nghệ thì có thể nói chưa bao giờ những thông tin giả, thông tin sai sự thật lại nở rộ như hiện nay. Không ít người dù tự nhận khá tỉnh táo, nhưng cũng có những khi vì cảm xúc lấn át đã bị cuốn theo dòng tin giả. Tin giả nhưng hậu quả thật, rất thật. Trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với cá nhân, mỗi người cần tỉnh táo khi chia sẻ các thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.

Nở rộ tin giả và những hậu quả thật, rất thật có thể thấy rõ trong dịp cơn bão Yagi  (cơn bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc mới đây. Hết thông tin vỡ đập thủy điện chỗ này, vỡ đê chỗ kia, lại đến những hình ảnh, video cắt ghép.

Nhiều người tự nhận vốn suy xét khá cẩn thận khi đối diện trước những thông tin mới được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thế nhưng, trước những mất mát, thiệt hại quá lớn, trước hình ảnh một bé trai vừa đi vừa khóc và được nhiều người chia sẻ cho rằng bố mẹ cậu bé bị vùi lấp do sạt lở nên cậu bé đi tìm,  đã không khỏi xúc động, thương cảm. Thậm chí, có người còn nhắn tìm địa chỉ và trình bày nguyện vọng muốn nhận cậu bé làm con nuôi. Phải đến khi cô giáo chủ nhiệm cậu bé lên tiếng thì mọi người mới vỡ lẽ ra, bố mẹ cậu bé vẫn ổn và những hình ảnh trong clip được chia sẻ này đã được quay từ năm trước, khi cậu còn học mẫu giáo.

Thời gian qua, nhờ được lực lượng chức năng liên tục cảnh báo, người dân  đã nhận biết và tỉnh táo hơn trước các thông tin giả, thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, như đã nêu, chính trong những tình huống khẩn cấp, khi mà nhiều người có chung mối quan tâm về một lĩnh vực, một vấn đề nào đó cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi nhà, mỗi người, thì tin giả, tin sai sự thật lại càng lan truyền với tốc độ chóng mặt.

171342tin%20gia%20sai%20su%20that

Ảnh minh họa. Nguồn: QĐND

 

Không chỉ trong đợt bão lũ gây ảnh hưởng đến miền Bắc mới đây, mấy năm về trước, giai đoạn dịch Covid -19 bùng phát, kiểu phát tán tin giả của những “anh hùng bàn phím”, từ chuyện chưa có thật hoặc có thật mới chỉ một nửa đã hư cấu, thêm mắm, thêm muối, tung tin thất thiệt, tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bị dẫn dắt bởi các tin giả, tin không đúng sự thật, nhiều người dân đã hoang mang, lo lắng và hấp tấp tích trữ hàng hóa, có những hành động thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Có thể nhận thấy cứ mỗi khi có những tình huống khẩn cấp, phát sinh thì những thông tin giả, thông tin sai sự thật lại càng bùng phát. Các thông tin dạng này hoặc mang lại nhiều cảm xúc, hoặc đưa ra đúng thời điểm nên nhiều người không chút mảy may nghi ngờ.

Quay trở lại câu chuyện bé trai vừa đi vừa khóc tìm mẹ bị vùi lấp do sạt lở đã nhận được sự quan tâm của nhiều người đúng vào thời điểm vùng miền núi Tây Bắc bị sạt lở, vùi lấp nhà cửa, tài sản, người dân. Trong khi miền Bắc đang oằn mình chống bão với bao mất mát đau thương, hình ảnh cậu bé dàn dụa nước mắt, bước thấp bước cao đi tìm mẹ đã khiến cho nhiều người xúc động, thậm chí là lo lắng.

Cảm xúc được đẩy lên đến cao trào nên khi biết được đây là tin giả không ít người đã không khỏi hoang mang. Trong trường hợp này, các tài khoản mạng xã hội mới đơn giản là thu hút sự chú ý như tăng lượng tương tác, chia sẻ, theo dõi và hậu quả ban đầu chỉ mới dừng lại là mất niềm tin. Nhưng, cũng có những trường hợp tin giả nhưng hậu quả mang lại ngay trước mắt. Chẳng hạn như thông tin giả loan báo dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn thành phố Kon Tum khiến người dân ùn ùn kéo ra các chợ mua hàng tích trữ, mà có người thú thực cả nhà dùng trong cả hơn tháng trời vẫn chưa hết. Hay thông tin giả vỡ đập thủy điện  trong cơn bão số 3 vừa qua đã khiến nhiều gia đình cuống cuồng tháo chạy, còn lực lượng chức năng vừa phải thực hiện nhiệm vụ chống bão lũ, vừa phải liên tục phát thông tin chính thống để người dân nắm bắt tình hình, có ứng xử phù hợp.  Rồi những thông tin giả như mạo danh cán bộ ngân hàng dụ dỗ nâng hạn mức tín dụng, mạo danh cán bộ công an thông báo đang điều tra các vụ án…, dù không mới nhưng đã có không ít trường hợp ngậm đắng nuốt cay khi mất tiền với con số lên đến hàng trăm triệu đồng.

Điều đáng nói hơn nữa là hậu quả của tin giả không chỉ đến ngay trước mắt, đó chính là mất niềm tin, mất tiền bạc, mất công sức như trong những câu chuyện vừa nêu, mà về lâu dài còn khiến cho không ít người luôn hoài nghi, thiếu đi niềm tin nói chung vào các giá trị thật của cuộc sống.  

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, sóng wifi, 4G, mỗi người dùng mạng xã hội đều trở thành “người đưa tin”. Và trong ngồn ngộn thông tin tốt có, lành mạnh có, chuẩn xác có, xấu có, thiếu chuẩn xác theo kiểu “thấy cây mà không thấy rừng” có, thậm chí không có chút nào sự thực cũng có…, mỗi người cần tỉnh táo để kiểm chứng thông tin là hết sức cần thiết.        

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/tin-gia-hau-qua-that-43267.html