Thi đánh giá năng lực ngành công an: Thí sinh than khó ở những nội dung nào?

12

thanhnien.vn

Thi đánh giá năng lực ngành công an: Thí sinh than khó ở những nội dung nào?- Ảnh 1.

Thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an vào trưa nay, 7.7

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (TP.Thủ Đức, TP.HCM), một nữ sinh lớp 12 tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) nhận định riêng ở môn sử, đề thi đánh giá năng lực của Bộ Công an có nhiều câu hỏi về các kiến thức lớp dưới như lớp 10, 11. “Nhưng nhìn chung, phần xã hội dễ hơn so với đề minh họa, còn phần tự nhiên thì khó hơn. Lý, hóa với em có nhiều câu ‘lạ lùng’ lắm”, nữ thí sinh đặt nguyện vọng vào ngành nghiệp vụ cảnh sát, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (Q.7, TP.HCM), chia sẻ.

Cũng gặp khó ở bài thi môn sử, Quốc Khang, học sinh Trường Văn hóa, Cục Đào tạo – Bộ Công an (Thái Nguyên), kể đề có câu hỏi kinh đô của nhà nước Âu Lạc được đặt tại đâu. Đây là bài học được dạy từ lớp 10 nên nam sinh thú nhận đã phân vân không biết nên chọn đáp án là Cổ Loa (Hà Nội) hay Hoa Lư (Ninh Bình), sau khi đã loại ra hai đáp án chắc chắn sai.

Thí sinh Đặng Phan Thảo Vy thì cho biết, phần tiếng Anh với em là dễ nhất trong đề thi, theo sau đó là các câu hỏi về sử, địa. “Do thi khối D (toán, văn, tiếng Anh) nên em chỉ làm tự nhiên được sơ sơ, bài nào chỉ áp công thức đơn giản hay hỏi lý thuyết thì em làm được, còn lại em ‘lụi’ hết. Nếu so với đề tham khảo thì em thấy đề chính thức khác lắm”, nữ sinh cho biết.

Thi đánh giá năng lực ngành công an: Thí sinh than khó ở những nội dung nào?- Ảnh 2.

Thí sinh dự thi

Trong khi đó, Phạm Quang Vinh, thí sinh từ tỉnh Kon Tum, đánh giá phần xã hội trong đề thi đánh giá năng lực của Bộ Công an thiên về vận dụng cao nhiều; điều này tương tự diễn ra với phần tự nhiên. “Trắc nghiệm khó quá nên em cũng thấy hơi lo. Tính cả phần tự luận, em thấy mình làm được khoảng hơn 50% một xíu”, Vinh cho hay.

Nam sinh nói thêm, vì chọn làm mã đề CA2 nên ngoài phần trắc nghiệm, em cũng phải hoàn thành bài thi tự luận ngữ văn gồm phần đọc hiểu và nghị luận văn học. Theo Vinh, phần tự luận nhìn chung dễ hơn trắc nghiệm. “Em thấy đề tham khảo với đề chính thức khác nhau quá. Đặc biệt, câu hỏi nghị luận văn học yêu cầu thí sinh so sánh 2 tác phẩm Việt Bắc (Tố Hữu) và Tây Tiến (Quang Dũng) chứ không chỉ phân tích một tác phẩm như minh họa”, Vinh thông tin.

Theo Bộ Công an, đây là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, thu hút gần 18.000 thí sinh và tăng 20% so với năm 2023. Kết quả kỳ thi dùng để xét vào 8 trường công an theo phương thức 3, tức kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó kết quả thi đánh giá năng lực chiếm tỷ trọng 60%. Khoảng 80% trong hơn 2.100 chỉ tiêu các trường công an năm 2024 được xét tuyển theo cách này.

Thi đánh giá năng lực ngành công an: Thí sinh than khó ở những nội dung nào?- Ảnh 3.

Chiếm tỷ trọng 60% trong kết quả chính thức, bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an là chìa khóa quan trọng giúp thí sinh có cơ hội trở thành chiến sĩ công an

Đáng chú ý, tất cả các trường ĐH, học viện năm nay đều không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển thẳng so với kế hoạch đặt ra. Hầu hết các đơn vị đều thông báo là sẽ chuyển chỉ tiêu còn thừa từ phương thức 1, 2 sang phương thức 3. Trước đó, có 11 thí sinh trúng tuyển theo phương thức 1 (đạt giải quốc gia, quốc tế) và 116 thí sinh trúng tuyển theo phương thức 2 (có trình độ ngoại ngữ tương đương IELTS 7.5 trở lên).

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, phần trắc nghiệm tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ; phần tự luận thí sinh được lựa chọn một trong 2 nội dung toán (mã đề CA1) hoặc văn (mã đề CA2).


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/thi-danh-gia-nang-luc-nganh-cong-an-thi-sinh-than-kho-o-nhung-noi-dung-nao-185240707131502348.htm