Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, chủ động ứng phó với thiên tai

4

baotintuc.vn

Chú thích ảnh
Mưa lớn gây nước cuốn trôi cống đang thi công tại tỉnh lộ 175, đoạn từ Mỏ Vàng đi An Lương, huyện Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Tính đến 20 giờ ngày 16/5, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường giao thông của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại tuyến Tỉnh lộ 175, từ xã Mỏ Vàng đi xã An Lương, nước lũ cuốn trôi cống tại khu vực Khe Sung, gây chia cắt hoàn toàn khu vực Khe Đâm với trung tâm xã Mỏ Vàng, hiện không đi lại được. Cũng tại xã Mỏ Vàng, mưa lũ gây sạt lở cục bộ tuyến đường đi các thôn Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 với khối lượng đất đá khá lớn, gây ách tắc giao thông. Học sinh ở 3 điểm trường tại khu vực này tạm thời phải nghỉ học. Mưa lớn gây sạt lở, gây ảnh hưởng đến nhà nhiều hộ gia đình ở các thôn Khe Lóng 3, Khe Hóp.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, mưa to kèm dông lốc từ đêm 15 đến sáng 16/5 trên địa bàn làm 9 nhà bị ngập nước và bùn đất tràn vào; 23,6 ha lúa Xuân và hoa màu, 5 ha thủy sản, một công trình thủy lợi bị thiệt hại. Đặc biệt, tại xã Yên Sơn, mưa lớn gây ngập úng 2 điểm trên tuyến Quốc lộ 279 hướng đi xã Bảo Hà thuộc địa phận bản Bát và bản Chom, có chỗ ngập sâu đến gần 1m khiến việc di chuyển của người dân gặp khó khăn. Mưa lớn làm nước, bùn đất tràn vào Trạm Y tế xã Yên Sơn và nhà dân, gây hư hỏng nhiều trang thiết bị, đồ đạc.

Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa to đã làm 24 nhà bị ảnh hưởng, ngập úng ở các huyện Pác Nặm, Na Rì; 42 ha ngô, lúa bị gẫy đổ, ngập úng. Tuyến đường 258B có nhiều vị trí bị sạt lở, tuy nhiên khối lượng nhỏ không gây ảnh hưởng đến giao thông. Ước tính thiệt hại do mưa to, gió lớn gây ra trong ngày 15 – 16/5 khoảng 1,2 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong hai ngày 15 – 16/5, mưa lớn diện rộng diễn ra tại huyện Nguyên Bình đã làm 1 ngôi nhà bị sập, đổ hoàn toàn, nhiều nhà bị đất đá tràn vào hoặc bị ngập nước… trên 81 ha hoa màu và một số máy móc, đồ dùng phục vụ sản xuất, sinh hoạt hằng ngày bị vùi lấp, cuốn trôi; một số gia súc bị c h ế t, 1.200 m2 ao nuôi cá bị nước ngập tràn bờ. Tại huyện Bảo Lạc, mưa lớn gây sạt lở đất đá tại Quốc lộ 4A (đoạn qua các xã Khánh Xuân, Xuân Trường), đường tỉnh 215 (đoạn xã Sơn Lộ).

Chú thích ảnh
Dông lốc khiến nhiều căn nhà ở huyện Bù Đăng bị tốc mái. Ảnh: TTXVN phát

Tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, mưa lớn kèm theo lốc xoáy xảy ra tối 15, rạng sáng 16/5, đã làm 4 căn nhà bị đổ sập, tốc mái; hàng chục ha cây trồng gồm cao su, điều, sầu riêng… bị gãy đổ, rụng trái. Mưa lớn, sấm chớp kèm theo lốc xoáy mạnh tại các xã Đắc Nhau, Phú Sơn khiến 1 nhà sàn gỗ bị đổ sập hoàn toàn, 2 căn nhà bị tốc mái, cột chống sét cao 30 m bị đổ, nhiều diện tích cây trồng bị gãy đổ, 50 m đường bờ hồ bị sạt lở nghiêm trọng tại xã Phú Sơn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mưa lớn diện rộng trong chiều 15/5 khiến nhiều tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn Quận 10, 11, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, thành phố Thủ Đức bị ngập sâu, giao thông nhiều nơi tê liệt; nhiều nhà dân ở đường Dương Văn Cam (thành phố Thủ Đức) bị nước tràn vào nhà…

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã chủ động các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), di chuyển người dân đến nơi an toàn, hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định sản xuất và đời.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 16 – 18//5, nhiều khu vực trong cả nước đều có mưa và dông. Mưa dông xảy ra tập trung vào chiều tối và đêm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài ra, trong đêm 16/5, khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa, với lượng mưa phổ biến từ 10 – 30mm, có nơi trên 50mm. Các tỉnh Kon Tum, Đăk Nông có lượng mưa từ 10 – 20mm, có nơi trên 40mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình); Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Sa Pa, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai); Lục Yên, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên (tỉnh Yên Bái); Chiêm Hóa, Hàm Yên, Nà Hang (tỉnh Tuyên Quang); Pác Nặm (tỉnh Bắc Cạn); Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân, Yên Định (tỉnh Thanh Hóa); Đăk Glong, Tuy Đức ( Đăk Nông); Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô (tỉnh Kon Tum).

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn.

Các địa phương tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/xa-hoi/theo-doi-chat-che-thong-tin-du-bao-chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-20240516222121353.htm