Thầy và trò Trường THCS xã Ngọk Réo giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

13

baokontum.com.vn

Trong 3 năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Trường THCS xã Ngọk Réo đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đề ra các giải pháp sát hợp thực tiễn, nhà trường phân công các thầy cô giáo nắm bắt thực trạng về cách làm kinh tế, các phong tục, tập quán, lối sống văn hoá… của bà con nơi đây thông qua tìm hiểu thực tế đời sống, nghiên cứu tài liệu, sách báo và từ các em học sinh của nhà trường.

Trên cơ sở đó, Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhân viên đơn vị tìm ra cách làm phù hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để góp phần giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Theo đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã thực hiện đồng thời nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động bà con thông qua các cuộc họp phụ huynh học sinh, các buổi họp thôn… Trong đó, nhà trường tập trung tuyên truyền để bà con biết và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; biết tự học tập để nâng cao hiểu biết; biết học hỏi và áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm, động viên con, cháu học tập đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng; biết tự quan tâm, chăm sóc sức khoẻ bản thân và gia đình; biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc; biết phân biệt đúng – sai; không tin, không nghe, không làm theo lời tuyên truyền, xúi giục, kích động của kẻ xấu; đấu tranh bài trừ tà đạo; không tham gia tệ nạn xã hội…

Một trong những giải pháp nổi bật để thực hiện tốt Cuộc vận động của nhà trường là đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh đồng bào DTTS, nhằm khơi nguồn đam mê nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh. Để thực hiện tốt phong trào, các thầy cô giáo quan tâm định hướng cho học sinh nghiên cứu những dự án, đề tài có sự tham gia người dân tại địa phương, qua đó góp phần lan toả, nhân rộng mô hình để người đồng bào DTTS biết áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, biết tiết kiệm chi tiêu trong sản xuất, tiêu dùng, duy trì và phát triển các nghề truyền thống; tham gia các hình thức mua bán, tiêu thụ sản phẩm; xử lý chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp. Từ năm 2021 đến nay, học sinh trong trường đã có nhiều dự án được áp dụng vào thực tiễn, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS.

Năm học 2021-2022, nhóm nghiên cứu khoa học kỹ thuật, gồm em Y Như Quỳnh và Nguyễn Thị Tường Vy đã tìm hiểu và thực hiện dự án “Vận động người dân trồng cỏ chống xói mòn, sạt lở và phục vụ chăn nuôi góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS” thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và hướng dẫn người dân cải tạo đất, chống xói mòn, sạt lở ở một số khu vực đồi dốc, gần sông, suối và tạo được nguồn thức ăn và dự trữ thức ăn trong chăn nuôi.

Dự án có sự tham gia của 70 hộ dân tại 7 thôn, các hộ dân tham gia dự án đa số là hộ nghèo, là phụ huynh của các học sinh trong trường. Dự án đã mang lại hiệu quả, lan toả, mở rộng và duy trì tốt đến ngày hôm nay.

0930241

Bà Y Danh bên trại chăn nuôi của gia đình. Ảnh: HTCH

 

Bà Y Danh – người dân làng Kon Jong cho biết: Từ khi tham gia dự án, nhà tôi đã trồng được rất nhiều cỏ voi, cỏ VA06 tại các vùng đất bị bỏ hoang trước đây, không chỉ chống xói mòn, sạt lở mà còn cải tạo đất và đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn bò 12 con của gia đình, đặc biệt là ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn. Từ việc tham gia dự án, gia đình có thêm thu nhập từ chăn nuôi bò trên 50 triệu đồng/năm.

Nhằm vận động, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng, năm học 2022 -2023, em Nguyễn Thị Tường Vy và Y Hà Linh đã tìm hiểu và triển khai dự án “Dùng chế phẩm sinh học ủ phân gia súc, gia cầm tại thôn, bản vùng đồng bào DTTS”, thuộc lĩnh vực kĩ thuật môi trường.

Dự án với sự tham gia của 35 hộ dân tại các thôn trên địa bàn xã; các hộ dân được lựa chọn tham gia dự án là các hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm và là các hộ nghèo trong thôn.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm ủ phân, khi có được thành phẩm, nhóm đã bón cho một số cây trồng. Qua theo dõi, nhận thấy cây trồng sinh trưởng và phát triển xanh tốt hơn so với thời điểm trước khi bón.

Để có cơ sở đánh giá về chất lượng phân bón, nhóm nghiên cứu đã gửi mẫu phân đã ủ đến Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm định sản phẩm theo các tiêu chí của phân bón hữu cơ. Kết quả cho thấy mẫu phân bón đạt tiêu chuẩn của phân bón hữu cơ an toàn, có thể ứng dụng rộng rãi.

Với kết quả đó, nhóm các thầy cô, các bạn học sinh trong trường và các hộ thực hiện dự án đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã cách dùng chế phẩm sinh học để ủ phân gia súc, gia cầm. Đến nay đã có hơn 100 hộ gia đình triển khai thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

0930462.%20H%C3%8CNH%20%E1%BA%A2NH%20D%E1%BB%B0%20%C3%81N%20%E1%BB%A6%20PH%C3%82N

Ông A Der ủ phân gia súc bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: HTCH

 

Chia sẻ về cách ủ phân gia súc, gia cầm với chế phẩm sinh học, ông A Der – người dân làng Kon Bơ Băn cho biết: Nguyên liệu để ủ 1 tấn phân gia súc, gia cầm, gồm nước, 6kg cám gạo, 200g chế phẩm trichoderma và 200g chế phẩm emzeo, tiến hành đào 1 hố sâu 60cm, dài 2m, rộng 1,2m ở khu đất sau cách xa nhà để ủ, dùng bạt che phủ, tưới nước 1 tuần/lần trong vòng 5 – 6 tuần; với cách làm này, gia đình tôi xử lý triệt để lượng chất thải chăn nuôi, cải thiện môi trường xung quanh gia đình sống. Nhờ vậy, gia đình tôi đã tự sản xuất được nguồn phân bón hữu cơ an toàn để chăm sóc vườn cà phê, tiết kiệm chi phí khoảng 25 triệu đông/năm so với việc sử dụn phân hoá học như trước đây, làm đất trồng tơi xốp, không bị trai cứng khô như sử dụng phân hóa học.

Trong năm học 2023 -2024, dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong trường, các nhóm học sinh cũng đã nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn mô hình “Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lên men từ nguyên vật liệu có tại địa phương”, mô hình “Tái chế các vật liệu làm đồ dùng học tập và ứng dụng trong đời sống” và dự án “Lưu giữ, phát huy vũ điệu xoang nghi thức cho học sinh người dân tộc Xơ Đăng tại Trường THCS xã Ngọk Réo”, đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng những lợi ích của cây dã quỳ trong sản xuất nông nghiệp tại xã Ngọk Réo – huyện Đăk Hà”; các mô hình, dự án, đề tài vừa có ý nghĩa thực tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động đã thu hút toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường và hơn 500 hộ dân trên địa bàn 7 thôn tham gia cùng thực hiện các giải pháp, mô hình, dự án, đề tài triển khai, tạo được sức lan tỏa trong đồng bào DTTS nhất là trong các hộ nghèo, cận nghèo. Các giải pháp, mô hình, dự án, đề tài bước đầu đã mang lại một số hiệu quả tích cực góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, văn hoá, bảo vệ môi trường và xoá bỏ một số hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại vùng đồng bào DTTS xã Ngọk Réo.

Trong thời gian đến, nhà trường tiếp tục duy trì, nhân rộng, phát triển các giải pháp thực hiện có hiệu quả và tiếp tục nghiên cứu thực hiện các cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương, qua đó đưa Cuộc vận động đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Huỳnh Thị Công Hảo


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/thay-va-tro-truong-thcs-xa-ngok-reo-giup-dan-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-42517.html