tienphong.vn
TPO – Hai vụ tàu hỏa chở khách bị trật bánh khi di chuyển qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) làm dấy lên nghi ngờ, các sự cố giao thông này là do động đất trước đó đã làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý tuyến, đó là nghi vấn không có căn cứ xác thực.
Ngày 8/8, thông tin từ Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, lực lượng chức năng hiện tập trung làm rõ nguyên nhân 2 vụ tàu hỏa bị trật bánh khi lưu thông qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế, chỉ trong vòng 10 ngày.
Tàu hỏa trật bánh tại thị trấn Lăng Cô, TT-Huế chiều 28/7.
Trước đó, vào chiều 28/7, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, xảy ra sự cố đoàn tàu chở khách SE11 bị trật bánh. Hai toa xe của đoàn tàu này bị trật bánh khỏi đường ray, trong đó có một toa nghiêng hẳn về bên trái theo hướng lưu thông một góc 45 độ. Sự cố tuy không gây thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng giao thông đường sắt.
Chỉ 10 ngày sau, vào chiều 7/8, cũng tại địa bàn huyện Phú Lộc, đoàn tàu khách SE2 khi di chuyển từ TP.HCM đi Hà Nội đã xảy ra sự cố trật bánh tại toa chở khách mang số hiệu A31490.
Chỉ sau 10 ngày, trên tuyến đường sắt qua TT-Huế lại xảy ra sự cố tàu hỏa trật bánh.
Sự cố này cũng không có thiệt hại về người. Sau nhiều giờ cứu hộ, đến tối cùng ngày, đường sắt qua khu vực xảy ra sự cố đã được thông tuyến trở lại.
Điều khiến dư luận chú ý, ngày xảy ra vụ đoàn tàu khách SE11 trật bánh (chiều 28/7) ở Lăng Cô, tại tỉnh Kon Tum có trận động đất lớn vào khoảng 11h35 phút, khiến nhiều địa bàn như Quảng Nam, Đà Nẵng, TT-Huế có thể cảm nhận được sự rung lắc.
Từ trận động đất này, một số người đặt nghi vấn, các vụ tàu hỏa chở khách trật bánh liên tiếp khi qua địa bàn TT-Huế thời gian gần đây có phải do chịu tác động của rung chấn trước đó làm ảnh hưởng hạ tầng chạy tàu?
Không có cơ sở khẳng định tàu hỏa trật bánh liên tiếp tại TT-Huế là do ảnh hưởng của động đất.
Theo lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, nghi vấn tàu hỏa bị trật bánh thời gian gần đây liên quan đến động đất là không có căn cứ xác thực, nguyên nhân này cần loại trừ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Phúc – Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết: “Sự cố tàu trật bánh có thể do nhiều nguyên nhân. Có thể do chất lượng hạ tầng cầu đường, hoặc do phương tiện, hoặc người điều khiển… Nguyên nhân gây ra các sự cố đường sắt hiện chờ hội đồng chuyên môn phân tích, đánh giá, làm rõ. Quá trình này kéo dài khoảng từ 15-20 ngày”.
Cũng theo ông Phúc, hạ tầng cầu đường trên tuyến do đơn vị quản lý hiện đảm bảo an toàn, ngoại trừ một vài điểm cần lưu ý do kết cấu công trình bằng liệu cũ trước đây chưa được thay thế, như đoạn hầm số 6, đoạn đường sắt qua thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, TT-Huế) – nơi từng xảy ra sự cố tàu SE11 bị trật bánh vào cuối tháng 7.
Công ty hiện tiếp tục cho rà soát, đánh giá hiện trạng, chất lượng công trình cầu đường; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng bố trí thêm nguồn kinh phí để cải thiện hệ thống hạ tầng đường sắt trên đoạn tuyến do đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và an toàn chạy tàu.
Tàu hỏa trật bánh sau va chạm xe đầu kéo
11/03/2024
Điều cần cẩu 100 tấn xử lý sự cố tàu SE1 trật bánh tại Huế
04/05/2023
Đường sắt Bắc – Nam thông trở lại sau tai nạn tàu khách SE2 trật bánh
14/06/2023
Ngọc Văn
Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/tau-hoa-lien-tiep-trat-banh-tai-thua-thien-hue-nghi-ngo-do-dong-dat-post1662017.tpo