Nhọc nhằn bảo vệ thú rừng

16

baokontum.com.vn

13/05/2024 13:10

Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) là nơi có nhiều loại động vật quý hiếm sinh sống. Do đó, nơi đây trở thành miếng mồi ngon cho kẻ gian, đối tượng tìm cách bẫy, săn bắt các loại thú rừng. Cũng vì thế mà càng làm cho lực lượng bảo vệ rừng nơi đây vô cùng vất vả, khó khăn để ngăn chặn, bảo vệ các loại thú rừng.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray hiện đang quản lý 56.257,16ha, nằm trên địa bàn 8 xã và 1 thị trấn thuộc 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Đây cũng là vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước láng giềng Lào và Campuchia.

Theo số liệu thống kê, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có khoảng 1.895 loài thuộc 184 họ, trong đó có 192 loài thuộc diện quý hiếm. Ngoài gỗ, còn có các lâm sản  khác bao gồm 425 loài cây dược liệu có giá trị, trong đó đã ghi nhận 18 loài có trong danh mục sách đỏ cây thuốc Việt Nam.

Về động vật, theo kết quả điều tra, giám định các mẫu vật thu được và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu, đến nay đã thống kê được trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray có 1.001 loài động vật thuộc 6 lớp khác nhau: Thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá, côn trùng. Trong đó, có 112 loài quý, hiếm, đặc hữu. Với đặc điểm đa dạng sinh học và nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN.

152249nh%E1%BB%8Dc%20nh%E1%BA%B1n%20g%E1%BB%A1%20b%C3%A3y%20th%C3%BA%20r%E1%BB%ABng%20%E1%BB%9F%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20qu%E1%BB%91c%20gia%20Ch%C6%B0%20Mom%20Ray%20(2)

 

152306nh%E1%BB%8Dc%20nh%E1%BA%B1n%20g%E1%BB%A1%20b%C3%A3y%20th%C3%BA%20r%E1%BB%ABng%20%E1%BB%9F%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20qu%E1%BB%91c%20gia%20Ch%C6%B0%20Mom%20Ray%20(3)

Nhọc nhằn gỡ bẫy thú rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: P.N

 

Cũng bởi sự đa dạng sinh học của vườn nên trách nhiệm của đội ngũ cán bộ của Vườn quốc gia Chư Mom Ray càng nặng nề hơn. Ngoài việc gìn giữ rừng thì đội ngũ cán bộ nhân viên nơi đây đang nỗ lực vượt khó để bảo vệ các loài thú rừng, bảo vệ các loại thực vật, tạo sự đa dạng sinh học cho Vườn. Việc bảo vệ gặp nhiều gian nan, vất vả, nhưng vì trách nhiệm, vì sự sống của các loài thú rừng, họ vẫn đang ngày đêm làm mọi điều để mang lại sự sống cho những loài động vật.

Đến Vườn quốc gia Chư Mom Ray, nghe những cán bộ kiểm lâm, nhân viên kể về những nỗ lực để bảo vệ những loài thú ở khu vườn này, chúng ta mới thấy thật trân trọng họ.

Theo ông Đào Xuân Thủy-Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, hàng ngày, đội ngũ cán bộ của Vườn phải “ăn ngủ trong rừng”, “dầm mưa dãi nắng” bảo vệ rừng, tìm và gỡ những chiếc bẫy của người dân vào rừng đặt để săn bắt thú rừng trong Vườn. Điều đáng nói, để tìm được những chiếc bẫy cũng không hề đơn giản, cán bộ của Vườn phải vất vả ngày đêm bám rừng và đặc biệt phải có kinh nghiệm, chịu khó mới có thể phát hiện được.

Theo chân cán bộ bảo vệ rừng, chúng tôi vào tận vùng lõi của Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến rừng được bảo vệ tốt tươi, cây cổ thụ mọc san sát nhau. Từng đàn khỉ nhảy tót trên ngọn cây. Dưới dòng suối chảy róc rách, một đàn heo rừng đua nhau uống nước. Thấy người lạ, đàn heo lẩn mình vào đám cây bụi trước khi biến mất. Chúng tôi cũng bắt gặp tổ bảo vệ rừng của Trạm Bảo vệ rừng Bar Gốc (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) đi tuần tra giữa rừng. Gương mặt các anh tràn ngập mồ hôi vì nắng nóng. Các anh ngồi bên vệ đường, chia nhau từng chai nước mát lành rồi uống để tiếp sức.

Anh Lê Văn Nghĩa – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Bar Gốc cho biết, trạm có 5 cán bộ, được giao quản lý 5.139ha rừng. Thời điểm này, để tăng cường bảo vệ rừng khỏi cháy và ngăn chặn người dân bẫy thú, cán bộ trạm băng rừng liên tục tuần tra. Cứ sáng sớm, anh em mang theo nước, thức ăn rồi đi kiểm tra tại những khu vực có nguy cơ bị đặt bẫy để tháo dỡ, giải cứu động vật. Riêng chuyến đi gần nhất, trạm tháo dỡ được 4 dây bẫy.

152354th%E1%BA%A3%20c%C3%A1c%20lo%E1%BA%A1i%20%C4%91%E1%BB%99ng%20v%E1%BA%ADt%20v%E1%BB%81%20r%E1%BB%ABng

Thả các loại động vật về rừng. Ảnh: P.N

 

“Rừng được bảo vệ tốt nên có nhiều động vật sinh sống. Xác định bảo vệ gene động vật quý là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài việc tháo dỡ bẫy thú do dân lén lút đặt bẫy, chúng tôi còn tiến hành tuyên truyền để dân biết việc săn bẫy thú rừng là không đúng quy định để họ từ bỏ. Nhờ đó, ý thức người dân được tăng lên. Số lượng bẫy thú và phương thức bẫy thú cũng giảm hẳn.Riêng các loại bẫy dùng để bắt các loại thú lớn đã không còn. Đây là điều rất đáng mừng” – anh Nghĩa nói.

Theo anh Nghĩa, việc phát hiện bẫy cũng rất khó khăn vì nó được ngụy trang rất kỹ. Nếu không có kinh nghiệm và tinh mắt thì rất khó phát hiện. Ngoài kinh nghiệm, cần nắm vững địa bàn, xác định khu vực nào có nhiều thú thì chắc chắn người dân sẽ đặt bẫy nhiều, vì vậy, anh em thường đi vào vùng đó nhiều hơn. Thậm chí, một vài ngày lại phải đi lại, bởi có khi hôm trước mình đi chưa có bẫy nhưng hôm sau người dân mới vào đặt. Mỗi lần đi, anh em chúng tôi phải chuẩn bị khá kỹ các dụng cụ, cũng như đồ ăn thức uống để ăn nghỉ trong rừng một vài ngày.

Cũng theo lời kể của những người bảo vệ rừng của Vườn, trong quá trình đi tìm bẫy, nếu không cẩn thận sẽ bị dính bẫy gây thương tích cho bản thân. Do đó, phải có kinh nghiệm, tinh mắt dùng cây gậy dài thăm dò trước.

“Tùy theo đặc điểm từng loại thú mà người dân dùng các loại bẫy khác nhau. Loại bẫy người dân dùng bẫy loại thú leo trên cây hay bẫy thú nhỏ thường để chừa lỗ nhỏ thì còn dễ phát hiện. Còn khó nhất là bẫy mà người dân dùng bẫy thú lớn. Loại bẫy này thường được đặt dưới đất, được phủ kín lá, cây rừng, người dân lại xóa dấu vết, vì vậy, nếu không tinh mắt và có kinh nghiệm thì rất khó phát hiện” – anh Nghĩa chia sẻ. 

Cũng theo anh Nghĩa, với những người cán bộ bảo vệ rừng ở đây thì điều hạnh phúc nhất khi tháo dỡ bẫy thú, được chính tay cứu hộ, thả động vật về tự nhiên. “Mình có lần đi dỡ bẫy, phát hiện 1 chú khỉ đuôi lợn bị mắc bẫy. Qua nhìn nhận, cá thể khỉ này bị mắc bẫy được 2 ngày. Gặp chúng tôi, cá thể khỉ đứng yên, đưa ánh mắt nhìn như muốn cầu cứu. Anh em tháo bẫy rồi thả cho khỉ về. Khi thoát khỏi bẫy, cá thể khỉ đuôi lợn vẫy đuôi rồi nhảy lên cây rừng cổ thụ. Nhìn cá thể động vật được an toàn, về sinh sống tự nhiên, bầy đàn, trong lòng chúng tôi vô cùng hạnh phúc” – anh Nghĩa nói.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến tháng 3/2024, lực lượng bảo vệ rừng Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã tuần tra, tháo gỡ 30.876 bẫy thú các loại. Nhờ đó, các loài thú được bảo vệ tốt.

Song song với việc gỡ bẫy, tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng đã xây dựng được Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái. Trung tâm đầu tư các chuồng nuôi nhốt động vật riêng, đầy đủ tiện nghi và phân chia theo các khu. Thời điểm có mặt, các khu nuôi nhốt được dọn dẹp sạch sẽ, sẵn sàng tiếp nhận động vật cứu hộ.

Chị Trần Ánh Nguyệt- cán bộ Trung tâm cho biết, những năm qua, Trung tâm tiếp nhận rất nhiều động vật hoang dã là tang vật các vụ án chuyển về đây chăm sóc cứu hộ. Khi tiếp nhận, Trung tâm chăm sóc kỹ lưỡng rồi thả về tự nhiên. Vừa qua, số lượng động vật cứu hộ đã được chăm sóc khoẻ mạnh nên Trung tâm đã thả hết về tự nhiên.

Theo ông Đào Xuân Thủy- Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, trong 6 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận cứu hộ 344 cá thể động vật. Trong đó, số cá thể đủ điều kiện thả về tự nhiên là 181 cá thể. Số còn lại, đa phần đơn vị bàn giao cho đơn vị cứu hộ khác tiếp tục chăm sóc.

“Để nâng cao kỹ năng chăm sóc động vật rừng, vườn đã tuyển dụng nhiều cán bộ chuyên ngành thú y có chuyên môn cao; thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn cứu hộ. Đặc biệt, nhiều loài khỉ, vượn quí hiếm có tên trong sách đỏ và nhiều loài động vật khác đã được đưa về đây trong tình trạng chờ c h ế t hoặc thương tích đầy mình, được những cán bộ của Vườn tận tình chăm sóc, cứu sống. Khi thương tích lành, chúng được thả về rừng. Nhờ được chăm sóc khoẻ mạnh nên khi thả về tự nhiên, các loại thú rừng đều sinh trưởng, phát triển tốt, từ đó, làm đa dạng nguồn gene quý”- ông Thủy cho hay.

Những câu chuyện và việc làm của cán bộ, nhân viên ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray thật đáng trân trọng và cần tiếp tục phát huy. Mỗi người chúng ta hãy nâng cao ý thức nhằm bảo vệ, gìn giữ cho những cánh rừng mãi xanh, để cho những loài thú rừng có nơi để sinh sống và không săn bắt, đặt bẫy các loại thú rừng.

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nhoc-nhan-bao-ve-thu-rung-40772.html