baokontum.com.vn
Hôm nay, như mỗi ngày đã qua, tôi hòa vào dòng người tất bật trên phố. Nhưng khác với mỗi ngày đã qua, khi đi trên đường Trần Phú, dưới bóng cờ Tổ quốc tung bay, tôi như chìm đắm trong một âm hưởng linh thiêng của những ngày mùa Thu độc lập năm xưa.
Cờ Tổ quốc tung bay trên phố mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: HL
Kon Tum vẫn đang trong mùa mưa. Nhưng mấy ngày nay nắng vàng nhẹ, và sóng sánh đến mức có cảm giác có thể nếm được vị của nắng. Đúng là “hết mưa là nắng hửng lên thôi”.
Đi trên đường Trần Phú, dưới bóng cờ bay, tôi như chìm đắm trong một âm hưởng linh thiêng của những ngày Cách mạng Tháng Tám cách đây 79 năm. Như nghe tiếng hô giục giã toàn dân nhất tề đứng dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đưa đất nước thoát khỏi áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp và chế độ phong kiến.
Tôi đã cố hình dung lại khí thế cách mạng sục sôi trong những ngày “gió tháng Tám thổi lộng, làm dậy lên đỏ rực lớp lớp những lá cờ… Cả biển người im dần. Chỉ còn tiếng những loa phóng thanh oang oang vang xa. Những loa phóng thanh đang truyền đi lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa. Những loa phóng thanh truyền đi lệnh giành chính quyền ở Hà Nội, thủ đô nghìn năm của nước Việt Nam…” (trích trong tiểu thuyết Vỡ bờ của nhà văn Nguyễn Đình Thi).
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng, với quyết tâm to lớn, nhân dân ta đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam- Cách mạng Tháng Tám. Từ những ngày sục sôi khí thế ấy, chính quyền đã về tay nhân dân, đất nước là do nhân dân tạo dựng, bảo vệ và làm chủ!
Thành công của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục khẳng định và nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập tự do, quyết không chịu làm nô lệ.
Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử, “vào bốn nghìn năm Đất Nước”, như cách nói của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, từ thời kỳ của các vua Hùng đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, qua biết bao thăng trầm, bi hùng, nhiều triều đại, thể chế ở Việt Nam đã thay đổi, nhưng dân tộc ta chưa bao giờ khuất phục, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tiếp đó là 87 năm đấu tranh không ngừng nghỉ chống thực dân Pháp, nếu tính từ năm 1858, dù phải sống trong cảnh “nước mất nhà tan”, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen.
Cho đến Tháng Tám mùa Thu 1945, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta, từ Bắc tới Nam, đã “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc”.
79 năm đã trôi qua, nhưng ngày 19/8/1945 lịch sử vẫn còn sống mãi với nhân dân và non sông Việt Nam, trở thành biểu tượng tinh thần, nguồn sức mạnh to lớn đoàn kết, cổ vũ, động viên toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Mùa Thu năm 1945, đồng bào các dân tộc ở Kon Tum cũng vùng dậy giành chính quyền đúng vào ngày 25/8/1945. Tuy có muộn hơn, nhưng khá êm thấm, triệt để và không tiếng s ú n g.
Điều đặc biệt ở cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Kon Tum là diễn ra và thắng lợi triệt để dù chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo.
Trước khí thế cách mạng áp đảo của đông đảo quần chúng, Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn. Ngay trong buổi sáng 25/8/1945, toàn bộ cơ quan hành chính, quân sự, công sở, kho bạc đã về tay nhân dân. Một cuộc mít tinh đã được tổ chức ngay tại dinh tỉnh trưởng ở thị xã Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.
Việc giành chính quyền ở xã, huyện đều diễn ra nhanh gọn, do lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ với các đoàn cán bộ của tỉnh phái về để thành lập chính quyền cách mạng.
Sáng 28/8/1945, tại cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã Kon Tum, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh, với Chủ tịch Ủy ban là ông Hoàng Lẫm, đã ra mắt nhân dân.
Tại đây, đại diện UBND Cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền đế quốc phong kiến; xóa bỏ chế độ sưu thuế, lao dịch của đế quốc; lập chính quyền cách mạng của nhân dân và kêu gọi toàn dân đoàn kết và triệt để ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự trong tỉnh, UBND Cách mạng lâm thời quyết định giải tán các lực lượng bảo an và thành lập Đội giải phóng quân, tiền thân của LLVT tỉnh ngày nay.
Làng quê Kon Tum khởi sắc từng ngày. Ảnh: HL
Trải qua 79 năm, khúc quân hành vẫn luôn vang lên, khi hào hùng, sôi nổi, lúc lặng lẽ, sâu lắng, nhưng mãi thúc giục, cổ vũ, động viên bao thế hệ thanh niên lên đường, thực hiện hoài bão cao cả: Bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm những trang vàng lịch sử truyền thống của Lực lượng vũ trang tỉnh.
Sau khi chính quyền tỉnh tuyên bố thành lập, để lãnh đạo, tổ chức hệ thống chính quyền ngày càng vững mạnh, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh đã cử các đoàn cán bộ về các huyện củng cố lực lượng, tuyên truyền vận động nhân dân, sắp xếp thành lập chính quyền mới ở địa phương.
Theo đó, chính quyền các hạt (cấp huyện, thị) được thành lập gồm có 4 đơn vị: Thị xã Kon Tum, Đăk Tô, Đăk Glei, Đăk Sút. Riêng huyện Kon Plông do Việt Minh ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) lên giúp khởi nghĩa giành chính quyền sớm hơn, nên bộ máy chính quyền của huyện được thành lập trước khi có sự chỉ đạo của UBND Cách mạng lâm thời tỉnh.
Ở các xã, tổng, không thành lập ủy ban; mỗi xã chỉ bầu ra 1 chủ tịch. Hầu hết những người làm việc cho Pháp cũ như tri huyện, chánh tổng, chủ làng có thái độ tốt với cách mạng thì đều bố trí tham gia chính quyền mới.
Ngày 25/9/1945, tại thị xã Kon Tum, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh tổ chức mít tinh ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến. Tại buổi mít tinh, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố củng cố lại chính quyền cách mạng tỉnh, gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên.
Giữa tháng 10/1945, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương tăng cường cán bộ lên tỉnh Kon Tum, tạo điều kiện xây dựng thực lực cách mạng của quần chúng và chuẩn bị ra đời tổ chức đảng.
Công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội. Các tổ chức đoàn thể được thành lập, như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Phật giáo cứu quốc.
Cũng trong tháng 10/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Kon Tum được thành lập. Ngay sau đó, Hội nghị liên tịch giữa Mặt trận Việt Minh và Ủy ban lâm thời được tổ chức để bàn biện pháp củng cố chính quyền.
Chính quyền các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn tỉnh: quân sự, kinh tế, thông tin, bình dân học vụ; kiên quyết loại trừ những người đã làm việc trong bộ máy cũ của địch mà có biểu hiện không tốt, đối với những phần tử chống đối, phải kiên quyết trấn áp.
Cuối năm 1945, chi bộ đảng ở tỉnh được thành lập. Chỉ sau thời gian ngắn phát triển kết nạp thêm đảng viên mới và tổ chức thêm một chi bộ nữa. Kể từ đó, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ lãnh đạo của mình.
Ngày 23/12/1945, mọi công dân các dân tộc Kon Tum nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử, bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sở dĩ cuộc bầu cử ở Kon Tum sớm hơn cả nước (tổng tuyển cử ngày 6/1/1946) là vì tỉnh Kon Tum không nhận kịp thông tin hoãn của Trung ương). Cuộc Tổng tuyển cử được khẩn trương chuẩn bị và chỉ đạo rất chặt chẽ từ công tác tuyên truyền, đến vận động giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri. Với sự chuẩn bị chu đáo, cuộc Tổng tuyển cử trên địa bàn tỉnh đã thành công tốt đẹp.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử của đất nước Việt Nam. Từ đây, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, với nền Dân chủ Cộng hòa, “là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.
Kể từ mùa Thu năm 1945 ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng nhiều giặc ngoại xâm. Đó là 2 cuộc kháng chiến chống sự xâm lược và can thiệp của đế quốc, là các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.
Cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng nhiều giặc nội xâm. Đó là giặc phong kiến, giặc dốt, giặc đói, và sau này là giặc tham nhũng. Đồng thời giành được những thành tựu vô cùng to lớn trong công cuộc đổi mới, góp phần làm rạng danh non sông, đất nước trên trường quốc tế.
Và xiết bao tự hào, khi thấy “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”- như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Tất cả bắt nguồn từ mùa Thu độc lập!
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/mua-thu-doc-lap-42461.html