Mất an toàn giao thông do đường hỏng trên cung đèo Lò Xo

17

laodong.vnMất an toàn giao thông do đường hỏng trên cung đèo Lò XoMột đoạn đèo Lò Xo. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo ghi nhận của PV, bề mặt đường đèo đoạn qua huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum hư hỏng nặng, bêtông nứt toác, sụt lún, xuất hiện ổ gà, ổ voi. Đường nhỏ hẹp, qua các dãy núi, các tài xế xe khách, xe tải lưu thông thường lo ngại xe bị nổ lốp, mất thắng. Để đảm bảo an toàn, ngành chức năng đã làm cách dải phân cách bằng lốp xe ôtô cũ sơn màu và các hộc cứu nạn dọc bên núi.

Thời gian qua, lưu lượng xe khách, xe tải qua đèo Lò Xo để về các tỉnh miền Trung cũng như lên Tây Nguyên gia tăng, nguyên nhân là do việc thi công nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê, giáp với tỉnh Bình Định thường ách tắc. Đơn vị thi công đổ đất đắp nền đường gặp khi thời tiết mưa lớn khiến bùn đất nhão nhoẹt, phương tiện di chuyển theo Quốc lộ 19 đoạn qua Bình Định gặp khó khăn.

Trong khi đó, việc đi trên đường đèo Lò Xo cũng nguy hiểm do đường kéo dài qua các sườn núi gần 40 cây số, nhiều góc khuất, khúc cua tay áo, độ dốc lớn.

Anh Ngô Văn Quyết – một thành viên Đội cứu hộ cứu nạn trên đèo Lò Xò, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum – cho biết: “Xe khách, xe tải trọng lớn di chuyển trên đèo rất nguy hiểm, vì xe có tải trọng thường khó phanh gấp được ngay, đường trơn khiến tài xế mất đà, nhiều vụ xe lao thẳng vào vách núi hoặc đường tránh nạn khiến xe biến dạng, hư hỏng, tài xế tử nạn”.

Theo anh Quyết, nếu xe khách hoặc xe ôtô cá nhân đi đường đèo Lò Xo thì nên đi ban ngày dễ quan sát, hạn chế đi đêm, trời mưa lớn. Khi di chuyển cần giữ khoảng cách hợp lý với xe tải, xe container, đặc biệt không nên phanh gấp khi đang lưu thông phía trước xe tải trọng lớn.

Tài xế xe tải Trần Văn Hải – trú huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum – chia sẻ: “Di chuyển qua đèo Lò Xo để vận chuyển hàng hóa về Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành khác nhanh hơn, quãng đường ngắn hơn, tiết kiệm chi phí xăng dầu, công sức so với đi về hướng Bình Định theo Quốc lộ 19.

Tuy nhiên, đường đèo tiềm ẩn nguy hiểm, đòi hỏi tài xế phải có kinh nghiệm, phần nhiều cũng phụ thuộc vào may mắn thời tiết, đường sá. Bởi chỉ cần một phút lơi lỏng, chêm ga quá đà khi xuống dốc sẽ trả giá ngay lập tức”.

Ông Trần Thái Hòa – Trưởng Văn phòng quản lý đường bộ III.4 (Khu quản lý đường bộ III) – cho biết, đơn vị phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa đèo Lò Xo.

Theo ông Trần Thái Hòa, nền đường bêtông vỡ toác kéo dài, gói duy tu sửa chữa đèo Lò Xo hiện kinh phí nhỏ giọt, hỏng chỗ nào thì nhân công tiến hành vá víu chỗ đó. Việc trám bê tông, nhựa đường chỉ phù hợp với phương án tạm bợ, khi mưa lớn, phương tiện vận tải nặng qua lại nhiều sẽ khiến mặt đường bong tróc, hư hỏng, sụt lún nặng thêm.

“Cách an toàn nhất là cào bóc lớp bêtông trên nền đường và tiến hành láng nhựa mới thay thế, đảm bảo êm thuận, lâu dài cho người và phương tiện lưu thông qua đèo” – ông Hòa nói.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/mat-an-toan-giao-thong-do-duong-hong-tren-cung-deo-lo-xo-1334710.ldo