Liên kết trồng dâu nuôi tằm

7

baokontum.com.vn

Cùng với những vườn cà phê, cây ăn trái, việc liên kết trồng dâu nuôi tằm mở thêm một hướng sản xuất cho người dân ở xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà. Lấy công làm lời, công việc này mang nhiều kỳ vọng tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Tỉ mỉ như nuôi tằm

Những ngày mưa, chị Hoàng Thị Biên – Tổ trưởng Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm ở xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà dường như không có thời gian rảnh. Tranh thủ cắt lá dâu trở về, chị căng dây, treo dâu lên rồi dùng quạt hong khô. “Chăm “những công chúa tằm” kỹ lưỡng lắm. Lá dâu phải khô ráo, sạch sẽ mới cho tằm ăn được, nếu không, tằm bị “đi ngoài” ngay”- vừa làm, chị Hoàng Thị Biên vừa trò chuyện.

Từ năm 1999, khi còn ở Lâm Đồng, vợ chồng chị Biên đã làm nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy kén. Năm 2017, chuyển về thôn Tân Lập A (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) sinh sống, vợ chồng chị Biên giữ mối lấy giống tằm để phát triển ở quê hương mới.

154133T%E1%BA%B1m%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20nu%C3%B4i%20%E1%BB%9F%20n%C6%A1i%20kh%C3%B4%20r%C3%A1o,%20tho%C3%A1ng%20m%C3%A1t

Tằm được nuôi ở nơi khô ráo, thoáng mát. Ảnh: H.T 

 

Gần 30 năm gắn bó với việc trồng dâu, nuôi tằm, chị Biên gần như hiểu hết “tính nết” của loài khó tính này. Chị bảo, nơi nuôi tằm phải khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Tằm dị ứng với các loại thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, nhang muỗi hoặc một số mùi hương nồng. Và “nết” ăn của tằm cũng khó chịu, phải ăn đúng bữa, lá dâu phải phù hợp với từng độ tuổi của tằm và phải sạch sẽ, khô ráo. Nên dù bây giờ không còn phải “nuôi tằm ăn cơm đứng” như ngày xưa, nhưng người nuôi tằm phải tỉ mỉ, chịu khó, tuân thủ theo quy trình kĩ thuật.

Không chỉ “khó ăn, khó ở”, nếu không được chăm sóc kỹ, tằm dễ mắc bệnh. “Ở đây, thường gặp nhất là bệnh mủ. Qua quá trình chăm sóc và rút kinh nghiệm, mình chủ động phòng, chống để tránh gây thiệt hại” – chị Biên chia sẻ.

Có kinh nghiệm, thành thạo trong từng khâu, từng bước nên việc nuôi tằm với vợ chồng chị Biên không còn khó khăn. Năm 2018, chị bắt đầu trồng 3 sào dâu; năm 2019 chị mua 1 triệu tiền giống (1 hộp tằm) về nuôi. Chị Biên kể, ban đầu do chưa biết tằm có hợp với khí hậu, môi trường nơi đây hay không nên mình làm thử một ít. Qua quá trình nuôi, thấy tằm hợp khí hậu, lớn nhanh, chất lượng nên chị mới từng bước nhân rộng.

Từ 3 sào dâu, năm 2020, chị nhân rộng lên 1ha. Từ nuôi 1 hộp giống tằm/đợt, chị  nâng lên nuôi 2 hộp giống tằm/đợt. Từ kinh nghiệm của mình, chị nói nếu diện tích dâu ổn định, đảm bảo thức ăn cho tằm thì khoảng 15-18 ngày tằm sẽ cho thu kén. Và sau đó, người nuôi có thể nuôi lại đợt giống mới.

Qua quá trình làm, thấy hiệu quả, hiện nay chị duy trì việc trồng 1ha dâu và nuôi tằm gối đầu. “Đến bây giờ, cứ nuôi một hộp tằm mình thu được khoảng 70kg kén. Một đợt mình nuôi 2 hộp tằm, thu được khoảng 140kg kén, với giá bán 160 nghìn đồng/1kg, một năm mình nuôi khoảng 8 đợt, thu được hơn 150 triệu đồng”.

154155Di%E1%BB%87n%20t%C3%ADch%20tr%E1%BB%93ng%20d%C3%A2u%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20nh%C3%A2n%20r%E1%BB%99ng%20l%C3%AAn%208ha

Diện tích trồng dâu được mở rộng lên 8ha. Ảnh: H.T

 

Từ việc nhà chị Biên trồng dâu nuôi tằm hiệu quả, một số hộ dân trên địa bàn xã Đăk Hring cũng học hỏi kinh nghiệm rồi làm theo. Như chị Nông Thị Hòa, cùng thôn Tân Lập A, được chị Biên nhiệt tình bày kinh nghiệm, cách làm, nơi lấy giống, nơi bán sản phẩm, chị Hòa học và làm theo.

Học hỏi kinh nghiệm, làm quen và trồng dâu nuôi tằm từ khoảng năm 2022, nhưng đến nay, chị Hòa mới đầu tư xây dựng nhà tằm bài bản rộng khoảng 100m2. Chị Hòa cho biết, trước đây, vì chưa biết việc trồng dâu nuôi tằm có thực sự hiệu quả hay không nên chị làm dè chừng. Chị tận dụng khoảng sân và phòng ngủ để làm nơi nuôi tằm. Cùng với đó, chị phá khoảng 3 sào cà phê không hiệu quả để trồng dâu làm thức ăn cho tằm.

“Đầu tư dụng cụ nuôi tằm, giống tằm và giống dâu ban đầu cũng hết hơn chục triệu đồng. Làm từ từ, sau mình quen, có kinh nghiệm hơn, thấy việc nuôi tằm hiệu quả nên bây giờ mình nhân rộng lên 1ha dâu và làm nhà tằm bài bản để nuôi”- chị Hòa nói.

Còn chị Nông Thị Phượng (thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring) bén duyên với nghề nuôi tằm 2 năm trở lại đây. Qua học hỏi kinh nghiệm từ chị Biên, biết tằm không dễ nuôi nên chị Phượng xây dựng nhà tằm ở trong rẫy, gần với vườn dâu và ít người ra vào. Chị dành thời gian dọn dẹp nơi nuôi tằm thông thoáng, sạch sẽ.

“Qua 7 lượt nuôi, mỗi lần tự rút kinh nghiệm, mình cũng biết cách chăm sóc, thu hoạch và đặc biệt cách phòng trị bệnh cho tằm. Đến bây giờ, mình tự tin hơn trong việc nuôi tằm” – chị Phượng chia sẻ.

Liên kết cùng phát triển

Nuôi tằm như chăm con mọn, phải tỉ mẩn, cẩn thận, tuy nhiên, bù lại, việc nuôi tằm nhanh cho thu hoạch kén. Và ngoài thời gian cắt dâu cho tằm ăn, mọi người có thời gian chăm sóc, thu hoạch cà phê hoặc các công việc khác để có thu nhập ổn định.

Với những hiệu quả mang lại, từ một vài hộ ban đầu, số hộ dân trồng dâu, nuôi tằm nâng lên thành 8 hộ. Chị Biên kể, bất kể ai muốn trồng dâu, nuôi tằm, chị đều nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cách làm. Dù việc nuôi tằm đòi hỏi tỉ mỉ nhưng không khó, do đó, qua quan sát cách chị làm trong thực tế, mọi người đã tự học hỏi và làm theo.

Số lượng người nuôi tằm tăng lên, diện tích trồng dâu cũng tăng lên 8ha. Trước thực tế đó, để việc trồng dâu, nuôi tằm ổn định, mang lại thu nhập đều cho người dân, tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm được hình thành vào tháng 5/2024. Với kinh nghiệm dày dặn, nắm chắc cách chọn giống, cách bán kén tằm, chị Biên được chọn làm tổ trưởng.

154226K%C3%A9n%20t%E1%BA%B1m%20sau%20khi%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20thu%20ho%E1%BA%A1ch

Kén tằm sau khi thu hoạch. Ảnh: H.T 

 

Chị Biên cho biết, 8 thành viên trong tổ liên kết thường xuyên trao đổi, chia sẻ tất cả những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề gặp phải trong quá trình làm. “Ngoài những lần gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, đa số chúng tôi trao đổi qua điện thoại. Nhiều khi, tôi giúp các chị em “bắt bệnh” của tằm qua hình ảnh, qua cuộc gọi video rồi hướng dẫn kỹ càng để các chị xử lý. Nhìn chung, việc trao đổi thường xuyên giúp chúng tôi nắm bắt tình hình để cùng tháo gỡ” – chị Biên cho hay.

Các thành viên trong tổ liên kết thường xuyên bàn bạc, chọn nơi cung cấp giống tằm đảm bảo chất lượng và cũng bàn với nhau, chủ động nuôi cùng thời điểm để thuận tiện trong việc bán kén.

Cùng làm, cùng trao đổi, cùng rút kinh nghiệm, các thành viên trong tổ liên kết đang duy trì được diện tích trồng dâu, nuôi tằm, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ông Phan Văn Học – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring cho biết, kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm không khó, hơn thế, vốn đầu tư ban đầu phù hợp với các hộ dân nên qua quá trình thực hiện, việc trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả.

“Hiện nay, lãnh đạo xã thường xuyên theo dõi, động viên bà con làm nhà tằm ở những khu vực thoáng mát, tránh xa các loại thuốc bảo vệ thực vật để mang lại hiệu quả hơn nữa”- ông Phan Văn Học cho biết.

Cùng với những vườn cà phê, cây ăn trái, việc trồng dâu nuôi tằm mở thêm một hướng sản xuất, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Hoài Tiến


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/lien-ket-trong-dau-nuoi-tam-42324.html