baokontum.com.vn
01/05/2024 13:05
Lao động là vinh quang, là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Lao động là sự nghiệp vinh quang, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Lời căn dặn ấy được trích trong bài viết “Đạo đức lao động”, đăng trên Báo Cứu quốc (tháng 6/1952).
Theo Người, lao động vừa tạo ra của cải vật chất vừa phát triển con người toàn diện. Làm theo lời Bác, cả nước đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất để đảm bảo lương thực cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi.
Và cho đến hôm nay, lời căn dặn ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, với mọi người, tất nhiên trong đó có cả người cao tuổi.
Trong cuộc sống có không ít người còn trẻ tuổi nhưng đã lười lao động vì nhiều lý do, nhưng ngược lại, cũng có nhiều người dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng lao động với suy nghĩ hết sức tích cực “lao động là vinh quang”.
Bác họ tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi. Từ thời trẻ cho đến khi nghỉ hưu, bác làm công tác giảng dạy, rồi làm hiệu trưởng một trường THCS tại địa phương, và đã nghỉ hưu hơn 5 năm, nhưng chưa một ngày bác nghỉ tay, nghỉ chân, mà vẫn luôn không ngừng lao động. Có cảm giác, chỉ cần rảnh tay rảnh chân ít lâu là bác thấy khó chịu. Những khi đau ốm, chỉ cần thấy trong người hơi khỏe là lại thấy bác luôn tay luôn chân.
Bác nói: Bây giờ già rồi, chân chồn gối mỏi, không xông pha được nữa, nhưng bác vẫn luôn làm việc. Bác làm không phải là để mưu sinh hay là kiếm tiền, bởi với lương hưu không phải là thấp, cộng với việc không còn phải lo lắng cho con cái ăn học nữa nên có chi tiêu mấy cũng còn dư giả, mà là để rèn luyện sức khỏe, rèn luyện trí óc cho minh mẫn, và nhất là để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “tuổi cao chí khí càng cao”.
Nhiều người tuổi cao vẫn nêu gương sáng trong lao động, sản xuất. Ảnh: S.C
Hàng ngày, bác tôi cần mẫn trồng và tưới tắm vườn rau, chăm bẵm mấy chục con gà đẻ để lấy trứng cho cả nhà dùng hoặc biếu, tặng hàng xóm, họ hàng, có khi còn mang ra chợ bán. Không chỉ có vậy, khi con cháu bận việc thì bác còn sẵn sàng làm bao nhiêu là việc không tên nữa, như đưa đón cháu đi học, phụ con cháu nấu ăn, quét dọn nhà cửa.
Ngày trước, còn làm việc “nhà nước”, nhiều lần bác được cơ quan, đoàn thể khen thưởng “phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”. Nhưng bác bảo: Để làm tốt cả việc trường và việc nhà cũng vất vả và áp lực lắm, nhưng phải ráng chu toàn. Còn bây giờ cất bớt “một vai”, còn mỗi việc nhà thôi, nên dù nhọc mấy cũng thấy vui, bởi không áp lực, mà còn thấy khỏe ra, nếu mình biết sắp xếp mọi thứ khoa học.
Bạn bè đến nhà thăm chơi, thấy lúc nào bác cũng xoắn xuýt với công việc, người thì hít hà “có ai ăn đâu mà chị làm nhiều cho nhọc”, có người động viên “chị có việc để làm vậy là vui, là khỏe ra đó”.
Với những lời khen, chê ấy, tôi thường nghe bác trả lời hóm hỉnh rằng: “Lao động là vinh quang! Tôi nghỉ hưu chứ đâu có nghỉ lao động. Dẫu chẳng ăn bao nhiêu, nhưng lao động cốt là để cho cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn; vườn tược, nhà cửa tươi tắn, con cháu lại có rau ăn, đỡ lo rau mua ngoài chợ không đảm bảo an toàn sức khỏe. Và đấy cũng là một cách để mỗi người già sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn”.
Bởi thế mà dù đã ngoài 70 tuổi nhưng trông bác tôi lúc nào cũng nhanh nhẹn, tháo vát, giữ được một tinh thần lạc quan với một năng lượng tích cực. Trong khi đó, nhiều người ở độ tuổi như bác, có muốn lao động cũng có được đâu, vì lý do sức khỏe là chủ yếu.
Hàng xóm tôi có bà Ba, cũng trạc tuổi bác tôi, nhưng có cuộc sống hoàn toàn khác. Bà Ba được con gái đưa từ quê lên đây sinh sống để tiện bề chăm sóc, vì chị sợ mẹ ở quê lao động vất vả, cộng thêm bà có căn bệnh đau nhức xương khớp. Ấy vậy mà cứ vài ba ngày tôi lại nghe chị hàng xóm phàn nàn rằng mẹ chị lại đòi về quê. Lý do là bà không quen với cách sống ở thành phố, suốt ngày cứ ru rú trong nhà, đến bữa chỉ ăn rồi ngủ. Bà nhớ mảnh ruộng, mảnh vườn, mấy con heo, con gà và không khí quê kiểng.
Bà Ba tâm sự với mấy bác gần nhà: “Bây giờ sức khỏe suy giảm, không làm được việc nặng nhọc nhưng vẫn ước muốn được lao động, muốn làm việc gì đó vừa sức mình, miễn là có việc làm. Bởi có lao động cảm giác cơ thể mới khỏe khoắn ra”.
Trong câu chuyện này tôi thấy thương và nể bà Ba rất nhiều. Tuổi cao, thay vì nghỉ ngơi thì bà lại có một ước muốn rất đáng khen ngợi, đó là mong muốn được tham gia lao động.
Và không chỉ có bà Ba, hiện nay, nhiều người già vẫn muốn được lao động (tất nhiên công việc phải vừa sức) để rèn luyện sức khỏe, để không thấy mình già đi và trở thành gánh nặng cho con cháu.
Thống kê gần đây cho thấy cả nước hiện có trên 7 triệu người cao tuổi vẫn trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh. Đối với tỉnh Kon Tum, trong 5 năm qua (2018 – 2023), với sự ủng hộ, quan tâm nhiệt tình của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có gần 15.000 người cao tuổi tham gia sản xuất, phát triển kinh tế trong các lĩnh vực, chiếm 35% người cao tuổi trên địa bàn; trong đó có 868 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi (cấp cơ sở 725 người, cấp huyện 127 người, cấp tỉnh 13 người, cấp trung ương 3 người).
Và đây thật sự là những gương sáng về tinh thần lao động rất đáng trân trọng!
Sông Côn
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/lao-dong-la-vinh-quang-40559.html