baokontum.com.vn
30/04/2024 06:59
Gần 50 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong ký ức của các cơ sở cách mạng ở nội thị Kon Tum ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn những dấu ấn không quên.
Bà Lê Thị Tài – Thường trực Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh (hiện ở tại số nhà 01, đường Lê Văn Hiến, thành phố Kon Tum), sinh năm 1952 tại xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1966, cô bé sớm mất mẹ theo cha lên Kon Tum lập nghiệp. Vì gia đình khó khăn nên mới học lớp 4, Tài đã phải nghỉ học, ở nhà giúp việc và sau đó đi làm gạch ở làng Kon Mơnay Kơtu (nay thuộc xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum).
Bà Tài nhớ lại: Sau Tết Mậu Thân (1968), qua móc nối của người bác họ tên là Đào Duy Hải làm việc tại lò gạch, bà Tài cùng chị họ Đào Thị Hà từng bước được giác ngộ, nhận nhiệm vụ liên lạc, gây dựng cơ sở cách mạng ở phía Đông Bắc thị xã. Hồi ấy, một trong số cán bộ trực tiếp liên hệ với nhóm, là ông Đào Duy Tồn – một người họ hàng bên ngoại mà bà thân mật gọi là “ông Tám”. Trong nhận thức của mình, bà Tài luôn xác định rõ yêu cầu công tác bí mật và sự hiểm nguy cần vượt qua. Sau hơn hai năm liên tục đảm nhận việc mua sắm các loại hàng hóa thiết yếu để chuyển vào vùng căn cứ và tham gia rải truyền đơn ở khu vực nội thị, đầu tháng 4/1970, bà Tài bị bắt.
Bà Lê Thị Tài. Ảnh: T.N
Lần đó, được tin báo từ đêm hôm trước, rằng ông Tám đã trở ra và ở lại hầm bí mật, chờ nhận hàng để quay lại căn cứ, nên bà Tài nhận lệnh đi mua hàng để kịp chuyển giao. Công việc đang diễn tiến bình thường thì khoảng nửa buổi sáng, bà được cơ sở báo phải dừng lại, vì hầm bí mật đã bị lộ. Cũng trong buổi tối hôm đó, bà Tài và chị Hà được mật báo đi lên khu trù mật Trung Tín để ra căn cứ H5. Tuy vậy, khi hai chị em lên đến cầu sắt thì gặp lính ngụy chặn xét gắt gao nên không qua được. Sau đó, bà Tài bị bắt vào An ninh quân đội của ngụy. Vì không có chứng cứ rõ ràng nên sau chừng một tháng tạm giam để khai thác, bà được chuyển về giam giữ tại Trung tâm cải huấn. Vào tháng 3/1972, trước thời điểm diễn ra Chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh, bà Tài nằm trong số tù chính trị được chuyển xuống nhà giam Pleiku; để đến sau Hiệp định Paris 1973, mới được đưa trở lại Kon Tum và được thả tự do vào tháng 11/1974.
Ngày Kon Tum giải phóng (16/3/1975), anh em tù chính trị được thả, tập trung tại khu vực gần ngã ba dốc đỏ (nay thuộc Khu công nghiệp Sao Mai). Lúc này, các cơ sở cách mạng mới được gặp mặt, nhận nhau. Bà Tài nhận nhiệm vụ tiếp quản tại địa bàn phường Thắng Lợi.
Bà Võ Thị Ninh ở tổ 10, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum kể gia đình bà vốn là cơ sở cách mạng ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Khi anh trai bà là Võ Như Quỳnh “nhảy núi”, gia đình càng bị quản thúc gắt gao. Được tổ chức bố trí đưa gia đình lên Kon Tum lập nghiệp, tháng 4/1966, gia đình 6 người (gồm cha mẹ cùng 4 người con) vào ở tại “Khu trù mật’’ Trung Tín. Nhờ cán bộ H5 móc nối, gia đình nhanh chóng định hình lại cơ sở bí mật.
Bà Võ Thị Ninh. Ảnh: T.N
Cùng với mẹ (bà Đoàn Thị Mỹ) và anh Ba (Võ Giáo) hoạt động chủ chốt, bà Ninh cũng tích cực tham gia công tác. Năm 1968, cô gái 16 tuổi chính thức được giao nhiệm vụ liên lạc, nhận sự chỉ đạo từ chú Vũ (đồng chí Nguyễn Thế Vũ – Bí thư H5) và chị Vân (đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân – Đội trưởng Đội công tác H5).
Là thợ may nên bà Ninh dễ dàng may trang phục (nhất là áo dài) và mua sắm tư trang cho chị Vân, đồng thời may nhiều quần áo sậm màu cho cán bộ ta. Trên chiếc xe 67 quen thuộc, cô gái thị thành sành điệu thường xuyên chở chị Vân đến các địa điểm nội thị để tìm hiểu, nắm bắt tình hình. Nơi hai chị em lui tới nhiều là trụ sở Thiết đoàn 14 ngụy (Cơ quan Sở Xây dựng cũ) và Câu lạc bộ Hạ sĩ quan (nay thuộc khu vực Bảo tàng tỉnh). Tranh thủ thời điểm tại đây có “Đại nhạc hội’’ hay tiệc tùng, hai chị em còn rải truyền đơn, tuyên truyền kêu gọi binh lính ngụy. Cũng với chiếc xe 67, bà chở thuốc men, thực phẩm từ nội thành qua cầu sắt ở đầu khu trù mật Trung Tín, về tập kết tại nhà cha mẹ, để anh em H5 chuyển vào căn cứ Ngọc Réo.
Sau một thời gian hoạt động, cuối năm 1969, bà Ninh bị bắt. Vì địch không khai thác được gì nên thả ra. Bà tiếp tục hoạt động cho đến năm 1973, trở về công tác tại quê nhà Bình Định.
Kỷ vật quý giá về một thời can trường, quả cảm đã được bà dành tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, là chiếc khăn tay chị Vân tặng nhân dịp vào Đoàn (6/1969), hai chiếc thẻ căn cước (một thẻ mang tên Võ Thị Ninh, một thẻ mang tên Võ Thị Xuân Lan) và chiếc áo dài bằng tơ sống bà vẫn mặc khi hoạt động trong vùng địch.
Thanh Như
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/ky-uc-lam-lien-lac-40554.html