Giải pháp sinh tồn cùng động đất tại vùng tâm chấn ở Kon Tum

24

www.nguoiduatin.vn
Thấp thỏm về đêm

Ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại vùng tâm chấn động đất tỉnh Kon Tum, một ngày xảy ra hơn chục trận động đất. Có những trận động đất mạnh khiến nhà cửa rung lắc, nứt toác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, mọi người đang chìm trong giấc ngủ, động đất xảy ra, không biết đâu là vùng an toàn để tránh nạn, khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã ghi nhận hơn 700 trận động đất. Tại các xã vùng tâm chấn như: Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên động đất mạnh khiến nhà cửa, công trình ở vùng tâm chấn bị hư hại, nứt gãy.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết: “Hôm qua, ngày 11/9, vào lúc 6h30, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tiếp tục xảy tra trận động với độ lớn (M=3.0, độ sâu 8.1km). Để ứng phó với động đất thời gian qua, các cán bộ của Viện đã được điều động vào vùng tâm chấn để khảo sát, tập huấn cho người dân kỹ năng cơ bản để ứng phó mỗi khi có động đất xảy ra”.

Theo ghi nhận của PV, vùng tâm chấn Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên là những xã vùng sâu của huyện Kon Pông, địa hình đường núi hiểm trở. Nhà của các hộ dân hầu hết nằm chênh vênh trên các sườn đồi, khi động đất xảy ra nguy cơ sạt lở rất cao. Cường độ động đất xảy ra dày khiến người dân bất an.

Trò chuyện với PV, ông A Lang, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) cho biết, người làng bao đời sinh sống gắn bó với mảnh đất ông cha để lại. Trong thôn có khoảng 70 hộ dân sinh sống. Trước đây, thỉnh thoảng mới có động đất, nhưng ở mức độ nhẹ. Thời gian khoảng 2 năm trở lại đây động đất xảy ra liên tục ngày càng nhiều. Vừa rồi có trận động đất mạnh khiến nhà cửa rung lắc mạnh, người dân tháo chạy tán loạn. 

Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Chuyên gia chỉ cách ứng phó- Ảnh 1.

Trong thời gian ngắn động đất liên tục xảy ra tại vùng tâm chấn xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum khiến người dân lo lắng.

Ông A Lang lo lắng nói: “Trước đây động đất nhẹ, người dân chỉ kịp thời cảm nhận được rung lắc trong vài giây, không ảnh hưởng gì. Nhưng qua trận động đất mạnh 5.0 độ hồi tháng Bảy vừa rồi làm nhiều nhà cửa, công trình bị nứt toác khiến người dân bắt đầu lo sợ. Đặc biệt, khi về đêm trời tối mịt mù, động đất xảy ra không biết nơi nào là chỗ an toàn để nương tựa”.

Nhà anh A Thảo (SN 1986, làng Tăng Pơ) là ngôi nhà tạm bợ nằm bên sườn đồi. Sau sự cố động đất 5.0 độ vừa qua, vợ chồng anh vẫn chưa hết bàng hoàng.

Anh Thảo kể, trận động đất kinh hoàng ấy khiến vợ cùng cậu con trai được phen “mất vía”. Hôm đó, anh Thảo đi làm. Vợ và con trai đang ở trong nhà, thì nghe những tiếng rầm rầm rất lớn, rung chuyển cả căn nhà. Thấy vài viên gạch rớt xuống, vợ bế con trai chạy một mạch ra đường. Khi anh về đến nhà thấy căn nhà kiên cố bị nghêng hẳn sang một bên.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Chuyên gia chỉ cách ứng phó- Ảnh 2.

Sau trận động đất mạnh 5.0 độ, nhà nhiều hộ dân bị nghiêng. Lo động đất xảy ra nhà cũ không chống đỡ được, nhiều người chọn phương án xây nhà tạm tại các khu vực an toàn hơn để sinh sống.

Chị Dô (vợ anh Thảo) cho biết, mấy ngày gần đây khu vực này vẫn liên tục xảy ra động đất. Bản thân chị mang bầu sắp sinh nên khá lo lắng. Tuy nhiên, chính quyền cũng đã hướng dẫn cho bà con cách ứng phó khi động đất xảy ra. Hy vọng, đây chỉ là những trận động đất như nhiều năm qua, vẫn xảy ra ở đây.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Chuyên gia chỉ cách ứng phó- Ảnh 3.

Chị Dô (vợ anh Thảo) lo lắng không dám ở trong căn nhà cũ bị nghiêng do động đất.

Trang bị kỹ năng ứng phó động đất cho người dân

Theo tiến Sĩ Nguyễn Xuân Anh, việc phải sinh sống trong vùng thường xuyên có động đất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân. Chính vì vậy, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất, sạt lở.

Trong tháng 8 vừa qua, Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện chuyến khảo sát vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông. Đồng thời, đoàn cán bộ tập huấn cho người dân cách ứng phó với từng tình huống khi động đất xảy ra để giảm nhẹ thiệt hại.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Chuyên gia chỉ cách ứng phó- Ảnh 4.

Hàng trăm người dân tham gia tập huấn kỹ năng ứng phó động đất.

Tại đây, đoàn đã vào nhiều buôn làng ở xã Đăk Tăng, Măng Bút để phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn cách ứng phó khi động đất xảy ra. Cán bộ còn trực tiếp trao đổi cho người dân về giải pháp phòng tránh động đất, cách ứng phó với tình huống cụ thể.

Theo Viện Vật lý địa cầu, trên thế giới cũng rất khó dự đoán thời điểm động đất xảy ra. Do đó, các quốc gia thường tập trung vào giải pháp giảm nhẹ hậu quả động đất. Ưu tiên nghiên cứu xây dựng công trình có khả năng chịu dư chấn cao và huấn luyện người dân kỹ năng sinh tồn khi xảy ra thiên tai.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, trước tình hình diễn biến động đất ngày càng nhiều, xã đã phối hợp với các đoàn chuyên gia của Viện Vật lý tổ chức các buổi tập huấn, trang bị kỹ năng cho người dân ứng phó mỗi khi có động đất xảy ra thu hút hàng trăm người dân tham dự.

Chuyên gia về động đất đã giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin, kỹ năng ứng phó cho người dân vùng tâm chấn. Qua đó, bà con đã hiểu biết hơn về động đất và tâm lý ổn định để sinh sống, yên tâm sản xuất.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Chuyên gia chỉ cách ứng phó- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu có mặt tại vùng tâm chấn, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với động đất.

Ngoài ra, ông Bay cho biết thêm: Để ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của động đất, chính quyền đã chuẩn bị tốt trang thiết bị, cơ sở vật chất cho huấn luyện, diễn tập, từng bước nâng cao năng lực ứng phó, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng ứng phó thảm họa động đất. Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lực lượng ứng phó thảm họa động đất các cấp nhằm nâng cao năng lực ứng phó khi xảy ra thảm họa động đất. Trong đó, lồng ghép nội dung huấn luyện ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo quy định.

Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thảm họa động đất; chủ động huy động, điều phối các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hệ thống giao thông bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Chuyên gia chỉ cách ứng phó- Ảnh 6.

Hàng trăm người dân tại vùng tâm chấn tham gia tập huấn kỹ năng ứng phó với động đất ngoài thực địa.

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho hay, từ những năm 2021, động đất liên tục xuất hiện. Về lâu dài, huyện sẽ chủ động các phương án ứng phó với động đất. Theo ông Khánh, đối với các trụ sở cơ quan nhà nước, khi xây dựng đã tính toán kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn trước cường độ động đất không quá lớn. Nhà dân, huyện sẽ định hướng xây dựng tuân thủ “3 cứng” là mái cứng, tường cứng và nền cứng, để đảm bảo cho bà con an toàn trong mùa mưa bão và các rung chấn do động đất.


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/dong-dat-lien-tiep-o-kon-tum-chuyen-gia-chi-cach-ung-pho-204240912103906526.htm