Đoàn kết xóa nhà tạm, chung sức phát triển kinh tế

4

baokontum.com.vn

Trong thời gian qua, Hội CCB huyện Đăk Glei đã triển khai nhiều phong trào thiết thực, trong đó nổi bật là công tác xóa nhà tạm và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của nhiều hội viên.

Hình ảnh hội viên CCB phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát luôn là nỗi trăn trở lớn đối với Hội CCB huyện Đăk Glei. Thấu hiểu những khó khăn đó, Hội đã triển khai phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” với sự chung tay đóng góp của toàn thể hội viên, tranh thủ sự quan tâm của các cấp ngành và sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Riêng trong năm 2024, Hội đã huy động được gần 400 triệu đồng để xây dựng mới 4 căn nhà và sửa chữa 2 căn nhà cho hội viên nghèo, cận nghèo.

Đầu tháng 10/2024, gia đình ông A Nhéo ở thôn Đông Nay, xã Đăk Man, vui mừng đón nhận ngôi nhà mới được xây dựng với sự hỗ trợ của Hội CCB. Gia đình ông A Nhéo thuộc diện hộ nghèo, nhà đông con, vợ bị bệnh tâm thần, trước đây phải sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp trầm trọng qua nhiều năm.

154757%E1%BA%A2nh%201%20%C3%94ng%20A%20Nh%C3%A9o%20(gi%E1%BB%AFa)%20vui%20m%E1%BB%ABng%20khi%20c%C3%B3%20c%C4%83n%20nh%C3%A0%20m%E1%BB%9Bi%20ki%C3%AAn%20c%E1%BB%91.

Ông A Nhéo (giữa) vui mừng khi có căn nhà mới kiên cố. Ảnh: Y.Đ

 

Ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, có tổng diện tích 55m² gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và mái vòm phía trước, được xây dựng với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Trong đó, 80 triệu đồng đến từ Trung ương Hội CCB và 9.000 viên gạch do Tỉnh hội hỗ trợ.

Nhìn ngôi nhà vừa hoàn thiện, ông A Nhéo xúc động: Có được ngôi nhà mới, gia đình tôi rất vui mừng. Từ nay, tôi có thể yên tâm lao động, phát triển kinh tế và chăm lo tốt hơn cho gia đình.

Theo ông A Quang – Chủ tịch Hội CCB xã Đăk Man, các hội viên trong Chi hội thôn Đông Nay đã góp công lao động, giúp gia đình ông A Nhéo giảm chi phí thuê nhân công, qua đó góp phần thắt chặt tình cảm đồng đội giữa các hội viên.

Không dừng lại ở việc xóa nhà tạm, Hội CCB huyện Đăk Glei còn tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Nhận thức rằng chỉ có kinh tế vững mới giúp đời sống bền lâu, Hội đã khuyến khích hội viên tham gia các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, điều kiện gia đình.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được xây dựng, như trồng cà phê, cao su, sâm dây, sâm Ngọc Linh, chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã tạo động lực lan tỏa. Nhiều hội viên khá giả đã không ngần ngại thực hiện những mô hình mới, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống và vốn cho hộ khó khăn hơn.

Ông A Đối chọn chăn nuôi dê cỏ để xây dựng mô hình điểm, nhằm hỗ trợ các hội viên khác học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Y.Đ

 

Ông A Đối, một hội viên ở thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei, đã triển khai mô hình nuôi dê cỏ sinh sản. Ông A Đối cho biết: Dù gia đình tôi không thuộc diện khó khăn, nhưng khi Hội vận động, tôi sẵn sàng thực hiện mô hình này. Đây là cơ hội tăng thu nhập cho gia đình, và là cách để tôi giúp đỡ các hội viên khác học hỏi kinh nghiệm.

Được triển khai từ cuối năm 2023, khởi đầu với 7 con dê sinh sản, đến nay đàn dê của gia đình ông đã tăng lên 21 con. Mô hình nuôi dê của ông A Đối hiện mang lại thu nhập ổn định và được nhiều hội viên tham khảo, nhân rộng. Ông cũng đã hỗ trợ vốn giống cho 2 hộ hội viên khác để họ phát triển chăn nuôi.

Đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Đăk Glei đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, Hội còn tích cực tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, với tổng dư nợ hơn 78 tỷ đồng; vận động cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng quỹ xoay vòng ở cơ sở hội đạt gần 300 triệu đồng, tạo nguồn vốn cho hội viên được vay những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Ông Nguyễn Như Khoa – Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Glei cho biết: Chúng tôi luôn nỗ lực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là với các hộ nghèo và cận nghèo. Những mô hình chăn nuôi dê thả đồi, bò sinh sản hay trồng cây dược liệu đang chứng minh hiệu quả cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Nhờ các hoạt động thiết thực, trong năm 2024, huyện Đăk Glei có 22 hộ hội CCB viên thoát nghèo và 34 hộ từ diện cận nghèo lên mức trung bình.

Từ phong trào xóa nhà tạm đến phát triển kinh tế, Hội CCB Đăk Glei đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong cộng đồng. Những người lính năm xưa nay vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và sự sẻ chia trong cộng đồng.          

Y Đô


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/doan-ket-xoa-nha-tam-chung-suc-phat-trien-kinh-te-44312.html