Điều chỉnh quy định về hành vi vi phạm nồng độ cồn, phù hợp và cần thiết

12

laodong.vnĐiều chỉnh quy định về hành vi vi phạm nồng độ cồn, phù hợp và cần thiếtCảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người dân tham gia giao thông. Ảnh: Hải Nguyễn

Giảm mạnh mức phạt tiền

Hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe do Bộ Công an soạn thảo.

Dự thảo Nghị định này đang được Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến và dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 1.10.2024. Nội dung gây nhiều chú ý là Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở.

Trong khi đó theo quy định hiện hành, với nồng độ cồn như trên, người điều khiển ôtô bị phạt tiền tới 6-8 triệu đồng.

Trong dự thảo tờ trình do Thượng tướng Lương Tam Quang – Bộ trưởng Bộ Công an đứng tên gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định này, một nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định là hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Cơ sở của điều chỉnh này, theo Bộ Công an, là “để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm”.

Tổ công tác số 3 Cục CSGT - Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Kon Tum xử lý vi phạm về nồng độ cồn và trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Bộ Công anTổ công tác số 3 Cục CSGT – Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Kon Tum xử lý vi phạm về nồng độ cồn và trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Bộ Công an

Bỏ việc tước giấy phép lái xe

Một nội dung đáng chú ý khác là theo Nghị định 123/2021, ngoài việc bị xử phạt 6-8 triệu đồng, người vi phạm nồng cồn ở mức trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

Còn trong dự thảo Nghị định mới, Bộ Công an đề xuất với lỗi này, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm bị áp dụng biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe với số điểm giấy phép lái xe bị trừ là 2 điểm.

“Dự thảo Nghị định quy định việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe” – Bộ Công an cho hay.Nói về cơ sở thực tiễn của điều chỉnh này, trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ do Bộ trưởng Lương Tam Quang đứng tên, Bộ Công an lý giải người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ có liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông.

“Việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều Giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nhân lực nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe” – Bộ Công an dẫn thực tế.

Có thể chia nhỏ hơn nữa mức độ vi phạm nồng độ cồn

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia – đề xuất với mức nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khi thở, có thể chia nhỏ thêm nữa thành các mức như từ 0,125 đến 0,25 miligam/1 lít khí thở là một mức; và mức dưới 0,125 miligam/1 lít khí thở. Bởi với mức dưới 0,125 có thể liên quan cồn nội sinh, người rơi rớt lại uống từ ngày hôm trước…. Mức xử phạt với những người này chỉ cần là cảnh cáo, với số tiền phạt vài trăm nghìn đồng. Với những người có nồng độ 0,125 đến 0,25 miligam/1 lít khí thở, mức phạt có thể giảm nhưng ở một mức độ nhẹ so với quy định hiện nay và không nhiều như đề xuất của Bộ Công an. Ví dụ từ mức 6-8 triệu đồng hiện nay xuống còn 2-4 triệu đồng. Cẩm Hà

Giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu là cần thiết

Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Thu Trang – Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long – cho biết, mỗi chính sách ra đời cần gắn với thời điểm nhất định. Đối với quy định xử phạt nồng độ cồn hiện hành được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định này ra đời trong bối cảnh các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn ở mức rất cao. Do đó, chúng ta cần phải có chính sách đủ mạnh tác động thẳng vào tâm lý thói quen lạm dụng bia rượu tồn tại lâu đời trong xã hội Việt Nam.

“Nhìn ở góc độ này, Nghị định 100 đã có tác động rất tích cực. Tại các bữa tiệc, người dân đã tự nhắc nhau không uống rượu bia để tránh bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn”, luật sư Nguyễn Thu Trang chia sẻ. Khi người dân dần hình thành tâm lý, thói quen cũng là lúc các chính sách đi vào ổn định. Thời điểm sau khi ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông thì quy định xử phạt nồng độ cồn giảm xuống là hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam – cũng bày tỏ ủng hộ với đề xuất của Bộ Công an. Đề xuất mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn giảm xuống là hợp lý. Bởi khả năng đào thải cồn của mỗi người là khác nhau. Có người uống 1 chén rượu 3 giờ chưa hết nồng độ cồn.

Ngoài ra, còn có các loại rượu mạnh hoặc nhẹ khác nhau, có trường hợp cồn nội sinh… nên những người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu không phải ai cũng cố tình vi phạm. Xuyên Đông


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/dieu-chinh-quy-dinh-ve-hanh-vi-vi-pham-nong-do-con-phu-hop-va-can-thiet-1377029.ldo