congly.vn
Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm.
Kiểm tra tại hiện trường, thấy nước có vị the, hơi ngọt, nước trong, nhiệt độ bình thường, không có mùi. Hỗn hợp khí, nước phun cao từ 20-22 mét.
Hiện tượng giếng khoan phun nước tại Gia Lai.
Theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (Liên đoàn), hiện tượng hỗn hợp nước, khí tự phun tại giếng khoan xảy ra sau thời điểm xảy ra các trận động đất ở Kon Tum hai ngày nên rất ít có khả năng hiện tượng này do động đất gây ra. Phía chính quyền địa phương cũng nhận định này.
Liên đoàn nhận định, khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan giếng đã chạm đến một túi khí (độ sâu 186 m trở xuống). Nguồn gốc, đặc điểm khí chưa xác định chính xác, cần được nghiên cứu chi tiết bằng các nghiên cứu chuyên sâu. Hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ phun lên.
Sau khi có kết quả, Liên đoàn đã có báo cáo gửi Sở TN&MT tỉnh Gia Lai và có đề nghị thận trọng: “Đây chỉ là các nhận định ban đầu, dựa vào kết quả khảo sát nhanh. Các kết luận chính xác cần được dựa trên các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu khác”.
Như Báo Công lý đã thông tin, trước đó giếng khoan của hộ gia đình ông Đàm Xuân Hòa (ngụ làng Klã, xã Ia Kly) bất ngờ phun nước khỏi mặt đất cao hơn 10 mét, với áp lực nước mạnh. Sự việc xảy ra lúc 12h ngày 30/7, đến ngày 31/7 vẫn chưa ngừng phun.
Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND xã Ia Kly đã cử cán bộ xuống kiểm tra, căng dây cảnh báo để tránh người dân tụ tập xảy ra nguy hiểm.
Nguồn bài viết:
https://congly.vn/co-quan-chuc-nang-noi-gi-ve-gieng-nuoc-tu-phun-o-gia-lai-445002.html