Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ

6

baokontum.com.vn

25/06/2024 13:10

Chuyển đổi số đang được doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quan tâm và từng bước triển khai, đem lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chuyển đổi số gần như mới ở mức ứng dụng công nghệ.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi về tư duy và ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nó bao gồm việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), điện toán đám mây để thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa các quy trình kinh doanh và quản lý.

Chuyển đổi số đang được doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quan tâm và từng bước triển khai, đem lại hiệu quả bước đầu. Ông Nguyễn Trí Sáu- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cho biết, một trong những quyết định đúng đắn nhất của HTX là bắt nhịp chuyển đổi số khá sớm, từ đó đem lại nhiều lợi ích.

164951Chuy%E1%BB%83n%20%C4%91%E1%BB%95i%20s%E1%BB%91%20kh%C3%B4ng%20%C4%91%C6%A1n%20thu%E1%BA%A7n%20l%C3%A0%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87

Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ. Ảnh: TH

 

Từ thực tế cho thấy, chuyển đổi số giúp HTX tăng hiệu quả và năng suất; cải thiện trải nghiệm khách hàng; mở rộng thị trường và tăng doanh thu; tối ưu hóa quy trình quản lý; tận dụng dữ liệu và thông tin; tăng cường khả năng cạnh tranh- ông Nguyễn Trí Sáu nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa- chủ một doanh nghiệp ở thành phố Kon Tum cũng cho rằng, chuyển đổi số đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường bằng cách áp dụng các công nghệ số, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, cải thiện trải nghiệm khách hàng, cải tiến quy trình kinh doanh hiện có.

Đồng thời tăng cường hiệu suất làm việc và tiết kiệm thời gian thông qua tự động hóa quy trình và các hoạt động trực tuyến giữa các bộ phận, nhân viên.

Chính vì đánh giá đúng vai trò chuyển đổi số, nên tôi đã chủ động đầu tư cho chuyển đổi số. Tất nhiên là trong điều kiện tài chính, hạ tầng kỹ thuật cho phép- ông Nguyễn Văn Nghĩa nói.

Bước đầu tiên là đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược chuyển đổi số. Trước khi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, hoàn toàn tự động với các robot, đội ngũ công nhân, nhân viên được yêu cầu và hỗ trợ học tập, đảm bảo vận hành tốt.

Quá trình tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp cũng được tiến hành với các nhà tư vấn.

Tuy nhiên, là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Nghĩa cũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa hoàn toàn nhận thức đúng về vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0.

Không ít doanh nghiệp, khi thực hiện chuyển đổi số, đều xác định chỉ cần tập trung vào công nghệ là đủ. Một số khác cho rằng mua phần mềm, công nghệ về là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Trong khi đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ đơn giản  là ứng dụng công nghệ, mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất – kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, cũng như tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.

Như vậy có thể nói, để chuyển đổi số tốt, cần nhiều yếu tố, như tài chính, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nhưng trong đó, quan trọng hàng đầu là tư duy, nhận thức của người đứng đầu về chuyển đổi số.

165034Thi%E1%BA%BFu%20nh%C3%A2n%20l%E1%BB%B1c%20ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20cao%20l%C3%A0%20r%C3%A0o%20c%E1%BA%A3n%20%C4%91%E1%BB%91i%20v%E1%BB%9Bi%20chuy%E1%BB%83n%20%C4%91%E1%BB%95i%20s%E1%BB%91%20c%E1%BB%A7a%20doanh%20nghi%E1%BB%87p

Thiếu nhân lực chất lượng cao là rào cản đối với chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ảnh: T.H

 

Tất nhiên, bên cạnh những yếu tố chủ quan, thì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ,  cũng gặp nhiều “rào cản” trong quá trình chuyển đổi số.

Trong đó, đáng chú ý nhất là chi phí và đầu tư lớn, bao gồm chi phí triển khai các công nghệ mới và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; chi phí đào tạo nhân viên; mua sắm các thiết bị và phần mềm.

Thiếu nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề làm các doanh nghiệp chuyển đổi số “đau đầu”. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về công nghệ mới.

Điều này có thể gây ra những khó khăn nhất định trong việc tuyển chọn và giữ chân nhân tài. Chưa kể sự thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình chuyển đổi số có thể gây ra nhiều sự xáo trộn từ nhân viên.

Nhưng dù vậy, chuyển đổi số vẫn là tất yếu. Hay đúng hơn, một doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải thích ứng và bắt nhịp chuyển đổi số.

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp tại tỉnh ta đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy cần có giải pháp để thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

Thuận lợi cơ bản là trong mấy năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 29/4/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đây chính là định hướng, cũng là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp không ngừng cải tiến và đổi mới để giữ bắt kịp với sự phát triển của công nghệ và thị trường.

Thành Hưng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-khong-chi-la-ung-dung-cong-nghe-41561.html