Câu chuyện doanh nhân

4

baokontum.com.vn

Một doanh nghiệp thành công, một doanh nhân thành đạt không chỉ thể hiện qua khả năng “kiếm tiền”, mà còn qua cách doanh nghiệp, doanh nhân ấy phụng sự xã hội.

Trước hết, phải nói rằng, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tỉnh Kon Tum ngày càng lớn mạnh, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Dù phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế, nhưng đều có đóng góp quan trọng cho quê hương, đất nước, thông qua giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Dù không ít doanh nhân vẫn còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, tầm nhìn chiến lược còn hạn chế, nhưng nhìn chung, họ đều tiên phong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Vì nghề nghiệp, tôi quen biết không ít chủ doanh nghiệp, và tôi luôn trân trọng họ vì chữ Tâm trong làm ăn và cách họ phụng sự xã hội.   

162019Doanh%20nh%C3%A2n%20%C4%91i%20%C4%91%E1%BA%A7u%20trong%20%C4%91%E1%BB%95i%20m%E1%BB%9Bi,%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87

Doanh nhân đi đầu trong đổi mới, ứng dụng công nghệ. Ảnh: H.L

 

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không nể phục họ về khả năng “kiếm tiền”. Điều này hẳn rồi. Doanh nghiệp nào mà không hoạt động vì lợi nhuận? Doanh nhân nào mà không có mục tiêu là kiếm nhiều tiền? Và trên thực tế, những doanh nhân tôi quan biết đều giỏi “kiếm tiền”.

Nhưng cùng với mục đích tạo ra lợi nhuận, phát triển doanh nghiệp bền vững, họ luôn ý thức được trách nhiệm phụng sự xã hội của mình.

Họ có vai trò không nhỏ trong việc tạo nguồn lực tài chính của địa phương, thông qua thực hiện nghĩa vụ thuế. Họ góp phần hình thành lối sống tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với mọi khó khăn.

Họ tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Gần đây nhất, khi cơn bão Yagi tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía Bắc trở ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất nhiệt thành, hiệu quả.

Hay như khi Phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được phát động, đội ngũ doanh nhân đã hưởng ứng tích cực và nhiệt tình.

Tôi rất đồng tình với quan điểm của một doanh nhân rằng, tuân thủ luật pháp phải được xem là điều tối thiểu về mặt đạo đức và tối thượng về mặt nguyên tắc. Lợi nhuận không phải là tất cả, mà phải hài hoà lợi ích của doanh nghiệp trong tương tác với nền kinh tế, xã hội và môi trường.

Tiếp đó, một doanh nhân thành công, không chỉ thể hiện qua năng lực kiếm tiền, mà còn phải luôn tâm niệm “phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt nhất của mình, chứ không phải kiếm tiền bằng mọi cách.

Tất nhiên, “phụng sự xã hội” không chỉ là đóng thuế đúng, đủ, là làm từ thiện nhiều, cũng không phải làm những điều lớn lao,  mà còn thể hiện qua tạo việc làm, quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động.

Điều này tôi thấy rất rõ từ một người bạn, làm chủ một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

162110T%E1%BA%A1o%20vi%E1%BB%87c%20l%C3%A0m,%20thu%20nh%E1%BA%ADp%20cho%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng

Tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ảnh: HL

 

Ngay tại thời điểm khó khăn nhất, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, anh vẫn phải tìm mọi cách duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Vì bên trong cánh cổng kia là hàng trăm công nhân, trong đó chủ yếu là người DTTS, và phía sau họ là gia đình.

Càng khó khăn thì con người ta càng phải sống có tình. Là một doanh nhân, không phải lúc nào cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu, có lúc kiếm tiền chỉ là thứ yếu, đạo đức và trách nhiệm xã hội mới là quan trọng- anh nói.  

Kể lại tất cả những câu chuyện trên là để thấy rằng, một doanh nghiệp thành công, một doanh nhân thành đạt không chỉ thể hiện qua khả năng “kiếm tiền”, mà còn qua cách phụng sự xã hội.

Làm doanh nhân, đương nhiên phải kiếm tiền. Nhưng nếu chỉ tập trung vào tiền, sẽ hình thành nên lối kinh doanh bất chấp thủ đoạn, cách làm gây thiệt hại cho người khác, cho xã hội.

Thực tế cho thấy, cũng còn một bộ phận nhỏ doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.

Nhưng nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân  vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu với bản lĩnh và cái tâm trong sáng: Kiếm tiền không chỉ vì mình mà còn vì “ích quốc lợi dân”.

Trong hành trình ấy, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân luôn nhân được sự đồng hành, cổ vũ, khích lệ của tỉnh và các cấp các ngành. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được triển khai hiệu quả. Những năm qua, tỉnh cũng không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Không chỉ vậy, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, trao đổi nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, doanh nhân gặp phải. Từ đó tạo động lực quan trọng cho doanh nghiệp phát triển bền vững; doanh nhân phát huy vai trò với xã hội.    

Hồng Lam     


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/cau-chuyen-doanh-nhan-43380.html