baokontum.com.vn
02/05/2024 06:04
Sáng thứ 7, tôi tình cờ gặp cậu thanh niên mới đến thuê nhà trọ ở xóm tôi ít ngày ở quán cà phê đầu hẻm. Anh em vui vẻ trò chuyện, cậu nói đang làm công cho một gara ô tô gần nhà.
Em làm ở đó cũng tròn 10 năm rồi anh ạ- cậu vui vẻ nói. Và tôi tỏ ra tò mò vì sao cậu lại có thể gắn bó với một nơi lâu như vậy.
Có gì lạ đâu anh. Em học nghề điện ô tô. Khi mới ra nghề, đi xin việc nhiều nơi mà không được nhận, vì các chủ gara thấy còn trẻ quá, thiếu kinh nghiệm. Nhưng khi đến cơ sở này thì anh chủ nhận ngay. Anh ấy nói: Cứ vừa làm vừa học từ thực tế. Sau này nếu thấy ok thì làm lâu dài, nếu không muốn gắn bó thì cứ “bay”- cậu ta kể.
Và cứ thế cậu gắn bó với gara ấy đến nay. Theo cậu, bên cạnh chế độ lương thưởng khá tốt, thì một yếu tố rất quan trọng giữ chân cậu lại là sự quan tâm chăm lo đến người lao động của chủ gara.
Sự quan tâm, chăm lo của đơn vị, doanh nghiệp là một trong những động lực để người lao động thêm nỗ lực. Ảnh: H.L
Rồi cậu đưa cho tôi một tờ thiệp in offset khá đẹp. Gì vậy? Tôi hỏi. Anh đọc đi. Thư của anh chủ gửi cho em vào ngày tròn 10 năm gắn bó với gara đấy ạ, kèm theo là tiền thưởng đủ để em trả tiền nhà mấy tháng- cậu ta phấn khởi nói.
Phải nói là tôi rất tò mò, nên đọc ngay. Thư viết: “Thân gửi… Tôi muốn viết thư cảm ơn sự đóng góp của em suốt 10 năm qua. Trong thời gian ấy, em đã từ chối nhiều cơ hội làm việc tốt hơn để ở lại với “ngôi nhà” này.
Em đã cho thấy sự nỗ lực, ham học hỏi trong những ngày đầu; đã chứng minh sự tận tâm trong thời gian qua. Một lời cảm ơn là không đủ để bày tỏ sự trân trọng của mọi người với những nỗ lực đó.
Nhưng một lần nữa, anh vẫn cảm ơn em vì những đóng góp trong thời gian dài vừa qua. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc lâu dài. Trân trọng”.
Đọc xong em rất ấm lòng anh ạ. Và tự hứa sẽ nỗ lực làm việc tốt hơn nữa- cậu xúc động nói. Tôi gật đầu, thầm nghĩ “đến anh đây cũng thấy ấm lòng nữa là”!
Và tôi nhớ lại lời nói của anh bạn làm chủ một nhà máy gạch ở thành phố Kon Tum: Thật sự là mình rất cảm ơn anh em công nhân. Họ đã không bỏ nhà máy ngay cả trong những ngày khốn khó nhất, cho nhà máy nợ lương mấy tháng liền. Vì vậy, mình nghĩ là phải có trách nhiệm quan tâm chăm lo cả về an toàn lao động, y tế và nâng cao đời sống cho anh em.
Tôi hiểu vì sao, ngay cả trong đại dịch Covid-19, nhà máy gặp khó khăn chồng chất, nhưng anh vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, dù hàng không xuất đi được, tồn hàng chục triệu viên, trong khi giá bán đã giảm tới 1/3, thậm chí gần 1/2.
Lý do là anh không cho phép mình dừng lại, vì nếu dừng lại, đời sống hàng trăm công nhân, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS ở các làng xung quanh sẽ ra sao khi không còn việc làm, không còn thu nhập.
Tất nhiên, sự nỗ lực ấy của anh được anh em công nhân ghi nhận và thể hiện lòng cảm kích bằng sự nỗ lực hơn nữa trong lao động sản xuất.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Ảnh: HL
Hàng xóm của tôi cũng có không ít công nhân. Có người làm công nhân nhà máy gạch; có người làm công nhân môi trường đô thị. Một số người là công nhân nhà máy chế biến gỗ bên khu công nghiệp.
Sáng họ đi rất sớm, tối mới về. Công việc rõ ràng là rất vất vả, trong khi thu nhập hẳn là chưa tương xứng với sức lao động họ bỏ ra.
Nhưng họ rất thân thiện với nụ cười rạng rỡ tự nhiên khi gặp bất cứ ai. Với họ, có việc làm, có thu nhập ổn định bằng sức lao động của mình, được đóng góp vào sự phát triển của nhà máy, doanh nghiệp là đủ.
Chúng tôi nỗ lực làm việc, với mong muốn doanh nghiệp ngày càng đi lên. Bởi như vậy chúng tôi có việc làm ổn định và tăng thu nhập. Đổi lại, chúng tôi luôn mong nhận được sự đối đãi tử tế của chủ doanh nghiệp- một anh từng mộc mạc nới với tôi.
Có thể trong thực tế vẫn có nhiều vấn đề cần bàn liên quan đến công tác chăm lo cho người lao động, nhưng vẫn phải khẳng định rằng, các chính sách chăm lo, đãi ngộ người lao động, đã và đang được các doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm thực hiện. Và đây chính là biểu hiện cụ thể nhất của sự cảm ơn.
Chăm lo không phải là những điều gì đó to tát, xa vời, đó là những hành động cụ thể, từ tổ chức sinh nhật; vận động hỗ trợ người lao động hoặc người thân ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo.
Cao hơn là chế độ làm việc hợp lý giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình. Hay ngoài chế độ đau ốm, hiếu hỷ, người lao động còn được mua bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ chi phí khi khám chữa bệnh; khen thưởng, động viên kịp thời.
Song song với việc hoàn thiện chế độ đãi ngộ, nhiều doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ, cất nhắc xứng đáng những cá nhân tận lực cống hiến.
Sự quan tâm ấy không chỉ giúp người lao động cải thiện thu nhập, có cơ hội thăng tiến trong nghề, mà còn xây dựng lòng yêu nghề, tận tâm và hăng say lao động, sáng tạo.
Để có được kết quả ấy tổ chức Công đoàn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, khi chủ động đề xuất chính sách, đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Chương trình “Cảm ơn người lao động”, đến nay đã lan tỏa rộng khắp.
Các cấp công đoàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người sử dụng lao động đã bố trí nguồn lực tổ chức tri ân đoàn viên, người lao động có nhiều đóng góp cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thăm hỏi, tặng quà, trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn.
Trong Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024, kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2024), Chương trình “Cảm ơn người lao động” là 1 trong 6 hoạt động trọng tâm.
Và khi tôi thông tin về Chương trình, cậu hàng xóm đã rất vui vẻ nói rằng: Hơn một sự cảm ơn, đó là động lực để người lao động như em làm việc tốt hơn.
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/cam-on-nguoi-lao-dong-40548.html