laodong.vnMặc dù đã được dựng bảng cảnh báo nguy hiểm, nhưng bà con vẫn phải di chuyển qua lại giữa cây cầu treo xuống cấp. Ảnh: Nguyên Lê
Nguy hiểm tiềm ẩn trên những nhịp cầu treo
Những chiếc cầu treo dân sinh chính là vật cứu cánh cho bà con trong việc di chuyển qua lại giữa các đoạn sông suối có địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Đăk Tô rất lo lắng trước tình trạng nhiều cầu treo các khu vực thôn Đăk Lung, thôn 6 (xã Kon Đào), thôn Đăk Tăng (xã Ngọk Tụ) đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn khi mùa mưa lũ đang tới gần.
Phần lớn cầu treo ở những khu vực này đều được xây dựng từ cách đây nhiều năm, chủ yếu là từ các dự án hỗ trợ và một số hộ dân tự vận động xây dựng. Như cầu treo đi qua khu sản xuất tại thôn Đăk Lung (xã Kon Đào) có chiều dài khoảng 40m, cao hơn 10m đã xuống cấp trầm trọng.
Đây cũng là cây cầu treo duy nhất bắt qua sông Đăk Sing và là con đường di chuyển chủ yếu của 40 hộ dân tại thôn Đăk Lung qua khu sản xuất, có diện tích gần 50ha. Vào mùa mưa lũ, bà con phải để xe bên này bờ và di chuyển một đoạn xa qua khu đất sản xuất.
Anh A Hoàng (thôn Đăk Lung, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) chia sẻ: “Phía bên kia cầu là đất sản xuất của gần 40 hộ dân. Vào mùa khô thì người dân có thể lái xe tải, xe máy lội qua suối để chở nông sản. Nhưng vào mùa mưa lũ thì không thể di chuyển qua được, mọi người phải để xe máy bên này bờ rồi cõng nông sản lội qua dòng suối.”
Cầu phải làm mới mỗi năm
Tương tự tại thôn Đăk Tăng (xã Ngọk Tụ), cây cầu trèo được lắp ráp từ hàng nghìn cây tre được người dân tự chặt trong rừng để đóng, ghép lại. Các cột trụ trống là những cây tre đan chéo lại với nhau được cơi nới bằng những dây thép nhỏ, có chiều dài hơn 20m. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì mưa lũ lớn hoàn toàn có thể cuốn trôi cây cầu này bất kỳ lúc nào.
Ông A Giáo (67 tuổi, trú thôn Đăk Tăng) chia sẻ, nhà ông có gần 1ha trồng cà phê ở phía bên kia cầu. Mỗi lần muốn di chuyển thì phải cõng qua suối. Trước đó, dân có kiến nghị lên chính quyền để xây dựng cầu mới nhưng được phản hồi chưa có điều kiện làm. Vì thấy tình hình đi lại khó khăn, nên tháng 12 năm ngoái bà con đã huy động quyên góp dựng tạm cầu tre. Có khoảng 50 hộ quyên góp, mỗi hộ tầm 200.000 đồng để dựng tạm cầu chủ yếu bằng vật liệu gỗ, tre, nứa…
“Chúng tôi chỉ mong muốn có một cây cầu nhỏ kiên cố để người dân đi lại mùa mưa đỡ vất vả. Cách đây vài trăm mét cũng có một cây treo tự phát do dân làm, nhưng đã bị gãy do mùa mưa lũ trước” – ông A Giáo cho hay.
Ông Nguyễn Thành Triệu – Phó Chủ tịch UBND xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) – cho biết, trên địa bàn hiện tại có 3 cây cầu treo dân sinh (2 cầu treo tại thôn Đăk Lung, 1 cầu treo tại thôn 6) đã xuống cấp. Các cầu treo này phục vụ cho khoảng 100 hộ dân, trên 200ha (càphê, caosu, rừng, lúa). Vào mùa mưa, việc di chuyển qua các cây cầu này ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, còn hoa màu phải bỏ lại chờ đến khi nước rút mới thu hoạch được.
“Trước đó, trong buổi tiếp xúc với HĐND tỉnh, cử tri thôn Đăk Lung cũng đã ý kiến. Sau đó, UBND huyện Đăk Tô cũng đã cử đoàn công tác xác minh, tuy nhiên do kinh phí chưa bố trí được nên chưa thể xây cầu” – ông Triệu cho hay.
Anh Nguyễn Thành Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Tụ – chia sẻ thêm: “Trận mưa lớn kèm gió lốc vào ngày 5.5 tại thôn Kon Pring đã khiến hàng cây bên cạnh cầu gãy, đổ xuống phần đầu cầu làm đứt mối nối và cong dầm cầu. UBND đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở 2 bên đầu cầu để người dân hạn chế qua lại.”
“Trên địa bàn xã hiện tại có 3 cây cầu dân sinh đang được người dân sử dụng, phục vụ cho gần 190ha đất sản xuất. Tuy đã nhiều lần đề xuất xây cầu mới, nhưng khi chính quyền huyện xuống kiểm tra, khảo sát thì thấy dự án không khả thi nên chưa thể xin được kinh phí. Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã vận động tự bỏ kinh phí và xây dựng” – ông Luân bày tỏ.
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/bat-an-vi-loat-cau-treo-dan-sinh-o-kon-tum-xuong-cap-hu-hong-1346817.ldo