tienphong.vn
TP – Với nhiều tác dụng tốt như tiêu độc, thanh nhiệt cho cơ thể con người, quả ươi là thức uống hàng đầu mỗi dịp nắng nóng. Đa phần cây ươi đều cao vút như cột điện, rất khó khai thác quả nên nhiều người không ngại “xuống tay” đốn hạ.
Tại Gia Lai, trên khu vực rừng giáp ranh giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) có rất nhiều cây ươi. Đầu tháng 2, người dân các nơi đã vào rừng để lấy hạt ươi. Kinh nghiệm từ những năm trước, các đơn vị giữ rừng triển khai tuyên truyền, chốt chặn để hạn chế số lượng người lên núi, tránh việc tận thu quả ươi.
Cung đường ngang dọc vào rừng chi chít dấu xe máy, chân người. Một người dân chở cả bao quả ươi ra dừng lại xin nước chúng tôi. Người này chia sẻ, mấy tuần nay người dân các nơi, có cả Kon Tum đổ xô vào rừng này tìm ươi. Họ đi từng tốp, mang theo thực phẩm vào rừng dựng lán tạm ở nhiều ngày để tìm ươi.
Cây ươi kích thước lớn mới bị cưa hạ
“Có người trúng vài tạ ươi đưa về bán mấy chục triệu đồng rồi. Do đông người nên họ tranh giành, xanh hay chín đều lấy hết. Thế nên ươi xanh non chỉ 100 nghìn đồng/kg, còn ươi chín thì 700 nghìn đồng/kg”, người này nói.
Đi sâu vào rừng, khu vực giáp ranh giữa ban quản lý rừng là hàng chục cây ươi đã bị đốn hạ, nằm rải rác khắp nơi. Có thân ươi cao mấy chục mét, hai người ôm mới hết vừa bị cưa hạ, nhựa đang ứa ra. Còn những cây ươi to bằng đùi vào độ phát triển mạnh cũng bị kẻ xấu đốn hạ không thương tiếc.
Ông Phạm Thành Phước – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cho rằng, cây ươi thẳng, ít cành và nhánh nên rất khó trèo. Bởi vậy, người đi thu ươi không dám trèo lên hái nên chọn cách cưa hạ. Trước tình hình trên đơn vị đã tuyên truyền đến các làng cận rừng.
Theo ông Phước, lâm phần quản lý rộng, nhiều đường nhánh lên rừng gây khó cho việc ngăn chặn từ ban đầu, chưa kể người ở tỉnh Kon Tum cũng xuống thu hái nên khó kiểm soát. Bởi vậy, ông Phước đã kiến nghị ngành chức năng cần có hình thức xử lý đối với những cơ sở, doanh nghiệp thu mua hạt ươi xanh, non. Nếu các chủ cơ sở mua hạt ươi không thu mua hạt non thì người dân sẽ chờ lúc ươi bay xuống mới nhặt.
Cần làm bạn với rừng
Giữa tháng 2 cây ươi ở Gia Lai bắt đầu ra quả. Địa phương có tiếng nhiều ươi nhất như huyện Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Kbang… Năm nay giá quả ươi khá cao, dao động từ 100-700 nghìn đồng tùy loại.
Mùa này xã vùng biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông) nắng như đổ lửa. Trong ngôi nhà tạm bợ dựng dưới chân núi ở tiểu khu 987 (lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur), ông Bàn Văn Cường (45 tuổi, trú tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông) cùng 4 người khác nhận khoán đang gác rừng.
“Rừng này chủ yếu là cây ươi, đang độ nắng nóng, sợ cháy rừng nên anh em tôi thường lên sớm để phát thực bì quanh gốc ươi. Trong diện tích rừng anh em chúng tôi bảo vệ có 20 cây ươi lớn. Ngoài tiền công giữ rừng chúng tôi có thêm thu nhập từ lâm sản phụ nên anh em cũng khấm khá thêm tí”, ông Cường chia sẻ.
Không phải năm nào cây ươi cũng rộ quả, mà phải theo chu kỳ 4 năm một lần. Có cây to lên đến 3 tạ quả. Năm trước chỉ riêng ông Cường thu lượm hạt ươi bán được 15 triệu đồng. Mùa khô xã vùng biên nóng bức, kiếm việc làm vô cùng khó khăn. Bởi vậy đây là thu nhập khá tốt, có thêm khoản cho gia đình trang trải cuộc sống.
Nhóm của ông Cường có quy định chung không ai được đốn hạ để lấy quả ươi, phải đợi rụng xuống mới được nhặt. Điều này không chỉ khai thác bền vững mà giá trị khi bán quả ươi cũng ở mức cao nhất, khoảng 700 nghìn đồng/kg.
“Hồi xưa lấy ươi dễ lắm, là việc dành cho người già. Bây giờ phải đi xa vào rừng mới nhặt được. Mùa hè mà uống ly nước ngâm hạt ươi thì còn gì bằng. Gia đình chúng tôi năm nào cũng trữ cả bao cho người nhà dùng dần”, ông Cường cho biết thêm.
Trong khi đó, anh Rmah Xuân (35 tuổi, trú tại làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) bày tỏ tâm tư, người Jrai cũng chỉ chờ hạt ươi bay xuống rồi mới nhặt chứ không trèo lên chặt cành hay cưa gốc. Bà con cũng không bao giờ tranh giành mà khi ai nhìn thấy một cây ươi sẽ làm “dấu”, người sau thấy sẽ không đụng vào. Nhưng nhiều năm nay, người dân khắp nơi đổ về thu hái, nhốn nháo nên việc khai thác ươi như xưa không còn nữa.
Ngủ ở rừng giữ cây ươi
Tại Đồng Nai, các lực lượng như Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên, công an, dân quân các xã… tuần tra cơ động 24/24 ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép quả ươi.
Tại đây, số cây ươi trưởng thành cho quả là khoảng trên 10.000 cây, trải rộng trên phạm vi hơn 100.000 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn – huyện Vĩnh Cửu) và rừng từ Cty Lâm nghiệp La Ngà do Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý, thuộc địa bàn hai huyện Định Quán, Tân Phú.
Ông Nguyễn Ngọc Phượng, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vĩnh Cửu cho biết, hiện nay cơ quan chức năng xác định có khoảng 200 người đang ở ngoài chờ cơ hội vào rừng hái ươi và đã báo cáo UBND huyện tăng thêm lực lượng ở những vị trí trọng yếu”.
Theo ông Võ Quang Trung, Phó Trưởng phòng Bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cây ươi phải trải qua 15 – 20 năm mới bắt đầu ra hoa, kết quả. Trong khi đó, khi xâm nhập trái phép vào rừng, có người đốn hạ cả cây để thu hái trái. Nhiều người khai thác bằng cách cắt cành khiến cây mất sức, phải sau 4 – 5 năm mới phục hồi và tiếp tục ra trái. Mạnh Thắng
TIỀN LÊ
Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/bao-dong-khai-thac-tan-diet-cay-uoi-post1630086.tpo