thanhnien.vn
Sáng 15.11, Báo Thanh Niên phối hợp Ngân hàng Quân đội (MB Bank) tổ chức hội thảo Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo.
Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các cơ quan T.Ư và địa phương; các chuyên gia, diễn giả đầu ngành, am hiểu về sâm Việt Nam; đại diện các công ty, đối tác, nhà tài trợ; các doanh nghiệp trồng, chế biến sâm Việt Nam và đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu.
Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, trao thư cảm ơn của báo đến các đơn vị đồng hành cùng hội thảo: Công ty dược phẩm Thái Minh, Công ty TNHH Sâm Sâm (đại diện Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam), Công ty CP Sâm Việt Nam Vinapanax, Công ty CP Sâm Pusilung, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS)
Cần cơ chế, chính sách để phát triển
Phát biểu mở đầu hội thảo, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho hay Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hai loại sâm “quốc bảo” là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Quyết định 611/2023 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu biến sâm thành “cây trồng tỉ USD” với diện tích trồng đạt 21.000 ha và sản lượng 300 tấn/năm vào năm 2030. Tuy nhiên, lộ trình này đang đối diện nhiều thách thức.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại hội thảo
Đầu tháng 8.2024, Báo Thanh Niên đăng loạt phóng sự với chủ đề Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn, nêu ra những khó khăn như thiếu vốn, quy định pháp luật chưa phù hợp, chưa có quy trình trồng đạt chuẩn hay tình trạng sâm giả nhập khẩu làm tổn hại uy tín sâm Việt. Do đó, thông qua hội thảo, Báo Thanh Niên kỳ vọng những ý kiến đóng góp, đề xuất và gợi mở của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực.
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm kiêm Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, cho biết tại Quảng Nam có 6.000 người và hơn 3.000 hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh, nhưng đến nay chưa có viện nghiên cứu hướng dẫn kỹ thuật trồng. Vì vậy, theo ông, nhà nước cần thành lập viện nghiên cứu chuyên về sâm, cung cấp giống chất lượng để người dân an tâm phát triển.
Về sản xuất, ông Lực chỉ ra rằng hiện chưa có doanh nghiệp lớn tham gia vào ngành sâm, đa phần là sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, ông cho rằng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tàu để phát triển thương hiệu và ngành sâm một cách bài bản.
Ông Lực cũng bày tỏ mong muốn mọi người dân đều có thể tiếp cận sâm Ngọc Linh vì hiện tại giá thành quá cao. Bên cạnh đó, ông đề xuất Bộ Y tế đưa các sản phẩm từ sâm vào danh mục thuốc và bảo hiểm y tế để người dân có thể sử dụng, đồng thời giải quyết bài toán đầu ra, tạo điều kiện cho ngành sâm phát triển bền vững.
Hiện nay, các vùng trồng sâm chủ yếu của Việt Nam tập trung ở Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Tuy nhiên, những địa phương này đang đối mặt với một số khó khăn, chưa tận dụng hết lợi thế vốn có.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá cao tiềm năng trồng sâm Ngọc Linh tại địa phương. Tỉnh đã quy hoạch hơn 13.000 ha trồng sâm Ngọc Linh và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng thời phát triển nhiều cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên, ông Bửu cho biết hiện còn một số thách thức, nhất là việc thuê môi trường rừng để trồng dược liệu vẫn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế. Ông cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức cho vay để hỗ trợ phát triển xanh, đặc biệt là trồng sâm và dược liệu.
Đồng tình với những khó khăn mà Quảng Nam đang đối mặt, ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu, chia sẻ tỉnh này hiện gặp thách thức trong nhân giống, xử lý sâu bệnh và định mức kinh tế kỹ thuật. Địa phương cũng mạnh mẽ xử lý các hành vi gian dối, mạo danh làm tổn hại thương hiệu sâm Lai Châu.
Ông Lịch cho rằng cần thúc đẩy nghiên cứu và chế biến sâu để nâng cao giá trị của sâm Lai Châu. Theo đó, các sản phẩm như hồng sâm, dược sâm, trà sâm và mỹ phẩm từ sâm sẽ giúp tận dụng tối đa các tinh chất quý giá, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế.
Đang hoàn thiện hành lang pháp lý
Ông Phạm Hồng Lượng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNN, cho biết Bộ đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện các cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ địa phương định hướng phát triển và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào ngành sâm.
Ông Lượng nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc nghiên cứu và phát triển giống sâm. Theo ông, cần có các tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo việc canh tác sâm đạt hiệu quả cao mà không làm tổn hại đến môi trường. Ông đề xuất xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để chia sẻ thông tin minh bạch, thúc đẩy phát triển ngành dược liệu, đặc biệt là sâm Việt Nam.
TS Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, cũng cho hay luật Dược đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với ngành công nghiệp dược. Trong lĩnh vực dược liệu, cây sâm trồng ở vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn, do đó các doanh nghiệp cần nắm thông tin ưu đãi về đầu tư, đất đai, thuế.
Ngoài ra, ông Ngọc cho rằng muốn phát triển bền vững thì cần áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sâm. Với thị trường dược liệu quốc tế dự kiến đạt 400 tỉ USD vào năm 2030, ông Ngọc khuyến nghị nên tập trung phát triển thị trường trong nước trước khi mở rộng ra thế giới.
Phát biểu tổng kết, nhà báo Lâm Hiếu Dũng khẳng định hội thảo là bước khởi đầu cho hành trình xây dựng chiến lược dài hạn phát triển bền vững ngành sâm Việt Nam. Báo Thanh Niên cam kết đồng hành cùng truyền thông, chính quyền, doanh nghiệp và người trồng sâm để nâng cao giá trị và thương hiệu sâm Việt Nam.
GS-TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô, cho biết trước đây sâm Ngọc Linh thường được nhắc đến là có 52 hợp chất saponin. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện số lượng saponin tăng lên 107 hợp chất, cho thấy tiềm năng dược liệu phong phú của loài sâm này. Ông nhấn mạnh giá trị của cây sâm phụ thuộc vào chất lượng và năm tuổi, đồng thời kêu gọi chính sách phát triển sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu thành sản phẩm hàng hóa.
Trình bày các nghiên cứu về thành phần hóa học của 3 loại sâm Ngọc Linh, Lai Châu và Lang Biang (gọi chung là sâm Việt Nam), TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên khoa Dược, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng saponin là đặc trưng phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác, với nhiều đặc tính dược lý như chống ô xy hóa, tăng cường miễn dịch, kháng viêm và hỗ trợ thần kinh, rất tốt cho sức khỏe. Bà đánh giá thêm sâm Lai Châu có thành phần hóa học tương đồng với sâm Ngọc Linh nhưng còn tranh cãi về việc đồng danh.
Tương tự, sâm Lang Biang cũng có nhiều điểm giống sâm Ngọc Linh, nhưng hàm lượng hoạt chất MR2 thấp hơn. Đánh giá sâm Lang Biang có tiềm năng rất lớn, TS Vân cho rằng cần bảo tồn, nghiên cứu và phát triển giống sâm này.
Áp dụng công nghệ cao cho ngành trồng sâm
TS Phạm Hà Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam, chia sẻ bài học nhân giống sâm của Hàn Quốc, qua đó cho rằng thời gian tới, nước ta cần chú trọng việc lai tạo để tìm giống sâm tốt nhất như có khả năng chống chịu sâu bệnh hoặc hàm lượng MR2 khác nhau.
TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam – nhà nghiên cứu sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, thì trình bày về kinh nghiệm và kỹ thuật trồng sâm Việt Nam công nghệ cao. Theo TS Tuyến, hiện nay Việt Nam chủ yếu trồng sâm dưới tán rừng. Tuy nhiên để đạt sản lượng lớn, có thể phát triển các phương pháp khác như trồng sâm dưới mái che và trồng sâm trong nhà vi khí hậu.
Với mục tiêu đạt 21.000 ha diện tích trồng sâm và sản lượng 300 tấn/năm vào năm 2030, TS Tuyến đề xuất thiết lập vùng nguyên liệu quy mô lớn, đảm bảo giống sâm chất lượng cao và áp dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/vi-su-phat-trien-cua-sam-quoc-bao-viet-nam-185241115210146753.htm