Thu hồi tài sản, truy bắt đối tượng trốn ra nước ngoài vẫn khó khăn

15

thanhnien.vn

Thu hồi tài sản còn tồn đọng lớn, truy bắt chưa hiệu quả

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, từ 1.10.2023 – 30.9.2024, cơ quan công an đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án/3.897 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 4.759 tỉ đồng, 47.704,2 m2 đất và 138,4 ha đất.

Khó khăn trong truy bắt tội phạm quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng lớn - Ảnh 1.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)

Kết quả đạt được rất tích cực, song Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế. Điển hình là việc truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.

Đây cũng là các vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm. ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt như mong muốn. Nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn. Các ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác này.

Trong khi đó, đánh giá việc truy bắt các đối tượng sau khi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc VN và một số quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, tại báo cáo, Chính phủ chưa đánh giá rõ về thực tế này, cũng chưa đặt ra vấn đề tổng kết triển khai để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt. “Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới nội dung này trong thời gian tới”, ông Thịnh nói.

Khó khăn trong truy bắt tội phạm quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng lớn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình tại phiên thảo luận

Giải trình trước QH, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay thời gian qua, lực lượng công an cùng các cơ quan thực thi pháp luật đã và đang tăng cường công tác hợp tác quốc tế, ký các hiệp định liên quan chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ tội phạm.

Kết quả cho thấy, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý dẫn độ một số đối tượng, “có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với chúng ta”. Với tinh thần đó, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có những hiệp định liên Chính phủ, nhằm thực hiện tốt hơn việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài.

Tại hồ sơ thẩm định luật Dẫn độ gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 10.2024, VN là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 18 hiệp định song phương về dẫn độ. Công an các đơn vị, địa phương đã lập và chuyển 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong đó đã dẫn độ được 16 đối tượng về VN.

Quyết liệt giải quyết án hành chính

Quan tâm tới thi hành án hành chính, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn khi theo số liệu tại báo cáo thì trong kỳ báo cáo năm 2024 đã thi hành xong 896/1.973 bản án, tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ chỉ đạt 45,41%. Như vậy, quý 4 còn lại của năm 2024, liệu có thể thực hiện được các bản án đạt hơn 54% còn lại hay không. “Đây là một câu hỏi cần phải được trả lời”, nữ ĐB đoàn Đồng Tháp nêu.

Bà Hoa cũng dẫn số liệu cho thấy, số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2022 tăng 77 kiến nghị, năm 2023 tăng 135 kiến nghị, năm 2024 tăng 175 kiến nghị. “Tất cả những số liệu này thực sự đặt ra câu chuyện trách nhiệm cũng như tính nêu gương của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền phải thi hành các bản án hành chính”, bà Hoa nêu, và đề nghị phải có phân tích rất thấu đáo, xác định trách nhiệm rất rõ trong vấn đề này.

Cùng mối quan tâm, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phản ánh nhiều trường hợp người phải thi hành án là người trong các cơ quan nhà nước đã không tự nguyện thi hành án làm cho vụ việc tồn đọng, kéo dài mà lẽ ra họ phải nêu gương trước. ĐB đoàn Quảng Trị cũng đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực án hành chính vì đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, niềm tin của nhân dân với chính quyền, suy rộng ra là niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ. “Cần tổng kiểm tra, rà soát toàn diện tình hình giải quyết các vụ án hành chính từ đó có giải pháp quyết liệt giải quyết các vụ án tồn đọng, kéo dài”, ông Thắng nêu.

Giải trình trước QH , Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói đây cũng là trăn trở của bộ này. Theo ông, vấn đề ách tắc của thi hành án hành chính có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm của người có trách nhiệm thi hành án như ĐB nêu. Cạnh đó, 90% các bản án hành chính phải thi hành liên quan lĩnh vực đất đai. Đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành để giải quyết, hiện trạng quản lý sử dụng đất theo đó cũng đã có rất nhiều biến động.

Ông Nguyễn Hải Ninh cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ đổi mới cách làm, đề xuất sớm sửa luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan để khắc phục những hạn chế về mặt thể chế. Cùng đó, sẽ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP xử lý nghiêm trách nhiệm của người phải thi hành vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành là chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính.

Chấm dứt miễn thuế với hàng dưới 1 triệu nhập khẩu qua sàn điện tử

Chiều cùng ngày, QH biểu quyết thông qua luật Thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) sửa đổi. Quá trình xây dựng luật, một số ĐB lo ngại về việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài đang gia tăng bán hàng vào VN với giá trị nhỏ, rất rẻ, rất cạnh tranh và không bị thu thuế. Sở dĩ có tình trạng này là do Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống. Nhóm ĐB đề nghị dừng việc miễn thuế đối với hàng hóa thuộc diện nêu trên, đồng thời chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 78.

Ủy ban Thường vụ QH cho hay thực tế đúng như các ĐB nêu. Với việc miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT, mỗi ngày VN đang thất thu thuế rất lớn trên tổng giá trị hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu.

Ủy ban Thường vụ QH đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời đề xuất bổ sung các quy định về việc thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử trong cả dự thảo luật Thuế VAT và luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, nếu Quyết định số 78 chưa chấm dứt hiệu lực thi hành thì các nội dung sửa đổi của 2 dự án luật này sẽ chưa thể phát huy hiệu lực. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH xin đưa nội dung trên vào nghị quyết chung của kỳ họp, yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ. Trước mắt sẽ chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào VN.

Một chính sách quan trọng khác được quy định tại luật Thuế VAT sửa đổi vừa được thông qua là việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón. Trước đó, khi thảo luận về dự thảo luật, nhiều ĐB lo ngại việc áp thuế VAT với phân bón sẽ làm tăng gánh nặng cho nông dân, nông nghiệp, vì thế đề nghị miễn thuế hoặc áp thuế 0% với mặt hàng này.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, nếu áp dụng thuế suất 0% một mặt sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều sẽ được hoàn số thuế VAT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế VAT đối với phân bón khi bán ra. Nhưng mặt khác, hằng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để hoàn thuế VAT đầu vào cho các doanh nghiệp.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/thu-hoi-tai-san-truy-bat-doi-tuong-tron-ra-nuoc-ngoai-van-kho-khan-185241126233903485.htm