Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn: Mối lo 'đo đếm' chất lượng sâm

29

thanhnien.vn

NHỮNG “DỰ ÁN TRÊN GIẤY”

Chuyện gây xôn xao dư luận gần đây nhất là một doanh nghiệp (DN) huy động vốn được 1.200 tỉ đồng để đầu tư dự án trồng hơn 10 ha sâm Ngọc Linh tại Kon Tum và Quảng Nam, nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì phát hiện dự án này chỉ nằm trên giấy.

Trước đó, một công ty khác cũng công bố sở hữu 10 ha và đưa ra kế hoạch liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân ở H.Đăk Glei và H.Tu Mơ Rông (Kon Tum). Tuy nhiên, khi dư luận bàn tán, chính quyền địa phương kiểm tra thì xác định đó là “vườn sâm vẽ”.

Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn: Mối lo 'đo đếm' chất lượng sâm- Ảnh 1.

Vườn sâm Ngọc Linh “thật” của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum

WEBSITE CÔNG TY CP SÂM NGỌC LINH KON TUM

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội đề cập các DN, hợp tác xã có dự án trồng sâm trên địa bàn với quy mô lớn, tham gia liên kết với người dân thông qua việc đầu tư trực tiếp cho người dân. Ngoài ra, một số DN thông tin mua các vườn sâm của người dân để sản xuất số lượng lớn, tuy nhiên sau khi kiểm tra các nông trường, vườn sâm khủng như họ tung tin thì chỉ có trên… giấy. Thậm chí với một đơn vị, chính quyền phải tập trung mấy tuần mới tìm ra sự thật, vì họ đối phó gian dối…

“Trồng 500 cây thì yêu cầu xác nhận hàng chục héc ta sâm. Liên kết với dân trồng rất ít lại khẳng định có nông trường sâm. Huyện đã mất nhiều thời gian xác minh”, ông Mạnh nói và nêu câu hỏi: “Tại sao thông tin của cơ quan truyền thông cung cấp có nhiều DN, tập đoàn rầm rộ công bố vùng trồng sâm trên giấy ở Kon Tum hoặc Quảng Nam, nhưng cơ quan chức năng chưa hoặc chậm vào cuộc, liệu vụ việc có bị chìm xuồng?”.

Theo một DN trồng sâm ở Kon Tum, những “dự án trên giấy” xôn xao dư luận thời gian qua đã ít nhiều gây hoang mang cho người dân trồng sâm cũng như ảnh hưởng đến chương trình quy hoạch sâm của địa phương.

Có những phiếu kiểm định dễ gây hiểu lầm

Thị trường mua bán sâm bát nháo, khó kiểm soát chất lượng, tuy nhiên người mua sâm Ngọc Linh hoặc sâm Lai Châu vẫn có thể tin vào chất lượng của cơ sở trồng sâm đàng hoàng, uy tín, nhất là cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng.

Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn: Mối lo 'đo đếm' chất lượng sâm- Ảnh 2.

Giống sâm Lai Châu từ Trung Quốc tuồn về VN có thể biến thành sâm trồng tại Lai Châu

CÔNG AN H.PHONG THỔ (LAI CHÂU) CUNG CẤP

Nhưng thực tế, hiện ở vùng trồng sâm Ngọc Linh hoặc sâm Lai Châu, các cơ sở được cấp mã số vùng trồng chiếm một phần rất nhỏ. Chẳng hạn, Lai Châu có khoảng 19 tổ chức, 217 hộ gia đình, cá nhân trồng khoảng 60 ha sâm Lai Châu, nhưng chỉ mới có 6 cơ sở được cấp mã cơ sở nuôi trồng với hơn 250.000 cây sâm.

“Sâm Lai Châu bán ngoài thị trường không rõ xuất xứ, nguồn gốc làm mất uy tín của sâm Lai Châu và các cá nhân, DN đầu tư bài bản, cho ra sản phẩm chất lượng”, đại diện Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh (vừa được trao chứng nhận mã số cơ sở trồng và chứng nhận vườn sâm đạt tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Lai Châu) chia sẻ.

Đến tỉnh Lai Châu tìm hiểu, chúng tôi biết có một số người đã mua những cây sâm 4 – 5 năm tuổi, xuất xứ từ Trung Quốc với giá rất rẻ, về vùi trong vườn của mình một thời gian ngắn, sau đó đem bán với giá sâm Lai Châu bản địa.

Ngoài ra, “bổn cũ soạn lại” nhưng vẫn có người mua bị sập bẫy, đó là chiêu trò lấy củ sâm VN được ghép từ nhiều đoạn củ, rồi vùi xuống đất chờ đến khi những chỗ ghép lành, khó nhận ra vết ghép thì rao bán là sâm tự nhiên với giá cao ngất ngưởng. Một số đầu nậu bán sâm cũng có nhiều chiêu trò riêng của mình. “Có người mua của người dân 1 kg sâm Ngọc Linh, nhưng đòi viết giấy xác nhận 10 kg. Thật khôi hài!”, ông Võ Trung Mạnh nói.

Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn: Mối lo 'đo đếm' chất lượng sâm- Ảnh 3.

Người bán giới thiệu lô sâm Việt với PV chỉ 3,5 triệu đồng/kg, nhưng có cả giấy kiểm nghiệm

Ngay trong việc kiểm soát chất lượng sâm VN bằng biện pháp kiểm nghiệm cũng có một số vấn đề cần được hiểu cho đúng. Thông thường, người mua sâm ít khi tự mang mẫu đi kiểm định vì chi phí kiểm định không rẻ. Trong khi đó, những người bán sâm nếu trưng ra phiếu kiểm định để lấy niềm tin, thì khách hàng cũng cần cảnh giác vì có những phiếu kiểm định nội dung dễ gây hiểu lầm.

Một cán bộ ở Trung tâm kiểm nghiệm sâm và dược liệu cho hay: “Kiểm nghiệm gien không đủ để đảm bảo xác định nguồn gốc sâm từ Trung Quốc hay VN, cũng như không có cơ sở để cho biết chất lượng của sâm VN (hàm lượng hoạt chất). Nhưng nếu kết quả kiểm định định tính nhằm xác định có sự hiện diện của M-R2… (đặc trưng của sâm VN) có các vết G-Rg1, G-Rb1, G-Rd (hợp chất chính của sâm VN) mà không xác định định lượng thì chỉ phản ảnh được sự có mặt của thành phần đặc trưng trong sâm VN. Đến nay, chưa có đơn vị kiểm định nào có thể xác định được nguồn gốc sâm VN từ Trung Quốc hay VN”.

Chúng tôi được biết, một đại gia chơi sâm danh tiếng, có bảo tàng sâm VN đầu tiên và duy nhất tại TP.HCM, đã đầu tư hàng tỉ đồng chỉ để kiểm nghiệm những củ sâm, lô sâm mình mua nhằm kiểm soát chất lượng.

“Có những giấy kiểm định nội dung mơ hồ, không phản ánh rõ chất lượng mẫu sâm kiểm nghiệm. Chính vì vậy, người tiêu dùng muốn biết chất lượng mẫu sâm mình mua thì cần tìm trung tâm uy tín để kiểm định”, một nhà sưu tầm sâm Ngọc Linh tại Đà Nẵng nói.

CẦN CHẤN CHỈNH ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHẾ BIẾN TỪ SÂM

Ngoài sâm củ, trên thị trường xuất hiện nhiều dạng sản phẩm chế biến từ các bộ phận của sâm như rượu, sâm ngâm mật ong, trà sâm, nước uống sâm, viên sâm… Thẳng thắn nhìn nhận, đây là tín hiệu vui cho sự phát triển của sâm Việt nói chung và cho người tiêu dùng nói riêng. Tuy nhiên, làm cách nào định tính được chính xác trong sản phẩm đó dùng nguyên liệu chính hiệu sâm Ngọc Linh hoặc sâm Lai Châu thu hái tại VN là điều không dễ.

Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn: Mối lo 'đo đếm' chất lượng sâm- Ảnh 4.

Tín hiệu vui là ngày càng có nhiều sản phẩm chế biến từ sâm Việt

Mặt khác, cách ghi định lượng trên các sản phẩm có dán nhãn mác cũng có thể làm người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Chẳng hạn, trên một sản phẩm có ghi hàm lượng sâm Ngọc Linh nhưng lấy đơn vị tính bằng µg (microgram) nên hiển thị con số rất lớn. Như thế, người tiêu dùng chỉ còn có thể đặt niềm tin vào cái tâm của những nhà sản xuất, những thương hiệu lớn.

Vấn đề không trung thực chất lượng trong các sản phẩm sâm chế biến này cũng đã được tiến sĩ Võ Ngọc Linh Giang (Khoa Dược, ĐH Y Dược TP.HCM) đặt ra tại buổi hội thảo trong khuôn khổ “Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024” hồi cuối tháng 5. Theo tiến sĩ Giang, có một số sản phẩm chế biến từ sâm được pha trộn sâm với những thành phần thực vật khác hoặc có giá trị thấp; trộn lẫn hoặc thay thế các bộ phận trên cây sâm mà không làm rõ trên nhãn; pha trộn giữa các loài nhân sâm với nhau… (còn tiếp)


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/sam-viet-giua-muon-van-kho-khan-moi-lo-do-dem-chat-luong-sam-185240801193043285.htm