Phó thủ tướng chỉ đạo ứng phó bão số 6 sắp đổ bộ

8

thanhnien.vn

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 27.10, bão số 6 (bão Trà Mi) đang ở trên vùng biển Nam Quảng Trị – Đà Nẵng.

Phó thủ tướng chỉ đạo ứng phó bão số 6 sắp đổ bộ- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo ứng phó bão số 6 (bão Trà Mi)

ẢNH: VGP

Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù lao Chàm) có gió mạnh cấp 6 – cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 – cấp 10, giật cấp 12. Sóng biển cao 2 – 4 m, vùng gần tâm bão cao 4 – 6 m. Biển động rất mạnh.

Khu vực biển ven bờ Quảng Bình – Quảng Trị và Quảng Ngãi – Bình Định có sóng cao 2 – 4 m, khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Nam cao 3 – 5 m. Dự báo trưa nay 27.10, bão số 6 sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị – Đà Nẵng, vùng gần tập bão có gió mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11.

Ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 10 – 11; sâu hơn trong đất liền có thể có gió mạnh cấp 6 – cấp 7, giật cấp 8 – cấp 9.

Thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ sáng đến chiều 27.10.

Trong 12 – 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng đông, dịch chuyển ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp và tan dần.

Dự báo, từ sáng 27 đến hết ngày 29.10, khu vực Quảng Bình – Quảng Ngãi tiếp tục mưa to 200 – 400 mm, có nơi trên 600 mm. Khu vực nam Nghệ An, Hà Tĩnh; khu vực Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa từ 150 – 250 mm, có nơi trên 400 mm. Khu vực bắc Nghệ An, Gia Lai có mưa từ 50 – 100 mm, có nơi trên 150 mm.

Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ở mức báo động (BĐ) 2 – BĐ3, các sông ở Quảng Bình BĐ2, các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum BĐ1.

Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có trên 30 huyện và khu đô thị với 365 xã có nguy cơ ngập lụt.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao ở các sườn đồi dốc, taluy tại khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 67.212 phương tiện trên tổng số 307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết với dự báo bão số 6 sẽ quay trở lại Biển Đông thì các biện pháp phòng chống bão trên biển hết sức chú ý và kéo dài thời gian hơn.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng đã nghe báo cáo trực tiếp từ Đài khí tượng Quảng Trị về diễn biến cấp gió giật, cường độ mưa, lũ trên các sông, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất… Trong đó, trọng điểm là mưa lớn ở khu vực phía nam, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía tây.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, từ 7 giờ sáng nay, tỉnh đã thực hiện cấm người dân không ra đường khi có gió mạnh; duy trì lực lượng công an, biên phòng, quân đội và ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn.

Hiện nay, trên toàn tỉnh, đặc biệt là vùng ven biển gió đang mạnh dần lên cấp 6 – cấp 7, khu vực cửa Thuận An có triều cường cao 1,8 m, gây xói lở, tỉnh đã di dời 815 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng.

“Với tổng lượng mưa được dự báo thì các hồ chứa trên địa bàn đều bảo đảm chống lũ, tuy nhiên do mưa dài ngày nên tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi và lên phương án di dời khoảng 10.000 hộ dân với trên 32.000 nhân khẩu ra khỏi vùng sạt lở”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các hồ chứa, hồ thủy điện tại khu vực Trung Trung bộ đang trong giai đoạn tích nước nên bảo đảm yêu cầu chống lũ. Nhưng điểm cần lưu ý là thời gian cấm tàu thuyền hoạt động tại khu vực biển nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 6 kéo dài hơn trước; nguy cơ sạt lở cao tại khu vực miền núi do mưa lớn kéo dài.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/pho-thu-tuong-chi-dao-ung-pho-bao-so-6-sap-do-bo-185241027090326472.htm