Phát huy vai trò nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống

7

baokontum.com.vn

Các nghệ nhân tại thôn, làng đồng bào DTTS ở huyện Kon Rẫy chính là những hạt nhân, đầu tàu gương mẫu, có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, vận động và trao truyền văn hóa quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Say mê nhạc cụ truyền thống dân tộc Ba Na từ nhỏ, nghệ nhân A Phái (60 tuổi, ở thôn Đăk Puih, xã Đăk Tờ Re) đã sớm nắm rõ mọi kỹ thuật của từng loại nhạc cụ từ cồng chiêng cho tới đàn ting ning, krông pút, t’rưng.

Không chỉ biểu diễn giỏi, am hiểu nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân A Phái còn tự chế tác nhiều loại nhạc cụ bằng tre, nứa và làm mới hình thức của nhạc cụ, vừa tiện sử dụng, vừa đẹp mắt. Ngày ngày ông vẫn cặm cụi vót tre, đẽo gọt tỉ mỉ để tạo ra những cây đàn, chiếc kèn có âm thanh tốt nhất. Đôi bàn tay dường như đã quen với mọi kích cỡ của từng loại nhạc cụ nên ông làm ra cái nào đều chuẩn cái đó. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, sau mỗi lần làm xong một loại nhạc cụ, ông lại tự tấu lên một bản nhạc quen thuộc và yêu thích.

164820Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20A%20Ph%C3%A1i%20%C4%91ang%20truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20cho%20%C4%91%E1%BB%99i%20chi%C3%AAng%20n%E1%BB%AF%20th%C3%B4n%20%C4%90%C4%83k%20Puih.%20(%E1%BA%A3nh%20Mai%20V%C3%A0ng)

Nghệ nhân A Phái đang truyền dạy cồng chiêng cho đội chiêng nữ thôn Đăk Puih. Ảnh: MV

 

Văn hóa truyền thống đã “ăn sâu vào máu” nên nghệ nhân A Phái luôn trăn trở, đau đáu trước những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Ba Na đang dần mai một trong đời sống của bà con. Vì vậy, ông cùng với một số nghệ nhân tâm huyết trong thôn đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm những hiện vật, phong tục truyền thống của dân tộc; thành lập đội cồng chiêng và mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ.

Theo nghệ nhân A Phái, từ năm 2000 đến nay, ông cùng nghệ nhân trong thôn vận động thế hệ trẻ tham gia đội cồng chiêng và tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, múa xoang, chơi và chế tác nhạc cụ dân tộc Ba Na. Đến nay, thôn Đăk Puih có 3 đội cồng chiêng bao gồm đội chiêng người lớn, đội chiêng nữ và đội chiêng trẻ; hơn 10 người trẻ biết sử dụng và chế tạc nhạc cụ dân tộc.

“Tôi rất vui khi được góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, giúp các bạn trẻ ở thôn hiểu và biết thêm giá trị truyền thống của cha ông để lại. Bao giờ còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy văn hóa Ba Na, với mong muốn những nét đẹp của văn hóa dân tộc sẽ được con cháu đời sau tiếp thu, lưu giữ”- nghệ nhân A Phái chia sẻ.

Ở thôn 1, xã Đăk Pne, nghệ nhân Y Brai (83 tuổi, dân tộc Ba Na) luôn được người dân trong thôn quý trọng. Bởi lẽ, ngoài tài dệt thổ cẩm, bà còn là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ để tiếng khung cửi trong mỗi nếp nhà vang mãi.

164854Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20Y%20Brai%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20gi%E1%BB%AF%20g%C3%ACn%20v%C3%A0%20trao%20truy%E1%BB%81n%20ngh%E1%BB%81%20d%E1%BB%87t%20th%E1%BB%95%20c%E1%BA%A9m%20cho%20nhi%E1%BB%81u%20th%E1%BA%BF%20h%E1%BB%87%20tr%E1%BA%BB.%20(%E1%BA%A2nh%20Mai%20V%C3%A0ng)

Nghệ nhân Y Brai tích cực giữ gìn và trao truyền nghề dệt thổ cẩm cho nhiều thế hệ trẻ. Ảnh: M.V

 

Nghệ nhân Y Brai cho biết, từ khi mới lên 10, bà đã được mẹ chỉ cho cách lấy bông làm sợi vải dệt. Đến 13 tuổi, bà bắt đầu ngồi bên khung cửi và thỏa sức thể hiện sự sáng tạo qua từng đường nét, sắc màu thổ cẩm. Càng trưởng thành thì sự giỏi giang cùng kinh nghiệm dệt thổ cẩm của bà càng được bồi đắp. Những sản phẩm thổ cẩm như: áo, váy, khăn, khố đều được bà dệt một cách tỉ mỉ, khéo léo.

Tuy nhiên, trước nhịp sống hiện đại thì nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một. Vì thế, để duy trì nghề dệt thổ cẩm, nghệ nhân Y Brai phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Từ năm 2010 đến nay, bà đã truyền dạy nghề cho gần 100 học viên là chị em phụ nữ trên địa bàn xã Đăk Pne. Bên cạnh đó, để giữ nguyên chất liệu thổ cẩm truyền thống và giảm chi phí cho sản phẩm, bà trồng bông lấy sợi và các loại cây dùng rễ, hoa làm phẩm màu nhuộm.

Chị Y Nghenh (32 tuổi, ở thôn 1, xã Đăk Pne) – học trò của nghệ nhân Y Brai cho hay: “Bà Y Brai đã truyền nghề và khơi dậy niềm yêu thích các hoa văn thổ cẩm cho lớp trẻ như tôi. Cùng với đó, tôi được khuyến khích tham gia tổ dệt thổ cẩm, các hoạt động do địa phương tổ chức như: hội thao, hội thi văn hóa các DTTS. Với nghề dệt trong tay, tôi sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để có những sản phẩm đẹp phục vụ cho bản thân và gia đình”.

Theo ông Phạm Viết Thạch – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Rẫy, hiện huyện có 16 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng. Đội ngũ nghệ nhân có vai trò quan trọng trong việc truyền dạy và tiếp nối văn hóa truyền thống. Bởi họ chính là những người “giữ lửa”, “tiếp lửa” và “truyền lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

“Thời gian tới, để góp phần khuyến khích đội ngũ nghệ nhân bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, có chính sách phù hợp đối với nghệ nhân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp mở những lớp truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm để thế hệ trẻ ngày càng trân quý, phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc”- ông Phạm Viết Thạch cho biết.    

Mai Vàng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/phat-huy-vai-tro-nghe-nhan-trong-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-42898.html