Người tạc tượng ở làng Kon K’tu

4

baokontum.com.vn

Bằng đôi tay khéo léo cùng trí tưởng tượng phong phú, ông A Hùng ở làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) đã “biến” những khúc gỗ vô tri thành những bức tượng mang cảm xúc, sống động.

60 tuổi nhưng ông A Hùng có thâm niên tạc tượng gỗ hơn 40 năm. Chính vì thế, chỉ cần nhìn vào khúc gỗ thô, những đường nét sơ khai lập tức hiện hữu và ông A Hùng đã biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu.

Hơn 40 năm cần mẫn tạc tượng, ông A Hùng không nhớ hết mình đã cho ra đời bao nhiêu tượng gỗ, chỉ biết rằng, ông đã quá quen thuộc với những bức tượng về vóc dáng người đàn ông mang rìu lên rẫy, gõ chiêng, cầm nỏ, uống rượu, những người phụ nữ giã gạo, mang gùi, địu con, xúc cá…hay những bức tượng với gương mặt buồn, dáng ngồi suy tư. 

Với ông A Hùng, một người tạc tượng giỏi không phải là làm ra được nhiều tượng mà là người thể hiện được thần thái, ý nghĩa trong mỗi bức tượng. Chính vì thế, ông A Hùng không quá coi trọng và chạy theo số lượng mà chú trọng vào việc khắc họa để mỗi bức tượng toát lên được phần hồn.

165731Ph%E1%BA%A3i%20m%E1%BA%A5t%20t%E1%BB%AB%205 7%20ng%C3%A0y%20%C3%B4ng%20A%20H%C3%B9ng%20m%E1%BB%9Bi%20ho%C3%A0n%20thi%E1%BB%87n%20m%E1%BB%99t%20t%C3%A1c%20ph%E1%BA%A9m%20t%C6%B0%E1%BB%A3ng%20g%E1%BB%97%20mang%20t%C3%ADnh%20m%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20cao %E1%BA%A3nh%20H%C3%82

Phải mất từ 5-7 ngày ông A Hùng mới hoàn thiện một tác phẩm tượng gỗ mang tính mỹ thuật cao. Ảnh: H.Â

 

“Cái hồn nằm trong mỗi bức tượng được thể hiện qua hình dáng cơ thể và khuôn mặt. Phải làm sao để mỗi bức tượng biểu thị được ý nghĩa và cảm xúc ẩn chứa trong đó. Có như vậy thì người xem mới cảm nhận được thông điệp mà bức tượng truyền tải. Khi đó, bức tượng mới có giá trị, ý nghĩa” – ông A Hùng cho hay.

Theo ông A Hùng, ngoài năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo thì người tạc tượng cần có tính cẩn thận, kiên trì. Mọi ý tưởng, nhát chặt hay đục đều phải có sự tính toán và độ chính xác cao. Chỉ cần tạc sai một lần có thể phá hỏng hình dáng tổng thể của cả bức tượng.

Trung bình, phải mất từ 5-7 ngày ông A Hùng mới hoàn thiện một tác phẩm tượng gỗ mang tính mỹ thuật cao, kỹ thuật sắc sảo. Còn những bức tượng đơn giản, chỉ cần 3-5 ngày ông đã có thể hoàn thiện.

165803%C3%94ng%20A%20H%C3%B9ng%20v%E1%BB%9Bi%20c%C3%A1c%20b%E1%BB%A9c%20t%C6%B0%E1%BB%A3ng%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%ACnh%20 %20%E1%BA%A3nh%20H%C3%82

Ông A Hùng với các bức tượng của mình. Ảnh: HÂ

 

Anh A Hương (39 tuổi) – con trai đầu của ông A Hùng sớm bộc lộ năng khiếu và yêu thích việc tạc tượng. Thấy con trai muốn theo nghề, ông A Hùng rất mừng và tận tình chỉ dạy. Đến nay, anh A Hương đã có hơn 10 năm cùng cha tạc tượng.

“Cha dạy tôi rất tỉ mỉ, từ cách chọn nguyên liệu, phác thảo, lên ý tưởng đến kỹ thuật cầm rìu, cầm dao. Cha luôn nhắc nhở tôi rằng, tạc tượng gỗ không chỉ là tín ngưỡng thiêng liêng mà còn là nghề thủ công lâu đời và độc đáo của đồng bào Ba Na. Chính vì thế, người trẻ chúng tôi cần tìm hiểu và học hỏi để giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống này” – anh A Hương cho hay.

Còn với ông A Hùng, dù lớn tuổi nhưng tình yêu, niềm say mê với tạc tượng gỗ không bao giờ già đi cùng thời gian. “Chỉ cần còn đủ sức để cầm rìu, dao, đục thì mình còn tạc tượng. Tạc tượng giúp mình rèn tính cần mẫn, tìm niềm vui và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống” – ông A Hùng vui vẻ nói.

Bà Y Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Ông A Hùng là một trong số ít người còn tạc tượng tại xã Đăk Rơ Wa. Bản thân ông A Hùng là người rất tích cực trong việc truyền dạy kỹ thuật tạc tượng cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Chính quyền địa phương cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ nhân và người trẻ trên địa bàn giao lưu, học hỏi kỹ thuật tạc tượng gỗ để góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.    

Hồng Ân


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/nguoi-tac-tuong-o-lang-kon-k-tu-44301.html