thanhnien.vn
Nhiều năm qua cứ vào mùa khô, khi các đợt nắng nóng xuất hiện, khu vực P.Trần Hưng Đạo và xã Hòa Bình (TP.Kon Tum) lại xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Đem can đi xin nước
P.Trần Hưng Đạo và xã Hòa Bình nằm ở phía nam TP.Kon Tum. Theo người dân ở đây, 2 địa phương này có địa hình cao hơn những khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, sâu dưới lòng đất có một vỉa đá lớn khiến việc đào, khoan giếng bị hạn chế. Cũng bởi vậy mà nhiều năm nay, hàng trăm giếng nước tại 2 địa phương này thường xuyên cạn nước khiến người dân khốn đốn.
Ông Huỳnh Xuân Ba phải đi xin nước ở các nhà khác về sử dụng
Đã vài tháng nay, mực nước giếng nhà ông Huỳnh Xuân Ba (69 tuổi, trú tại thôn 2, xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) hạ xuống sát đáy khiến nguồn nước bị nhiễm phèn, không thể ăn uống. Bởi vậy, gia đình ông Ba chỉ dùng nguồn nước này để tắm giặt. Còn nước ăn uống, vợ chồng ông Ba phải đem can đi xin ở những hộ dân cách đó vài trăm mét.
Theo ông Ba, nhiều giếng đào khác trong thôn cũng đã cạn kiệt nước do nắng nóng. Thiếu nước khiến cuộc sống gia đình ông và các hộ dân gặp nhiều bất tiện.
Ông Mai Thu Nhi A, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình (TP.Kon Tum) cho biết, tình hình thiếu nước trên địa bàn xã diễn ra rất phức tạp. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 86 giếng đào thiếu nước, 16 giếng cạn kiệt hoàn toàn do nắng nóng. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình đã chủ động xin nước từ hàng xóm hoặc tiến hành nạo vét giếng để có nước sử dụng.
Bưu điện, trường học cũng khát
Không chỉ các hộ dân, tại các trụ sở bưu điện, trường học cũng đang xảy ra tình trạng thiếu nước do nắng nóng. Theo chị Trần Thị Ngân, nhân viên Bưu điện Hòa Bình (ở P.Trần Hưng Đạo), từ giữa tháng 4, giếng nước tại bưu điện đã cạn kiệt. Để có nước sử dụng hằng ngày, chị cùng các đồng nghiệp phải đi xin nước về sử dụng.
Chị Ngân, nhân viên bưu điện, phải đi xin nước về sử dụng
“Mấy ngày nay, giếng khoan tại bưu điện đã cạn kiệt, nếu có cũng bị phèn không thể sử dụng. Hằng ngày, tôi cùng đồng nghiệp phải thay phiên nhau xách can nhựa 20 – 30 lít qua nhà hàng xóm xin nước”, chị Ngân nói.
Trường tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo có 2 điểm trường với hơn 1.000 học sinh. Tình trạng thiếu nước khiến giáo viên, học sinh phải sử dụng nước một cách dè sẻn. Bà Nguyễn Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo cho hay, tình trạng thiếu nước tại trường đã diễn ra từ lâu, nhưng 2 năm trở lại đây trở nên nghiêm trọng hơn.
Tại điểm trường tiểu học từ nhiều năm nay được bố trí một giếng đào, cung cấp nước sinh hoạt cho giáo viên cùng 427 học sinh. Tuy nhiên nhiều tháng nay, do ảnh hưởng của nắng nóng, giếng đào này đã cạn nước.
“Chúng tôi chỉ bật bơm được khoảng 5 phút là hết nước. Tình trạng này khiến các học sinh và thầy cô giáo tại trường phải chật vật, chắt chiu từng giọt nước để sử dụng. Nhà trường đã đóng cửa một khu vệ sinh vì không có nước để chà rửa, lau dọn. Nhà trường cũng được UBND phường hỗ trợ cấp 4m3 nước mỗi tuần nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nhà trường”, bà Hoàn chia sẻ.
Sau khi bơm khoảng 5 phút, giếng nước tại Trường tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo cạn kiệt nguồn nước
Còn tại điểm trường THCS được bố trí 3 giếng nước trong đó có 2 giếng khoan và 1 giếng đào nhưng nhiều ngày nay, cả 3 giếng đều cạn nước, nhà trường phải xin nước từ một nhà thờ ở gần đó để sử dụng.
Ông Đường Quốc Cường, Phó chủ tịch UBND P.Trần Hưng Đạo cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 40 giếng nước bị cạn do nắng nóng. Để phục vụ nhu cầu của người dân, phường đã triển khai đặt 3 bồn nước sạch (mỗi bồn 1.000 lít) ở các khu vực thiếu nước.
“Phường luôn cắt cử người đi kiểm tra thường xuyên tại các điểm này, nếu hết nước sẽ cử người đến bơm nước phục vụ người dân. Trong thời gian tới để ứng phó với tình hình hạn hán, phường đã chuẩn bị nhiều bồn chứa nước. Nếu khu vực nào thiếu nước địa phương sẽ bố trí ngay bồn nước ở khu vực đó với phương châm không để người dân khát nước sạch”, ông Cường nói.
Theo UBND TP.Kon Tum, trên địa bàn hiện có 127 giếng đào bị khô cạn, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của 126 hộ dân tại xã Hòa Bình, P.Trần Hưng Đạo và Trường tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, khoảng 870 ha cây trồng (khoảng 445 ha lúa và 425 ha cà phê) có khả năng bị thiếu nước, khô hạn nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/nang-nong-lam-can-kiet-nuoc-sach-nguoi-dan-kho-so-di-xin-nuoc-dung-185240421093937043.htm