Lan tỏa tinh hoa của nghệ thuật múa

2

baokontum.com.vn

Trong 3 ngày (từ 13-15/10), Tuần lễ Múa Việt Nam 2024- Vietnam Dance Week 2024 với chủ đề “Dòng sông ánh sáng” do UBND tỉnh phối hợp Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức đã kết thúc thành công tốt đẹp.

162810Tu%E1%BA%A7n%20l%E1%BB%85%20M%C3%BAa%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%202024%20h%E1%BB%99i%20t%E1%BB%A5%20%C4%91a%20s%E1%BA%AFc%20m%C3%A0u%20c%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BB%93ng%20c%C3%A1c%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20tr%C3%AAn%20c%E1%BA%A3%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 hội tụ đa sắc màu cộng đồng các dân tộc trên cả nước. Ảnh: HT

 

Âm vang của sự kiện đã lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa, đưa nó vào đời sống xã hội, góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tuần lễ Múa Việt Nam là sự kiện nghệ thuật múa thường niên lớn, có phạm vi toàn quốc, mang tính quốc gia và quốc tế.

Trong lần thứ II diễn ra, Ban Tổ chức lựa chọn tỉnh Kon Tum là nơi đăng cai với mong muốn tạo không gian biểu diễn ấn tượng, đậm chất Tây Nguyên. Qua đó, góp phần quảng bá, thu hút bạn bè và du khách gần xa biết đến Kon Tum- nơi còn gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ đậm chất Tây Nguyên và quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng phát triển du lịch.

Với tinh thần đó, ngay trong sự kiện mở màn, mọi người đã được “mãn nhãn” với màn công diễn vở múa SeSan- Dòng sông ánh sáng được lấy cảm hứng từ đất và người Kon Tum. Với nhiều đặc trưng trong trang phục, bối cảnh và nghệ thuật diễn tấu của cộng đồng các DTTS, tiết mục đã thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc. Qua đó, gửi gắm những tình cảm tốt đẹp, ước vọng về cuộc sống hòa bình, ấm no, chan hòa với thiên nhiên.

Bên cạnh đó, Cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm với nhiều “sắc màu hội tụ”. Các tác phẩm dự thi mang đến “những sắc màu hóa truyền thống” đặc sắc của các dân tộc trên cả nước làm mê đắm những người đến thưởng thức nghệ thuật. Qua đó, đem đến thông điệp giàu ý nghĩa, góp phần tôn vinh, lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng, điểm tựa cho sáng tạo nghệ thuật.

Các biên đạo múa đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để dàn dựng nên những tác phẩm múa công phu; các nghệ sĩ, diễn viên say mê tập luyện, biểu diễn đầy cảm xúc góp phần làm nên sự thành công của các tác phẩm múa tham gia Cuộc thi lần này.

Lấy cảm hứng từ thảm họa lũ quét tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), tác phẩm Chuông mơ của chị Tống Mai Len (biên đạo múa, Công ty Phát triển nghệ thuật HT MEDIA) đã truyền đi thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, kết hợp với nhiều động tác múa, di chuyển phong phú, thể hiện sự khỏe khoắn, dẻo dai của chàng trai, cô gái dân tộc H’Mông.

Chị Tống Mai Len chia sẻ: Lấy cảm hứng từ cơn bão số 3 vừa qua, đặc biệt là thảm họa tại thôn Lảng Nủ, tôi muốn gửi gắm đến mọi người thông điệp “hãy yêu thương nhau khi còn có thể”, biết trân trọng những kỷ niệm, tình yêu chúng ta có được mỗi ngày… Với những động tác, trang phục mang đậm bản sắc của người H’Mông, tôi đã phá cách một chút trong thiết kế, dàn dựng để mang lại nét hiện đại, gần gũi hơn với công chúng.

162846T%C3%A1c%20ph%E1%BA%A9m%20%E2%80%9CTrao%20truy%E1%BB%81n%E2%80%9D%20c%E1%BB%A7a%20NS%C6%AFT%20Ph%E1%BA%A1m%20V%C4%83n%20H%C3%A2n%20%C4%91%C3%A3%20%C4%91%E1%BA%A1t%20gi%E1%BA%A3i%20B%20t%E1%BA%A1i%20Cu%E1%BB%99c%20thi%20T%C3%A1c%20ph%E1%BA%A9m%20m%C3%BAa%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%202024

Tác phẩm “Trao truyền” của NSƯT Phạm Văn Hân đã đạt giải B tại Cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam 2024. Ảnh: HT

 

Tại Hội thi lần này, tỉnh Kon Tum tham gia 2 tiết mục là: tác phẩm “Trao truyền” (Ba Na kết hợp hiện đại) do Nghệ sĩ ưu tú Phạm Văn Hân (Phó Chủ tịch Hội VHNT, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) biên đạo và tác phẩm “Mừng lúa mới” (Gié- Triêng kết hợp hiện đại) do tác giả Nguyễn Công Trí (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) biên đạo.

Các tác phẩm này mang đậm bản sắc truyền thống các DTTS tại chỗ, để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách đến xem. Trong đó, tác phẩm “Trao truyền” của NSƯT Phạm Văn Hân đạt giải B tại Cuộc thi.

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Hân cho biết: Đây là “cuộc chơi” về nghệ thuật, mỗi nhà biên đạo, nhà sáng tác phải mang những gì tinh túy nhất của địa phương, dân tộc mình đến cho bạn bè khắp nơi, giúp họ thêm hiểu và yêu quý con người, văn hóa, mảnh đất quê hương. Bởi vậy, hai tác phẩm chúng tôi lựa chọn biên đạo, dàn dựng cũng với mong muốn quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người, bản sắc văn hoá phong phú, độc đáo của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo, khuyến khích các nghệ sĩ, biên đạo sáng tác nhiều hơn các tác phẩm mang những đặc trưng văn hóa của vùng đất Kon Tum.

Sau những phần trình diễn đầy nghệ thuật, sôi động, “đa sắc màu văn hóa” của cộng đồng các dân tộc, trong khuôn khổ Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 diễn ra Hội thảo khoa học “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”. Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở, đầy tính chia sẻ giữa các biên đạo, nghệ sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực múa.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phan Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết, Hội thảo là dịp giúp mọi người có cái nhìn tổng thể về loại hình múa dân tộc, dân gian trong nền múa đương đại hiện nay. Qua đó, khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa truyền thống đối với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đáp ứng yều cầu xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

“Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2024 tại Kon Tum đã thành công tốt đẹp. Qua sự kiện lần này, giúp đội ngũ các chuyên gia, nghệ sĩ trong lĩnh vực múa có cái nhìn toàn diện, định hướng và nâng cao chất lượng của các hoạt động nghệ thuật múa; trong đó, đặc biệt chú trọng 4 lĩnh vực: sáng tác, lý luận, đào tạo và biểu diễn gắn với yếu tố gốc. Qua đó, ngày càng có thêm nhiều tác phẩm múa có giá trị về nội dung, hình thức với chất lượng cao, ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tính tiên tiến của thời đại”- ông Phan Anh Phương cho biết thêm.

Ông Đinh Su Giang, Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh cho biết: Ngày hội đã khép lại, nhưng những dư âm về “sắc màu văn hóa” của các dân tộc vẫn còn mãi. Từ thành công của sự kiện lần này, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động sáng tác, quảng bá, tổ chức các cuộc thi, hội thảo để tạo sân chơi bổ ích cho các văn nghệ sĩ. Trong đó, chú trọng đặc biệt đến các yếu tố truyền thống, nền sử thi đồ sộ của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/lan-toa-tinh-hoa-cua-nghe-thuat-mua-43538.html