Kon Tum lại 'nóng' chuyện phá rừng làm nương rẫy

20

thanhnien.vn

Tình trạng phá rừng lấy đất trồng cây khiến diện tích rừng ở Kon Tum liên tục bị bào mòn, xâm hại. Việc để mất rừng trong thời gian dài chứng tỏ công tác tuần tra, bảo vệ không thường xuyên.

Kon Tum lại 'nóng' chuyện phá rừng làm nương rẫy- Ảnh 1.

Vụ phá rừng làm nương rẫy xảy ra tại xã Đăk Pxi (H.Đăk Hà, Kon Tum)

Xét xử hàng loạt vụ phá rừng lấy đất trồng cây

Ngày 17.11, TAND H.Đăk Hà (Kon Tum) xét xử sơ thẩm 5 bị cáo về tội hủy hoại rừng. Những người bị đưa ra xét xử gồm: A Pher, A Sun, A Lãi, A Nghĩ và A Thum (cùng trú tại xã Đăk Pxi, H.Đăk Hà).

Theo điều tra, khoảng tháng 3, trong khi đi rừng 5 bị cáo phát hiện mảnh đất tại lô 3a, lô 3b thuộc khoảnh 1, tiểu khu 337 (thuộc địa phận thôn Đăk Klong, xã Đăk Hring) tương đối bằng phẳng, thuận lợi để canh tác. Đây là diện tích rừng tự nhiên được giao cho UBND xã Đăk Hring và cộng đồng dân cư thôn Đăk Klong quản lý, bảo vệ.

Cả 5 bị cáo sau đó nảy sinh ý định phá rừng để lấy đất canh tác nên thống nhất chia phần diện tích đất rừng trên thành 5 phần rồi dùng dao rựa, cưa máy chặt phá cây rừng để trồng mì.

Kon Tum lại 'nóng' chuyện phá rừng làm nương rẫy- Ảnh 2.

5 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội hủy hoại rừng

Giữa tháng 4, UBND xã Đăk Hring tổ chức tuần tra phát hiện tại rừng tại khu vực trên có dấu hiệu bị chặt phá. Cơ quan chức năng xác định các bị cáo đã chặt phá và đốt cháy tổng diện tích gần 11.400 m2, khối lượng gỗ bị thiệt hại gần 44 m3, quy ra tiền trị giá trên 100 triệu đồng. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt mỗi bị cáo từ 20 – 24 tháng tù giam.

Trước đó, ngày 10.9, TAND H.Đăk Hà xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Võ Văn Khương cùng các đồng phạm về tội hủy hoại rừng.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu tháng 1, Lê Võ Văn Khương (trú xã Đăk Hring) thuê A Huk, A Khuy (trú xã Đăk Long, H.Đăk Hà), A Toang, Y Nen (trú xã Hơ Moong, H.Sa Thầy) đến khoảnh 9, tiểu khu 325, thuộc địa phận xã Đăk Pxi để chặt, phá cây rừng lấy đất trồng cây keo. Đây là diện tích rừng được Nhà nước giao cho hộ ông A Hlim và A Lip (trú tại xã Đăk Pxi, H.Đăk Hà) quản lý.

Các bị cáo gây thiệt hại 22.019,2 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Khối lượng gỗ thiệt hại là 94,383 m3 có trị giá trên 218 triệu đồng.

Đến khoảng tháng 3, cơ quan chức năng phát hiện sự việc và điều tra. Làm việc với cơ quan công an, các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo từ 12 đến 45 tháng tù giam.

Kon Tum lại 'nóng' chuyện phá rừng làm nương rẫy- Ảnh 3.

Phá rừng làm nương rẫy chủ yếu xảy ra vào dịp đầu năm khi chuẩn bị bước vào mùa mưa

Trước đó, ngày 28.8, TAND H.Tu Mơ Rông xét xử sơ thẩm A Nhe, A Nhan và A Thọ (cùng trú xã Đăk Sao, H.Tu Mơ Rông) về tội hủy hoại rừng.

Khoảng đầu tháng 3, A Nhe nảy sinh ý định phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp nên rủ A Nhan và A Thọ, cả 2 đồng ý. Sau khi thống nhất, A Nhe, A Nhan, A Thọ đi đến các lô 6, lô 32 khoảnh 8 tiểu khu 210 rừng tự nhiên thuộc địa phận xã Đăk Sao. Đây là lâm phần được Nhà nước giao cho các hộ dân tại thôn Kạch Lớn 2 (xã Đăk Sao) quản lý, bảo vệ.

Sau khi các bị cáo phát dọn hơn 14.700 m2 rừng thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Quá trình xác minh, điều tra, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo từ 6 tháng đến 2 năm tù giam.

11 ha rừng biến mất

Trong tháng 10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm H.Đăk Glei tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ 11,6 ha rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Glei biến mất.

Qua kiểm tra, tại tiểu khu 27, 48 và 100 thuộc lâm phần của công ty có 11,6 ha rừng trồng biến mất. Đây là diện tích rừng trồng từ năm 2014 đến 2015, đã được nghiệm thu.

Trong 11,6 ha rừng bị mất, có 5,3 ha đất trống, 1,1 ha cây rừng tự nhiên tái sinh. 5,2 ha còn lại đang trồng lúa, mì, cà phê. Đây là diện tích mà 12 hộ dân đang lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.

Kon Tum lại 'nóng' chuyện phá rừng làm nương rẫy- Ảnh 4.

Người dân lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Glei quản lý để trồng mì

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Glei lý giải nguyên nhân rừng bị mất, do hằng năm mưa bão, sạt lở, nắng hạn, sâu bệnh, diện tích trồng ở địa hình dốc cao và nhiều sỏi đá nên mật độ cây trồng sống thấp… Một số diện tích trồng gần các bãi chăn thả gia súc của thôn làng nên bị trâu bò phá hoại hoặc giáp với nương rẫy của người dân thường bị cơi nới kéo dài trong nhiều năm cũng làm giảm diện tích rừng.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Glei cho biết, đơn vị sẽ xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân của lực lượng bảo vệ rừng và của người nhân nhận khoán bảo vệ rừng. Song song đó, đơn vị sẽ phải trồng lại rừng trên diện tích bị mất và suy giảm. Đơn vị này sẽ không dùng tiền của ngân sách để trồng lại rừng.

“Để bảo vệ rừng, công ty sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức cho người dân ký cam kết không được xâm phạm vào rừng trồng. Công ty cũng sẽ tổ chức tuyên truyền đối với các khu dân cư có diện tích canh tác gần rừng và xử lý nghiêm nếu người dân cố tình vi phạm. Đồng thời xác định rõ ranh giới, cắm mốc giữa diện tích rừng và đất rẫy của người dân để không bị người dân xâm canh lên đất rừng”, ông Hùng cho biết thêm.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/kon-tum-lai-nong-chuyen-pha-rung-lam-nuong-ray-185241118105351461.htm