Hà Nội không có trạm đo rung lắc động đất, chuyên gia lên tiếng cảnh báo

6

thanhnien.vn

142 trận động đất trong nửa năm

Trong cuộc họp báo định kỳ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam diễn ra chiều nay 12.7, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc theo dõi động đất. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, hiện Hà Nội chưa có một trạm theo dõi, quan sát động đất nào, trong khi đây là địa bàn nếu có động đất, dù nhỏ, sẽ gây thiệt hại lớn.

Hà Nội không có trạm đo rung lắc động đất, chuyên gia lên tiếng cảnh báo- Ảnh 1.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, chia sẻ thông tin liên quan tới việc theo dõi động đất tại cuộc họp báo

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, từ ngày 1.1 – 10.7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được 142 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 đến 4,1 độ Richter trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, có 24 trận động đất với độ lớn từ 3,5 độ Richter (theo quy định của Chính phủ thì những trận động đất này phải được thông báo rộng rãi tới các cơ quan truyền thông đại chúng). Đặc biệt, ngày 25.3, khu vực H.Mỹ Đức (Hà Nội) xảy ra trận động đất có độ lớn 4 độ Richter.

Phần lớn các trận động đất xảy ra chủ yếu là động đất kích thích, liên quan tới việc vận hành các nhà máy thủy điện, mà tỷ lệ lớn xảy ra ở khu vực H.Kon Plong (Kon Tum). Trong tổng số 142 trận ghi động đất Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần ghi nhận được, chỉ có 10 trận là động đất tự nhiên.

Các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động

TS Nguyễn Xuân Anh giải thích: “Động đất tự nhiên là động đất tại các vùng đứt gãy. Các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động ở sâu trong lòng đất. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất. Hiện nay, trên cả nước có hàng chục vùng đứt gãy.

Động đất càng lớn thì chu kỳ lặp lại càng dài. Ví dụ những trận động đất 6,7 – 6,8 độ Richter trên Tây Bắc đã từng xảy ra năm 1935, lần tiếp theo là năm 1983, nghĩa là sau mấy chục năm mới xảy ra. Những trận động đất lớn hơn, chẳng hạn như trận ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm ngoái (7,8 độ Richter) thì cả trăm năm mới lặp lại.

Những trận động đất nhỏ dưới 4 độ Richter thì chu kỳ lặp lại nhanh hơn”.

Hà Nội không có trạm đo rung lắc động đất, chuyên gia lên tiếng cảnh báo- Ảnh 2.

Trận động đất sáng 25.3 tại khu vực H.Mỹ Đức (Hà Nội) đã gây sạt lở núi khiến căn bếp một hộ dân tại H.Lương Sơn (Hòa Bình) bị sập hoàn toàn

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, hiện Viện Vật lý địa cầu có khoảng 40 trạm địa chấn quốc gia, mỗi trạm cách nhau khoảng 100 – 200 km. Theo đó, chúng ta có khả năng ghi nhận những trận động đất trên 3,5 độ Richter trên toàn lãnh thổ. Động đất ở Hà Nội được các nhà khoa học ghi nhận dựa vào các trạm quốc gia ở Hòa Bình, Bắc Giang…

Ở các khu vực trọng yếu như đập hồ thủy điện hoặc nơi có những công trình quốc gia quan trọng (như ở Kon Tum, Tây Bắc), Viện Vật lý địa cầu có mạng trạm, khoảng cách giữa trạm này tới trạm kia là khoảng 10 – 20 km. Đây là những trạm địa phương. Với nơi có mạng trạm, các nhà khoa học có thể ghi nhận được những trận động đất nhỏ hơn, từ 1 độ Richter.

Việc đặt các mạng trạm này nhằm giúp các nhà khoa học có căn cứ đánh giá hoạt động động đất, đánh giá những mối liên hệ giữa động đất và những hoạt động địa chất kiến tạo, rồi mức độ tích nước… Tất cả những yếu tố này rất quan trọng trong việc đánh giá an toàn đập thủy điện.

Hà Nội chưa có trạm đo rung lắc nào

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Anh, trận động đất xảy ra ở khu vực H.Mỹ Đức (Hà Nội) hôm 25.3 là động đất tự nhiên, do Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng – sông Lô – sông Chảy.

Trong khoảng vài chục năm gần đây, thỉnh thoảng người dân ở một số khu vực Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc, là do chịu ảnh hưởng của các trận động đất xảy ra nơi xa, như từ Thái Lan, Lào, Vân Nam – Trung Quốc, hoặc gần hơn có Sơn La.

Hà Nội không có trạm đo rung lắc động đất, chuyên gia lên tiếng cảnh báo- Ảnh 3.

Trận động đất sáng 25.3 tại khu vực H.Mỹ Đức (Hà Nội) khiến chuồng dê của một hộ dân ở H.Lương Sơn (Hòa Bình) bị sập

Riêng trận động tại H.Mỹ Đức ngày 25.3, với vùng đứt gãy sông Hồng – sông Chảy, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận trong quá khứ đã xảy ra những trận động đất trên 5 độ Richter (5,1 – 5,6 độ Richter) trong thời gian khoảng vài chục năm gần đây. Điều đó cho thấy động đất vẫn xảy ra ở đới đứt gãy.

“Viện Vật lý địa cầu rất muốn trong thời gian tới được làm lại bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất, đồng thời thực hiện việc đánh giá rủi ro động đất. Vì những rủi ro trong động đất có yếu tố chi phối là hoạt động xây dựng.

Với những nơi mà dân cư đông đúc như Hà Nội thì chỉ cần trận động đất nhỏ cũng có khả năng gây thiệt hại lớn. Cho nên khả năng động đất gây thiệt hại cho những khu vực đông dân cư, những công trình quan trọng của đất nước như thế nào, cần phải rà soát, đánh giá”, TS Nguyễn Xuân Anh lưu ý.

Một thực tế khác, Hà Nội hiện chưa có trạm quan sát nào để đo độ rung lắc các tòa nhà cao tầng. TS Nguyễn Xuân Anh đề xuất: “Hà Nội nên lắp đặt những hệ thống quan sát ở những nhà cao tầng ở một số khu vực nguy hiểm để ta có thể lượng hóa được hoạt động động đất.

Vừa qua, để phân tích các trận động đất ở H.Mỹ Đức, Hà Nội hoặc ở các vùng có dân cư khác, chúng ta phải dựa vào thông tin của người dân, quan sát từ các camera do dân lắp đặt. Viện Vật lý địa cầu mong muốn triển khai được một hệ thống quan sát để các nhà khoa học có thể biết được, đánh giá được một cách định lượng về rung lắc do các trận động đất gây ra”.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/ha-noi-khong-co-tram-do-rung-lac-dong-dat-chuyen-gia-len-tieng-canh-bao-185240712195030131.htm