Gặp gỡ những “nghệ nhân nhí” trong Tuần Văn hóa – Du lịch

10

baokontum.com.vn

Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 (gọi tắt là Tuần Văn hóa – Du lịch) có hàng nghìn nghệ nhân tham gia, trong đó, có nhiều “nghệ nhân nhí” góp mặt tạo sức hút và thích thú với du khách. Các “nghệ nhân nhí” với lối biểu diễn hồn nhiên đã thêm phần sinh động cho ngày hội và đem lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem.

Với 10 đoàn đến từ các huyện, thành phố tham gia Tuần Văn hóa – Du lịch đều có sự xuất hiện của những “nghệ nhân nhí” biểu diễn. Các “nghệ nhân nhí” đã đem đến một không gian văn hóa mới đầy thú vị. Những màn trình diễn luôn thu hút dõi theo của đông đảo người dân và du khách.

Trong các đoàn về tham dự Tuần Văn hóa – Du lịch, nhiều khán giả rất bất ngờ và có ấn tượng sâu sắc khi thưởng thức những bước chân uyển chuyển cùng tiếng trống, cồng chiêng mạnh mẽ của các “nghệ nhân nhí” đến từ Đoàn huyện Đăk Hà. Trong không gian đậm chất Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng xen lẫn tiếng hú được phối hợp nhịp nhàng với những bước chân nâng lên hạ xuống của các “nghệ nhân nhí”, mang vẻ đẹp riêng của chàng trai Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na).

164025C%C3%A1c%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20nh%C3%AD%20%C4%91%C3%A3%20%C4%91em%20%C4%91%E1%BA%BFn%20nh%E1%BB%AFng%20lu%E1%BB%93ng%20sinh%20kh%C3%AD%20m%E1%BB%9Bi,%20s%E1%BA%AFc%20m%C3%A0u%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20sinh%20%C4%91%E1%BB%99ng%20t%E1%BA%A1i%20Tu%E1%BA%A7n%20V%C4%83n%20h%C3%B3a%20 %20Du%20l%E1%BB%8Bch

Các nghệ nhân nhí đã đem đến những luồng sinh khí mới, sắc màu văn hóa sinh động tại Tuần Văn hóa – Du lịch. Ảnh: NS

 

Dòng người đổ về nhà rông Kon Klor càng đông, tiếng cổ vũ, tán thưởng càng nhiều, các “nghệ nhân nhí” càng được tiếp thêm niềm hứng khởi trong từng nhịp chiêng, điệu múa, tiếng đàn. Nhận được cảm tình đặc biệt từ phía khán giả là em A Thơi (11 tuổi, Đoàn huyện Đăk Hà) biểu diễn hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng “Mừng nhà rông mới” cùng đội nghệ nhân một cách thuần thục, khiến khán giả xuýt xoa, không thể rời mắt.

A Thơi được nhiều người nhận xét là ít nói, nhưng khi thả mình trong không gian của Tuần Văn hóa – Du lịch,“nghệ nhân nhí” này lại rất tự tin, điềm tĩnh “nhả” những thanh âm cồng chiêng tròn trịa, khiến người nghe thật sự kinh ngạc.

Được biết, ngay từ khi học mẫu giáo, em A Thơi có thể nhẩm nhịp, ngân nga theo giai điệu của cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống mà người lớn trong làng vẫn thường chơi. Nhờ có năng khiếu và kiên trì luyện tập, chẳng mấy chốc, em đã trình diễn được nhiều bài cồng chiêng, đing pút. Từ năm 9 tuổi, em được làng chọn vào đội cồng chiêng và thường xuyên tham gia hội thi do các cấp, ngành tổ chức. Nhờ vậy, kinh nghiệm, kỹ thuật chơi cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống của A Thơi lại điêu luyện và chuyên nghiệp đến vậy.

“Tham gia Tuần Văn hóa – Du lịch em học hỏi rất nhiều về kỹ thuật đánh chiêng, chỉnh chiêng từ nghệ nhân của các đoàn. Những ngày qua, em đã cố gắng biểu diễn những bài cồng chiêng hay nhất cho mọi người thưởng thức và được vỗ tay khen nhiều lắm”- em A Thơi chia sẻ.

Phần trình diễn cồng chiêng, xoang của đội nghệ nhân làng Đăk Xô (Đoàn huyện Kon Plông) cũng thu hút vòng tròn thưởng lãm ngày một lớn khi có sự góp vui của hai “nghệ nhân nhí” Y Kươm (12 tuổi) và Y Kiếp (12 tuổi) biểu diễn điệu xoang uyển chuyển, mềm mại, thướt tha. Hai nghệ nhân nhí này là đôi bạn học cùng lớp của Trường THCS xã Hiếu (huyện Kon Plông).

Em Y Kươm và Y Kiếp cùng đội nghệ nhân trình diễn điệu xoang truyền thống của dân tộc. Ảnh: NS

 

Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng hai em đã có nhiều năm tham gia đội cồng chiêng của làng. Bên cạnh đó, từ bé, các em theo cha mẹ trình diễn cồng chiêng, xoang nên khi tham gia Tuần Văn hóa – Du lịch biểu diễn rất tự tin trước khán giả.

Em Y Kiếp cho biết: Em đam mê múa xoang từ khi còn rất nhỏ. Niềm đam mê múa xoang lớn dần lên trong những dịp em cùng gia đình tham gia các lễ hội làng như Lễ cúng mừng kho lúa, Lễ về nhà mới, đám cưới.

Còn em Y Kươm chia sẻ: Em học múa xoang từ khi 10 tuổi. Bắt đầu là những động tác đơn giản, dần dần mới chuyển sang các động tác khó hơn. Mẹ là nghệ nhân múa xoang của xã, là người truyền cảm hứng và chỉ dẫn cho em.

Để bảo tồn và phát huy những điệu múa xoang của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), Y Kươm và Y Kiếp đã truyền dạy, tập luyện cho nhiều bạn trẻ thích múa xoang trong làng và trường học. Múa xoang là thông điệp về tình đoàn kết của bà con dân làng, giá trị bản sắc văn hóa độc đáo đó đang được những người trẻ như hai em gìn giữ, phát huy.

Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng phong cách biểu diễn ngẫu hứng, phóng khoáng, mạnh mẽ, đậm chất Tây Nguyên trên sân khấu, đó là nhận xét của nhiều khán giả khi xem em A Thảo Dương (13 tuổi, Đoàn huyện Sa Thầy) đánh trống da dẫn đầu đội cồng chiêng, xoang trong tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng tại Tuần Văn hóa – Du lịch.

Em A Thảo Dương sinh ra, lớn lên trong gia đình có cha và ông nội là nghệ nhân cồng chiêng, chế tác – chơi nhạc cụ truyền thống. Em đã được hai người truyền dạy, chỉ dẫn rất nhiều về 2 nhạc cụ này. Thế nhưng với trống da, em lại học “lỏm” từ các thế hệ lớn tuổi ở làng qua những lần đi xem biểu diễn cồng chiêng. Sau này, khi thấy Dương đam mê đánh trống da, nghệ nhân cùng làng là A Pyưm đã chỉ dạy thêm, giúp em có cơ hội hoàn thiện kỹ năng trình diễn.

“Lúc đầu, mới tập đánh trống tay em ê ẩm, mỏi lắm. Em tính không theo nữa, nhưng ông A Pyưm động viên cố gắng tập, vì bây giờ ít người trẻ theo học. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của ông A Pyưm, giờ đây em đã biết đánh trống theo các bài chiêng truyền thống của dân tộc như: Mừng nhà rông mới, Mừng mùa màng bội thu”- em A Thảo Dương cho hay.

Với Tuần Văn hóa – Du lịch năm nay, em A Thảo Dương mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa, những phong tục truyền thống của người Gia Rai huyện Sa Thầy để giao lưu, học hỏi với các dân tộc khác.

Có thể thấy, điểm chung của các “nghệ nhân nhí” là yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mong muốn vốn quý đó luôn cuộn chảy, lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, Tuần Văn hóa – Du lịch lần này là dịp để các “nghệ nhân nhí” có điều kiện để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tích lũy thêm vốn sống và cùng nhau gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trường tồn mãi.            

Nay Săt


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/gap-go-nhung-nghe-nhan-nhi-trong-tuan-van-hoa-du-lich-44597.html