Du lịch đặc sản giúp nâng tầm du lịch Tu Mơ Rông

3

baokontum.com.vn

Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum với tỷ lệ đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Huyện có tiềm năng để phát triển du lịch. Đó là những ngôi rừng nguyên sinh rộng ngút ngàn, những đồi săn mây uốn lượn, hệ thống ruộng bậc thang trải dài, những con thác tuyệt đẹp như thác công chúa Siu Puông, thác 7 tầng, thác Đa Tầng, thác Tea Prông. Đặc biệt, là kho tàng văn hóa đồng bào Xơ Đăng độc đáo và vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới.

Phát huy tiềm năng đó, huyện tập trung chỉ đạo, định hướng mô hình phát triển theo hướng “quản lý, bảo vệ phát triển rừng; trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch” để phát triển kinh tế xã hội bền vững và vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá đồng bào Xơ Đăng, vừa giúp người dân thoát nghèo. Trong 4 năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai hàng loạt các chính sách để biến tiềm năng thiên nhiên ban tặng vốn đang “ngủ quên” và cây đặc sản sâm Ngọc Linh thành sản phẩm du lịch độc đáo, được du khách nồng nhiệt đón nhận.

Đầu tiên bắt tay xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh địa phương. Đó là mô hình du lịch trải nghiệm thác, mô hình du lịch dã ngoại, picnic, cắm trại, tham quan các di tích, làng du lịch cộng đồng. Đặc biệt, huyện dành nhiều tâm huyết để xây dựng đặc sản du lịch mang nét riêng, độc nhất vô nhị là tham quan vườn sâm Ngọc Linh, tương lai hơn nữa là du lịch chăm sóc sức khỏe từ miền quốc bảo. Mô hình này đã và đang từng bước hình thành. Như trước kia, bà con thường cấm cản người dân vào vườn tham quan thì nay đã biết phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành tour du lịch vườn sâm, tạo ra 1 sản phẩm du lịch đặc hữu của tỉnh và là nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.

173317Phi%C3%AAn%20ch%E1%BB%A3%20S%C3%A2m%20Ng%E1%BB%8Dc%20Linh,%20c%C3%A1c%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20%C4%91%E1%BA%B7c%20h%E1%BB%AFu%20n%C4%83m%202022%20%C4%91%C3%A3%20thu%20h%C3%BAt%20h%C6%A1n%205000%20du%20kh%C3%A1ch%20%C4%91%E1%BA%BFn%20tham%20quan,%20mua%20s%E1%BA%AFm.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu năm 2022 đã thu hút hơn 5.000 du khách đến tham quan, mua sắm. Ảnh: V.T.M

 

Sau khi xây dựng được các sản phẩm du lịch, huyện bắt tay với các đơn vị lữ hành để đưa địa danh Tu Mơ Rông vào các tour khai thác du lịch; hợp tác với Tổng cục Du lịch để phát triển, nâng tầm du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cử đồng bào Xơ Đăng vào Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo phục vụ du lịch. Nhờ đó, từ chỗ sinh sau, đẻ muộn, ít ai biết, từ con số không về du lịch, nay thương hiệu du lịch Tu Mơ Rông đã được khắp nơi biết đến, trở thành điểm nghỉ dưỡng thu hút du khách.

Điều phấn khởi là, khách đến Tu Mơ Rông có tác động rất lớn đến việc tiếp tục phát triển vùng dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh và huyện Tu Mơ Rông lan tỏa khắp cả nước và Quốc tế thông qua phiên chợ, hội thảo, hội thi quốc tế về ẩm thực. Nếu như năm 2022, người dân, doanh nghiệp chưa tin phiên chợ sẽ tiêu thụ được sâm và dược liệu thì sau phiên chợ với doanh thu hơn 30 tỷ, người dân thay vì trông chờ ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước đã thay đổi tư duy và chủ động vay hàng trăm tỷ đồng để trồng dược liệu và sâm Ngọc Linh. Vì thế, diện tích sâm Ngọc Linh trong dân từ 23ha tăng lên gần 100ha.

173352kh%C3%A1ch%20du%20l%E1%BB%8Bch%20th%C4%83m%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20s%C3%A2m

Khách du lịch thăm vườn sâm. Ảnh: VTM

 

Phiên chợ không chỉ là điểm tham quan mà còn giúp du khách, người tiêu dùng niềm tin khi tự tay mua sâm thật để chăm sóc sức khoẻ mà không sợ bị lừa đảo, còn người dân thu lợi lớn từ việc bán sâm, phục vụ đoàn.

Đến nay, bước đầu đã hình thành các điểm du lịch cộng đồng Tu Thó, Lê Văn, Đăk Chum I và đã được Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng cho 10 em là người Xơ Đăng.

Bên cạnh đó, các hoạt động khôi phục bản sắc văn hóa như cồng chiêng, xoang, hát ting ting; các món ẩm thực truyền thống đặc sắc được phục hồi để phục du khách, nhiều món ăn khá đặc sắc như cá bống đuôi đỏ nướng lồ ô; ếch rừng xuyên tiêu; thịt heo nướng, bánh hỏi cuốn lá đuôi ếch; lẩu gà sâm dây; chuột “quý tộc”.

Sắp tới, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch với các đặc sản hiện có. Trong đó, sẽ chú trọng kết nối các tour khép kín theo trục Măng Đen – Tu Mơ Rông; Đăk Glei – Ngọc Hồi – Đăk Tô – Tu Mơ Rông, nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi vùng, qua đó, đa dạng hóa các loại hình hình du lịch, giúp mỗi vị khách đến Tu Mơ Rông đều hài lòng, trở thành đại sứ quảng bá du lịch cho Tu Mơ Rông.

Võ Trung Mạnh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/du-lich-dac-san-giup-nang-tam-du-lich-tu-mo-rong-44487.html