Dư chấn động đất: Kinh nghiệm ứng phó, cảnh báo, dự báo của Quảng Nam

12

thanhnien.vn

Chỉ trong 2 ngày 28 – 29.7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam) đã ghi nhận khoảng 32 trận động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum với cường độ nhỏ nhất 2,7 độ Richter, lớn nhất 5 độ Richter.

Trận động đất có độ lớn 5 độ Richter xảy ra tại huyện vùng cao H.Kon Plông (Kon Tum) được các chuyên gia xác nhận là trận động đất có cường độ lớn nhất ở tỉnh này từ trước đến nay.

Điều đáng nói, dư chấn từ trận động đất 5 độ Richter lan rộng, người dân ở TP.Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế cảm nhận rất rõ.

‘Đã quá quen với động đất’

Anh Hồ Văn Hội (35 tuổi, ở xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) cho biết trưa hôm qua 28.7, động đất xảy ra ở tỉnh Kon Tum nhưng người dân địa phương tại xã Trà Đốc lại cảm nhận độ rung chấn rất rõ.

“Xã Trà Đốc cũng là tâm chấn của các trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện từ trước đến nay. Hầu hết các trận động đất đều xảy ra xung quanh thủy điện Sông Tranh 2”, anh Hội nói.

Dư chấn động đất: Kinh nghiệm ứng phó, cảnh báo, dự báo của Quảng Nam- Ảnh 1.

Bản đồ địa chấn trận động đất 5 độ Richter xảy ra ở huyện vùng cao H.Kon Plông vào trưa 28.7

VIỆN VẬT LÝ ĐỊA CẦU

Theo anh Hội, mấy năm trước động đất liên tục xảy ra. Thời gian đầu, người dân cũng rất lo lắng, nhưng sau đó tần suất ngày càng nhiều nên dần dà người dân đã quen.

“Động đất xảy ra “như cơm bữa” và hết các trận động đất vừa qua không gây ra thiệt hại gì cho người dân mình cả”, anh Hội chia sẻ.

Ông Phạm Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy xã Trà Đốc, cũng cho biết trên địa bàn xã có Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, trước đây có xảy ra động đất kích thích, khoảng 2 năm nay ít xảy ra. “Nhưng địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, theo dõi, tập huấn, lên phương án ứng phó khi động đất xảy ra. Tại các buổi tập huấn, một số tình huống giả định đã được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn khi có động đất lớn xảy ra”, ông Cường nói.

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, cho hay dư chấn của các trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Kon Tum vào trưa qua 28.9 đã gây rung lắc ở nhiều nơi tại địa phương, qua kiểm tra không ghi nhận thiệt hại gì. 

“Người dân địa phương đã quá quen với động đất. Hiện địa phương cũng không có phương án để theo dõi diễn biến của đợt động đất lần này. Nhưng để người dân không lơ là với động đất, chính quyền huyện yêu cầu tập huấn, có phương án ứng phó trong trường hợp có động đất cường độ lớn xảy ra”, ông Vũ nói.

Khó ‘theo dõi’, nên chủ động cảnh báo

Ở địa bàn H.Nam Trà My (giáp ranh H.Bắc Trà My), người dân địa phương cũng đã quá quen thuộc với các trận động đất kích thích trước đó. 

Dư chấn động đất: Kinh nghiệm ứng phó, cảnh báo, dự báo của Quảng Nam- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân động đất kích thích từng xảy ra trên địa bàn Quảng Nam là do các hồ chứa tích nước gây nên

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho hay tính đến chiều nay (29.7), không có địa phương nào tại H.Nam Trà My ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do dư chấn từ các trận động đất ở Kon Tum. 

Đáng chú ý, mặc dù khá quen thuộc với động đất trong vài năm trở lại đây, nhưng công tác theo dõi vẫn có một số trở ngại. Bởi vì, với mưa lũ, sạt lở thì địa phương luôn có phương án chủ động phòng chống, riêng động đất thì không dễ.

“Chuyện theo dõi, ứng phó với động đất thì phải nhờ vào các ban, ngành của tỉnh, chứ huyện thì không biết theo dõi bằng cách nào vì không có máy móc”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cho biết không chỉ ở Kon Tum mà tại Quảng Nam, cụ thể là các huyện miền núi như Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn… thường xuyên xảy ra động đất.

Dư chấn động đất: Kinh nghiệm ứng phó, cảnh báo, dự báo của Quảng Nam- Ảnh 3.

Khu vực thủy điện Sông Tranh 2, nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất kích thích

“Các trận động đất lâu nay đều trong ngưỡng cho phép, địa phương cũng đã tuyên truyền để người dân chủ động nắm, sẵn sàng ứng phó”, ông Tý nói.

Ông Tý cũng thông tin, trong những năm 2017 – 2018, trên địa bàn các huyện miền núi liên tục xảy ra động đất nên ban đầu dư luận địa phương cũng khá hoang mang lo sợ. Nhưng sau đó, tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều kết luận đây là những trận động đất kích thích, không gây hậu quả gì, chủ yếu do các hồ chứa tích nước gây nên.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu hết sức lưu ý vấn đề quan trắc động đất, ngoài cảnh báo phải đưa ra dự báo; đặc biệt thường xuyên nắm thông tin, thông tin nhanh, kịp thời, chính xác…

“Để nắm được quy luật của địa chất là rất khó. Nhưng trước sự việc động đất liên tục xảy ra như hiện nay thì nên chăng cần có những cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia để phân tích rõ hơn hiện tượng này, từ đó tuyên truyền cho người dân hiểu hơn”, ông Tý kiến nghị.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/du-chan-dong-dat-kinh-nghiem-ung-pho-canh-bao-du-bao-cua-quang-nam-18524072915293945.htm