thanhnien.vn
Ngày 28.7, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 13 trận động đất xảy ra tại Kon Tum, trong đó đáng chú ý có trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay tại H.Kon Plông.
Lúc 11 giờ 35, tại H.Kon Plông xảy ra trận động đất mạnh 5 độ Richter, với mức độ rủi ro thiên tai cấp 2. Liền trước đó, cũng đã ghi nhận 3 trận động đất khác với cường độ lần lượt là 4,1, 3,3 và 3,4 độ Richter. Tổng cộng trong ngày 28.7 đã xảy ra 13 trận động đất, theo Viện Vật lý địa cầu. Trước đây, trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận tại Kon Tum có độ lớn 4,7 độ Richter, xảy ra vào ngày 23.8.2022.
Bản đồ rung chấn trận động đất cường độ 5 độ Richter
VIỆN VẬT LÝ ĐỊA CẦU
Tại khu vực tâm chấn, ông A Hương (ở thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, H.Kon Plông) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông cho biết dù đã trải qua nhiều trận động đất và cảm nhận rõ nhất những dư chấn, nhưng trận động đất hôm qua khiến ông lo lắng nhất, vì “nhà cửa rung lên bần bật, đồ vật trong nhà rơi vỡ”.
Rung lắc “cứ như nhà sập”
Không chỉ Kon Tum là tâm chấn động đất, người dân tại các tỉnh lân cận cũng cảm nhận được trận động đất mạnh 5 độ Richter xảy ra vào trưa 28.7.
Tại Quảng Ngãi, một cán bộ Công an xã Sơn Long (H.Sơn Tây) cho biết từ sáng sớm đến trưa 28.7, người dân địa phương chứng kiến ít nhất 3 lần rung lắc do ảnh hưởng động đất. Tại nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi, người dân cũng cảm nhận được rung lắc do ảnh hưởng của động đất.
Tại Bình Định, khoảng 11 giờ 36 ngày 28.7 nhiều người dân cảm nhận được sự rung chấn của mặt đất. Anh Lê Xuân Phước (TX.An Nhơn) cho biết vào thời điểm nói trên, tại TX.An Nhơn cảm nhận được rung chấn nhẹ. Trích xuất camera an ninh, đúng vào lúc 11 giờ 36 camera bị rung lắc do ảnh hưởng bởi động đất.
Người dân ở tỉnh Gia Lai cũng cảm nhận rõ rệt một cơn địa chấn nhẹ kéo dài trong khoảng 30 giây. Tuy chưa ghi nhận về thiệt hại nhưng nhiều người đều có chung cảm giác hoang mang.
Sau các trận động đất cường độ lớn (5 và 4,1 độ Richter) xảy ra ở Kon Tum, tại Quảng Nam, rung chấn lớn được ghi nhận tại huyện miền núi Nam Trà My (tiếp giáp với H.Kon Plông) và cả khu vực miền xuôi, miền biển. Đặc biệt, rung chấn lan rộng ra tới TP.Đà Nẵng và bên kia đèo Hải Vân thuộc địa bàn Thừa Thiên-Huế. Trưa 28.7, người dân ở các khu vực Q.Liên Chiểu, H.Hòa Vang, Q.Cẩm Lệ, Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) đồng loạt chia sẻ họ cảm nhận rất rõ rung chấn của động đất lúc 11 giờ 35…
Mảng tường của một hộ gia đình tại xã Đăk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum) bị vỡ toác sau động đất
Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang (H.Nam Trà My), cho hay: “Qua theo dõi, tôi biết động đất xảy ra ở H.Kon Plông, nhưng hầu hết người dân ở H.Nam Trà My đều cảm nhận rất rõ. Các trận động đất đều gây rung chấn mạnh, thời gian kéo dài hơn những trận động đất trước. Hiện địa phương chưa ghi nhận thiệt hại. Có thể nói, dư chấn từ trận động đất lan rộng chưa từng có”. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo UBND H.Nam Trà My cho hay người dân tại địa phương đã quá quen với động đất, vì trước đó hầu hết là động đất kích thích, cường độ nhỏ.
Khẩn trương đánh giá mức độ ảnh hưởng
Thời gian qua, trên địa bàn H.Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất có độ lớn từ 2,5 – 5 độ Richter. Theo các chuyên gia, động đất xảy ra tại H.Kon Plông là động đất kích thích. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động tích, xả nước của các thủy điện trên địa bàn làm thay đổi trường ứng suất trong khu vực, dẫn đến động đất.
Ngay sau khi trận động đất 5 độ Richter xảy ra ngày 28.7, UBND H.Kon Plông đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện khẩn trương xuống địa bàn, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra. Qua đó, phối hợp UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt tình hình, động viên người dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.
UBND H.Kon Plông cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, thị trấn tổng hợp, báo cáo nhanh thiệt hại, gửi Phòng NN-PTNT; tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ thiệt hại về cơ sở, vật chất và đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục gửi về UBND huyện để xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục…
Mưa to kéo dài gây động đất kích thích
Những trận động đất liên tục với cường độ mạnh ở Kon Tum đã gây rung lắc không chỉ những địa phương lân cận mà ảnh hưởng tới cả TP.HCM, khi nhiều người ở chung cư tại nhiều khu vực cảm nhận rung chấn.
Theo các chuyên gia, mưa to kéo dài tại khu vực Tây nguyên đã làm cho các hồ chứa thủy điện được làm đầy nhanh chóng gây nên những trận động đất kích thích, bao gồm cả trận động đất 5 độ Richter hiếm gặp hôm qua tại Kon Plông (Kon Tum). Những ngày trước đó cũng đã xảy ra một số trận động đất nhưng yếu hơn.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết liên tiếp xảy ra những trận động đất có cường độ khá mạnh trong ngày 28.7, do ở TP.HCM có nhiều nhà cao tầng nên có thể ở một số tòa nhà và vị trí người dân cảm nhận được dư chấn rung lắc, nhưng tác động có thể không lớn. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu vẫn tiếp tục theo dõi tình hình; sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, liên tục dự báo những tác động nếu có đến cộng đồng nên mọi người cần hết sức bình tĩnh.
Chí Nhân
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/dong-dat-manh-o-kon-tum-du-chan-lan-rong-chua-tung-co-185240728230352804.htm