Đi một ngày đàng học làm du lịch

6

baokontum.com.vn

Câu chuyện 20 hộ đồng bào DTTS ở làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông mạnh dạn bỏ tiền đi tham quan các làng du lịch cộng đồng các tỉnh phía Bắc để học hỏi và có cách làm du lịch cộng đồng hiệu quả là rất đáng trân trọng. Điều này cho thấy người dân nơi đây thay đổi rõ nét trong nếp nghĩ, cách làm và luôn thấm đẫm lời dạy cha ông xưa: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Thực tế cho thấy du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích có khoảng thời gian trải nghiệm với các hoạt động, cuộc sống của người dân ở các làng quê. Có cầu ắt có cung, người dân ở các địa phương đã dần khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng, phát triển các làng du lịch công đồng.

Và tất nhiên, không phải cứ phát huy tiềm năng, thế mạnh, rồi thành lập làng du lịch cộng đồng là du khách ồ ạt kéo về. Trong bối cảnh hầu như các địa phương trong cả nước đều chú trọng phát triển du lịch và lấy du lịch cộng đồng là loại hình ưu tiên phát triển thì một vấn đề mà các làng du lịch cộng đồng trăn trở chính là làm sao để có thể phục vụ cho du khách một cách tốt nhất, để du khách không chỉ đến một lần, mà còn quay trở lại lần hai, lần ba…

Vẻ đẹp yên bình của làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Ảnh: N.P

 

Hiện nay, 100% làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều ở vùng đồng bào DTTS. Bà con vốn chưa quen với đời sống tiện nghi, chưa quen với việc giao tiếp, giới thiệu cho du khách hiểu thêm về phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa của làng, chưa quen với việc bỏ nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển du lịch và càng chưa quen với việc làm chủ một homestay, nên để thật sự phát huy được hiệu quả không phải là chuyện dễ.

Bởi vậy, việc 20 người dân ở Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm, chủ động góp tiền, khăn gói đến các làng du lịch cộng đồng ở phía Bắc học hỏi cách làm rất đáng trân trọng.

Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều làng có cảnh quan thiên nhiên nhiên đẹp, lưu giữ được những giá trị văn hóa từ lâu đời, rất có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, nếu được phát triển đúng hướng và quản lý tốt. Và thực tế cho thấy, với tiềm năng sẵn có về cảnh quan, về giá trị văn hóa, nhiều làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như Vi Rơ Ngheo, Kon Pring (Kon Plông), Kon Ktu, Kon Jơ Dri (thành phố Kon Tum) đã chạm tới những cảm xúc của du khách và thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Và tất nhiên như đã nói việc thấm đẫm triết lý đi một ngày đàng, chủ động học hỏi để phát triển làng du lịch cộng đồng là hết sức cần thiết nhưng không  thể rập khuôn, máy móc, đồng nhất, thiếu chọn lọc dẫn đến việc cho ra đời những làng du lịch cộng đồng na ná nhau, thiếu sức hấp dẫn và hệ lụy tất yếu dẫn đến là làng du lịch cộng đồng nhưng lại thiếu vắng khách du lịch, là những homestay “đắp chiếu”.

Du khách đến thăm làng du lịch cộng đồng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ảnh: NP

 

Học hỏi ở đây chính là học kinh nghiệm tổ chức, sắp xếp, quản lý và cách làm du lịch sao cho hiệu quả. Địa phương này học hỏi địa phương kia, làng du lịch này học hỏi làng du lịch kia, nhà này học hỏi nhà kia chính là học hỏi về cung cách phục vụ, hướng dẫn du khách tham quan, về việc làm sao vừa bảo tồn, giữ gìn được cảnh quan tự nhiên và những nét đẹp văn hóa từ lâu đời của làng, vừa đầu tư cơ sở vật chất tiện nghi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ví dụ như cũng là ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào DTTS nhưng qua học hỏi kinh nghiệm từ các làng du lịch cộng đồng các tỉnh phía Bắc, người dân ở làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo đã biết cải tạo, nâng cấp, chuyển hóa công năng thành nơi lưu trú đẹp đẽ, tiện nghi. Người dân biết cách hướng dẫn du khách tham quan, khám phá, tổ chức biểu diễn cồng chiêng, xoang, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Nói đến việc tổ chức biểu diễn cồng chiêng, xoang phục vụ du khách, lại nhớ lần được đến tham quan một làng du lịch cộng đồng của người Cơ Ho ở tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ giới thiệu cảnh quan, nét đẹp văn hóa của người Cơ Ho, mà qua chương trình biểu diễn cồng chiêng, xoang, người dân nơi đây còn hướng dẫn cho du khách học và sử dụng những câu nói thông dụng trong giao tiếp của người Cơ Ho như: Xin chào, cảm ơn, tạm biệt, tuyệt vời, thương yêu, rồi được học và trực tiếp múa xoang, biểu diễn cồng chiêng qua các hoạt động tập thể. Điều này khiến cho tất cả du khách về làng và tham dự buổi biểu diễn cồng chiêng, xoang tự cảm nhận mình trở thành chủ thể của làng. Du khách không chỉ dừng lại ngắm nhìn, thăm thú, mà còn trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được sự hào hứng, cũng như chạm được đến những giá trị văn hóa mà người làng gìn giữ, bảo tồn từ qua bao đời nay. Và khi trò chuyện với người dân ở làng, chúng tôi được biết việc tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong chương trình biểu diễn cồng chiêng, xoang đã được người dân trong làng khăn gói đi học hỏi từ các làng du lịch cộng đồng khác, sau đó vận dụng một cách sáng tạo để phù hợp với những nét đẹp văn hóa và đặc trưng của làng.

Không có một khuôn mẫu chung cho phát triển làng du lịch cộng đồng. Mỗi làng nắm bắt được tiềm năng, thế mạnh và nhất là phát huy được nét riêng có để xây dựng, phát triển. Và tất nhiên như đã nói, không thể chỉ dựa vào tiềm năng, vào thế mạnh, người dân ở các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phải tự thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không ngừng học hỏi những kỹ năng giao tiếp, cách thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chế biến món ăn, giữ gìn nét đẹp văn hóa, cảnh quan, môi trường, đảm bảo vệ sinh nơi ăn chốn ở để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút du khách là hết sức cần thiết.    

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/di-mot-ngay-dang-hoc-lam-du-lich-43045.html