Cao su Kon Tum phát triển bền vững sau 40 năm vượt khó

10

thanhnien.vn

Cách đây tròn 40 năm, thực hiện Nghị quyết V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) và Chỉ thị số 40/CT-HĐBT ngày 4.5.1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc chuyển hướng phát triển cao su từ miền Đông Nam bộ lên Tây nguyên và Duyên hải miền Trung, với mục tiêu chiến lược là xây dựng kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân tại chỗ, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đất mà trước đây từng là chiến trường ác liệt với bao hậu quả chiến tranh để lại. Theo phương thức gà mẹ đẻ gà con, Tổng cục Cao su Việt Nam giao cho Công ty Cao su Phước Hòa xây dựng bộ khung công ty mới và cử Phó giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa Vũ Ngọc An làm trưởng đoàn, cùng 38 cán bộ (trong đó có 5 đảng viên) đến TX.Kon Tum (nay là TP.Kon Tum) chuẩn bị cơ sở vật chất và làm vườn ươm cây giống, xây dựng tiền đề cho việc hình thành một công ty cao su tại tỉnh Kon Tum…

Cao su Kon Tum phát triển bền vững sau 40 năm vượt khó- Ảnh 1.

Vườn cây của Cao su Kon Tum

Thành quả từ hành trình vượt khó

Nhớ lại những ngày ấy, có ý kiến cho rằng đất Kon Tum không phải là đất bazan nên không trồng được cao su, nếu họa chăng có trồng được thì cây cao su cũng không có mủ. Thông tin này đã gây hoài nghi trong nhân dân và lo ngại cho sự tồn tại của cây cao su ở Kon Tum. Thế nhưng thực tế đã chứng minh, vườn cây của công ty cho năng suất và sản lượng ổn định đã làm thay đổi một vùng nông thôn mới, tạo được một ngành nghề mới trên suốt dải đất cực bắc Tây nguyên này, đã phá tan những hoài nghi trước đó.

Bằng tâm huyết, công sức và trí tuệ, với những bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của người lao động, đến nay một vùng đồi núi mang nhiều vết tích chiến tranh đã hình thành những cánh rừng cao su rộng lớn, đã tạo thêm một nghề mới đó là nghề trồng, kinh doanh cao su, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư trong toàn tỉnh.

Quá trình phát triển của công ty từ ngày thành lập đến nay gắn liền với các giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, có thể chia làm 4 giai đoạn chính: 1984 – 1988 là giai đoạn hình thành công ty; 1989 – 1990 là thời kỳ vượt qua khó khăn; 1990 – 2010 là giai đoạn mở rộng diện tích, định hình công ty; từ năm 2010 đến nay là giai đoạn nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đến nay, năng suất vườn cây của công ty đã đạt mức trên 1,8 tấn/ha, 12 năm liên tiếp là thành viên câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam – VRG (2012 – 2023), sản lượng cao su khai thác đạt từ 10.000 đến 15.000 tấn/năm, dẫn đầu các công ty thuộc VRG tại khu vực Tây nguyên và tốp 5 của VRG.

Công ty nhiều năm liền thực hiện vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác, về đích trước thời gian từ 20 – 50 ngày. Thu nhập của người lao động ổn định và ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum. Thu nhập bình quân của người lao động trong 5 năm trở lại đây (2019 – 2023) đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả đó có được ngày hôm nay không phải chỉ đổi bằng mồ hôi và công sức, mà còn cả sinh mệnh con người! Bom mìn, tai nạn và bệnh tật đã cướp đi cuộc sống của nhiều cán bộ, công nhân cao su một thời gian khó. Trải qua bao thăng trầm, với sự đóng góp của bao thế hệ cán bộ, công nhân viên, đến nay công ty quản lý 9.357,55 ha cao su, với 5.507 lao động, trong đó nhận khoán là 2.650 người, hộ liên kết là 1.514 hộ; hộ nhận khoán, liên kết là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75%; công nhân là người đồng bào 825 người, chiếm trên 61%.

Công ty đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh trong công tác chăm sóc và khai thác cao su nên sản lượng sản xuất tăng nhanh theo từng năm. Đây là một trong những truyền thống tốt đẹp của công ty được xây đắp qua bao thế hệ.

Với đặc điểm hoạt động của công ty trải rộng trên 7 huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum, vườn cây đan xen khắp các bản làng nên tạo việc làm thuận lợi cho người dân tại chỗ, phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương. Diện tích cao su mở rộng nhanh giúp công ty thoát khỏi tình trạng trì trệ về quy mô sản xuất. Người dân có việc làm và thu nhập ổn định từ đất đai quanh bản làng. Một vùng rộng lớn 40 năm trước còn hoang vu, đầy lau sậy, bom mìn, dân cư thưa thớt, nay đã bạt ngàn màu xanh cao su với cơ sở hạ tầng tại chỗ ngày càng phát triển. Nghề làm cao su còn lạ lẫm với người dân Kon Tum 40 năm trước, đến nay đã dần trở thành một ngành nghề truyền thống bởi đã có nhiều thế hệ trong gia đình (ông bà, con, cháu) liên tiếp trồng cao su.

Kỹ thuật cao su được công ty chuyển giao đại trà cho nông dân thông qua các lớp đào tạo làm vườn ươm, trồng mới, chăm sóc và cạo mủ cao su hằng năm. Một bộ phận lớn nông dân Kon Tum đã trở thành lao động kỹ thuật cao su trên vườn cây đại điền cũng như tiểu điền trong toàn tỉnh. Hàng ngàn hộ dân (trong đó đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) đã thoát nghèo nhờ phát triển cao su. Vai trò bà đỡ của công ty đem đến hiệu quả thiết thực và được chứng minh sinh động từ thực tiễn cuộc sống…

Cao su Kon Tum phát triển bền vững sau 40 năm vượt khó- Ảnh 2.

Cao su Kon Tum trao tặng nhà tình thương cho công nhân

Đảm bảo an sinh, đền ơn đáp nghĩa

Công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, lao động luôn được thực hiện đảm bảo. Các chế độ liên quan đến người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và các chế độ khác như: ăn giữa ca, bồi dưỡng nặng nhọc độc hại, được thực hiện đầy đủ, ngay cả trong những năm khó khăn nhất. Bên cạnh đó, công ty thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tổ chức cho người lao động đi nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch trong và ngoài nước hằng năm.

Công ty duy trì trích quỹ phúc lợi hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá cho người lao động, nhà ở của công nhân đều được xây dựng từ cấp 4 trở lên, trong đó có nhiều nhà xây dựng kiên cố. Quỹ Mái ấm công đoàn thường xuyên hỗ trợ để công nhân kiên cố hóa nhà ở, đảm bảo an cư để lạc nghiệp. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, lao động đã có sự chuyển biến hết sức tích cực. Đời sống của người làm cao su nằm trong nhóm có mức sống tương đối cao trên địa bàn.

Thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo là một truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, lao động, công ty đã nhận phụng dưỡng suốt đời 10 mẹ Việt Nam anh hùng tại Kon Tum và Quảng Ngãi (nay còn 3 mẹ), 1 thương binh nặng và 2 cựu chiến binh. Từ năm 1998 đến nay công ty đã xây và trao tặng hàng trăm căn nhà tình nghĩa và nhà tình thương, nhiều sổ tiết kiệm cho các đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo trong và ngoài tỉnh…

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích đã đạt được, cán bộ, công nhân viên công ty đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác, bao gồm: Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3, Huân chương Chiến công hạng 3; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3; có 11 đơn vị và 14 cá nhân trong công ty đã được tặng Huân chương Lao động hạng 2 và hạng 3.

Ngoài ra, công ty còn được tặng nhiều cờ thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, VRG; Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum và nhiều tỉnh khác…


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/cao-su-kon-tum-phat-trien-ben-vung-sau-40-nam-vuot-kho-185240813161754731.htm