77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2024): Ngã xuống, khi không mang s ú n g

3

thanhnien.vn

Phải mất rất nhiều thời gian tìm kiếm, chúng tôi mới có đầu mối thông tin dò tìm về câu chuyện, người thân của liệt sĩ Đặng Anh Lương (kỹ thuật viên ngành đo đạc bản đồ, hy sinh ngày 19.12.1976 tại biên giới Kon Tum). Lý do, mới đi làm đã mất và sau 17 năm mới được công nhận là liệt sĩ.

Từ Hà Nội, tôi vào Nghệ An, xuống ngã ba Diễn Châu tìm vào xã Minh Châu, ghé nghĩa trang liệt sĩ tra tìm danh sách. Chúng tôi đi khắp nghĩa trang được xây dựng từ năm 1994, nhìn từng bia mộ. Đến đúng phần mộ ngoài cùng, cuối hàng mới thấy ghi rành mạch: “Liệt sĩ Đặng Anh Lương, sinh 1952, nhập ngũ 1970, hy sinh 1976”.

Theo một cán bộ địa phương, cuối năm 2019, xã Minh Châu của H.Diễn Châu thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Diễn Thắng, Diễn Minh, Diễn Bình. Người thân liệt sĩ Lương ở xóm 4 của xã Diễn Thắng (cũ) và “đây là người bên dân sự chứ không phải bộ đội”.

Học xong là ra biên giới

Ngôi nhà cấp 4 nằm dưới chân đồi đơn sơ. Bà Nguyễn Thị Thu, vợ ông Lương, ra đón chúng tôi. Bà Thu đưa ra bằng tốt nghiệp trường phổ thông (hệ 10/10) do ông Nguyễn Tài Đạt, Trưởng ty Giáo dục tỉnh Nghệ An (nay là Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An) cấp ngày 2.9.1973, rồi nói: “Ông ấy sinh ngày 17.3.1952”.

77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024): Ngã xuống, khi không mang  s ú n g- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu bên di ảnh và Bằng Tổ quốc ghi công của chồng

Cùng sinh năm 1952, ở cùng xóm 4, xã Diễn Thắng (nay là xã Minh Châu) và học cùng lớp từ lớp 1 đến hết cấp 3 (nay là trung học phổ thông), giữa năm 1972 ông bà cưới nhau và tháng 4.1973 sinh cậu con trai Đặng Trọng Oánh. “Tốt nghiệp năm 1970, ông ấy xung phong đi bộ đội nhưng do không đủ sức khỏe, nhà lại có em trai đã nhập ngũ, nên mấy năm trời, ông làm công tác thống kê cho xã và dạy học bổ túc văn hóa”, bà Thu kể.

Giữa năm 1973, chàng trai Đặng Anh Lương được tuyển vào Trường trung cấp Đo đạc và bản đồ, thuộc Cục Đo đạc bản đồ nhà nước (thành lập năm 1971, nay đã sáp nhập thành Trường đại học TN-MT Hà Nội).

Sau gần 3 năm theo học khóa 2 Trường trung cấp Đo đạc và bản đồ, giữa năm 1976, ông Lương tốt nghiệp, về quê nghỉ phép khoảng nửa tháng rồi khoác ba lô ra Hà Nội nhận công tác tại Cục Đo đạc bản đồ nhà nước (nay là Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý VN thuộc Bộ TN-MT). Ngay khi nhận công tác, ông Lương được đưa vào danh sách biệt phái theo lệnh của Ban Biên giới T.Ư (nay là Ủy ban Biên giới quốc gia), tham gia Đoàn đo đạc khảo sát biên giới VN – Lào tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum (từ 1991 đến nay đã tách ra 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum).

77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024): Ngã xuống, khi không mang  s ú n g- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thu viếng mộ liệt sĩ Đặng Anh Lương

Cuối tháng 8.1976, đoàn di chuyển từ Hà Nội vào thị xã Pleiku (nay là TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) và bắt đầu nhiệm vụ khảo sát tuyến biên giới Việt – Lào từ tháng 9.1976. Do làm việc ở khu vực rừng thiêng nước độc, sinh hoạt ăn uống thiếu thốn kham khổ, ông Lương mắc bệnh sốt rét ác tính, phải đưa về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai – Kon Tum (nay là Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai) và mất ngày 19.12.1976. Thi hài ông Lương được mai táng tại nghĩa trang Pleiku (Gia Lai) lúc 14 giờ ngày 20.12.1976.

Trước đó, giữa tháng 3.1976, Chính phủ ta ban hành Quyết định số 119/TTg về khảo sát hoạch định biên giới VN – Lào. Trên cơ sở đó, Chính phủ ta chủ trương triển khai kế hoạch khảo sát đơn phương. Từ tháng 3 đến tháng 11.1976, các tỉnh biên giới Việt – Lào đồng loạt tiến hành khảo sát đơn phương toàn bộ đường biên giới quốc gia qua địa giới mỗi tỉnh. Kết quả đợt này, các đội đã khảo sát thông tuyến được 1.335 km trên tổng số 2.067 km và đã nắm được đầy đủ hơn tình hình mọi mặt trên tuyến biên giới Việt – Lào.

Ngày 18.7.1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa VN và Lào được ký kết. Ngày 23.5.1978, công tác phân giới, cắm mốc quốc giới bắt đầu.

Trong văn bản gửi Ty Thương binh và Xã hội Gia Lai – Kon Tum (nay là Sở LĐ-TB-XH Gia Lai), ông Nguyễn Khoa Trường (Trưởng đoàn đo đạc khảo sát biên giới Việt – Lào, thời điểm cuối 1976) đã đề nghị “quý Ty xét trợ cấp khoản tiền mai táng anh Đặng Anh Lương và giải quyết giúp các khoản trợ cấp khác theo đúng chế độ chính sách đã được ban hành”. Văn bản này đã được ông Ngô Thành (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh, sau là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum) phê chuẩn.

Được công nhận liệt sĩ sau 17 năm

Ông Đặng Trọng Trân (1923 – 2004) tự mình nuôi 2 con trai Đặng Anh Lương (sinh 1952) và Đặng Văn Chương (sinh 1954) từ khi các con còn nhỏ, bởi người vợ mất sớm do bệnh hiểm nghèo.

77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024): Ngã xuống, khi không mang  s ú n g- Ảnh 3.

Lễ an táng liệt sĩ Đặng Anh Lương tại nghĩa trang Pleiku, 20.12.1976

Cuối năm 1976, ông Trân nhận tin con trai cả Đặng Anh Lương hy sinh, đồng thời với việc con út Đặng Văn Chương bị thương trong khi làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào tiễu phỉ. Giữa năm 1977, Đặng Văn Chương xuất ngũ, được bố giao việc vào Tây nguyên thăm mộ anh trai. Tuy nhiên, thời điểm này đi lại khó khăn, đời sống kinh tế mọi nơi đều kiệt quệ và quan trọng nhất là khu vực Gia Lai – Kon Tum đang có nhiều đối tượng Fulro hoạt động chống phá chính quyền, phá hoại đời sống người dân… nên việc thăm mộ cứ kéo dài hết năm này đến năm khác.

“Đầu năm 1979, gia đình nhận được giấy báo tử anh Lương, do tỉnh Gia Lai – Kon Tum báo về. Các đoàn của Cục Bản đồ cũng về thăm nhà, trao các hình ảnh chụp lại lúc mai táng, chôn cất chồng tôi. Nhưng anh Lương vẫn chưa được công nhận liệt sĩ và không ai nói đến phần mộ”, bà Thu nhớ lại.

Đầu năm 1993, ông Trân dẫn con cháu lần đầu tiên vào Pleiku thăm mộ con trai Đặng Anh Lương, nhưng không tìm thấy. Trong lá đơn gửi Cục Đo đạc và bản đồ cuối tháng 3.1993, ông Trân trình bày: “Đứa con tôi sau khi hy sinh năm 1976 trên biên giới Gia Lai – Kon Tum, cơ quan đã cấp táng tại nghĩa trang Gia Lai. Từ đó đến nay, gia đình gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện vào thăm và sang tiểu cho cháu. Vừa qua gia đình chúng tôi đã tổ chức vào thăm và muốn đưa hài cốt cháu về quê hương. Nhưng thực tế nhiều năm, địa hình bị biến dạng. Mộ không còn nhận được nữa. Gia đình đã bỏ công tìm kiếm nhưng không thấy bia mộ và dấu tích của mộ”, và khẩn cầu: “Mong cơ quan tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình để tìm được mộ cho cháu. Đó là điều cầu mong duy nhất của gia đình chúng tôi”…

Từ lá đơn này, Cục Đo đạc và bản đồ một lần nữa tập trung tháo gỡ câu chuyện của liệt sĩ Đặng Anh Lương. Giữa tháng 4.1993, UBND tỉnh Gia Lai có công văn gửi tỉnh Nghệ An về việc “giải quyết chế độ liệt sĩ cho anh Đặng Anh Lương, con ông Đặng Trọng Trân, trước đây công tác tại Cục Bản đồ T.Ư, hy sinh năm 1976 tại vùng biên giới tỉnh Gia Lai – Kon Tum”.

77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024): Ngã xuống, khi không mang  s ú n g- Ảnh 4.

Đoàn công tác Cục Đo đạc bản đồ (3 người đầu tiên, từ trái sang) và gia đình liệt sĩ Đặng Anh Lương đi tìm mộ tại Gia Lai năm 1997

Ngày 26.4.1993, ông Nguyễn Hải Thuận (khi đó là Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thắng, H.Diễn Châu) phúc đáp: “Từ đó đến nay, gia đình chưa được hưởng chế độ gì. Chúng tôi chứng nhận hoàn cảnh gia đình ông Đặng Trọng Trân này gặp rất nhiều khó khăn hiện tại và lâu dài. Đề nghị Cục quan tâm giải quyết”…

Ngày 4.1.1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Bằng Tổ quốc ghi công cho “liệt sĩ Đặng Anh Lương, kỹ thuật viên ngành đo đạc bản đồ, đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 19.12.1976”. “Sau hơn 17 năm, ông nhà tôi chính thức được công nhận liệt sĩ. Hôm ấy, chính quyền địa phương đắp 1 ngôi mộ giả giữa sân, làm lễ truy điệu trọng thể. Thời gian sau, tôi được nhận số tiền truy lĩnh là 3,5 triệu đồng”, bà Thu nhớ lại.

Có một chuyện đến bây giờ bà Thu và cô con dâu Nguyễn Ánh Tuyết kể lại với chúng tôi, đó là trong lần vào tìm mộ liệt sĩ cuối 1992, đầu 1993, gia đình ở nhờ trong nhà người họ hàng Lê Thị Lâm. Khi biết chuyện ông Đặng Anh Lương chưa được công nhận liệt sĩ, bà Lâm đã dẫn tới gặp ông Ngô Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Gia Lai (người đã chứng kiến và tham gia mai táng ông Đặng Anh Lương, khi còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum, năm 1976) nhờ tác động đến các cơ quan chức năng của tỉnh, nhanh chóng giải quyết chế độ liệt sĩ.

Tháng 6.1997, Trung tâm Địa giới quốc gia (nay là Trung tâm Biên giới và địa giới thuộc Cục Đo đạc bản đồ và địa lý VN) đã cử đoàn công tác do ông Hà Hán Chiêu dẫn đầu, cùng gia đình vào lại Pleiku tìm phần mộ liệt sĩ Đặng Anh Lương. Gần nửa tháng trời tìm kiếm nhưng không có kết quả, nên sau đó đã dựng mộ tượng trưng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Thắng…

“Con trai tôi là Đặng Trọng Oánh, học hết cấp 2 (nay là trung học cơ sở) thì nghỉ ở nhà đi làm thợ xây. Các chú ở Cục động viên học hết lớp 12 rồi sẽ đưa ra Hà Nội học ngành và theo nghề bố, nhưng nó không chịu. Hồi ông hy sinh, tôi mới 24 tuổi. Không đi bước nữa vì vừa nuôi con nhỏ vừa chăm bố chồng. Giờ tôi vẫn mong tìm được phần mộ của ông ấy”, bà Thu đau đáu… (còn tiếp)


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/77-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-2771947-2772024-nga-xuong-khi-khong-mang-sung-185240725211929592.htm