cand.com.vn
Thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vi phạm pháp luật giao thông, pháp luật hình sự diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng cũng như tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện xử lý 310 vụ, 619 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, tăng 28,7% so với năm 2023. Trong đó, phạm pháp hình sự là 45 vụ 115 đối tượng với các hành vi vi phạm phổ biến như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và g i ế t người.
Đoàn viên thanh niên xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum trả lời câu hỏi tình huống tại buổi tuyên truyền pháp luật.
Đặc biệt, gần đây tại nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok để kêu gọi, kích động tập trung số đông vào ban đêm, lái xe chở hai, chở ba với tốc độ cao trên các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ. Nhiều nhóm thanh niên sử dụng hung khí, vũ khí nguy hiểm, hẹn địa điểm để đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn.
Đơn cử, ngày 28/12/2023, hai nhóm thanh niên gồm 19 người sử dụng xe môtô rượt đuổi nhau với vận tốc cao trên nhiều tuyến đường thành phố Hà Tĩnh, sử dụng các hung khí, vũ khí nguy hiểm như gậy baton, ống sắt kim loại, kiếm, dao… gây rối ANTT, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trên nhiều khu phố. Hậu quả khiến 1 học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Thạch Hà tử vong.
Ngày 13/11/2024, nhóm 10 đối tượng thanh, thiếu niên trên địa bàn huyện Kỳ Anh sau khi xem được nội dung khiêu khích trên mạng xã hội đã mang theo chai bia, kiếm tự chế ra thành phố Hà Tĩnh để đánh nhau. Tại đây, nhóm người trên gặp nhóm 7 thanh, thiếu niên trú tại thành phố Hà Tĩnh và Cẩm Xuyên, hai bên xảy ra mâu thuẫn nên dùng vỏ chai bia, đá ném nhau trên đường Hà Huy Tập, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nghiêm trọng nhất là vào ngày 2/12/2024, nhóm 9 thanh niên mang theo hung khí gồm kiếm, vỏ chai bia điều khiển xe máy rượt đuổi, đánh nhau trên các tuyến đường thành phố Hà Tĩnh. Hậu quả làm 1 học sinh lớp 10 Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh tử vong, 1 thanh niên khác bị thương nặng.
Công an tỉnh Hà Tĩnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên.
Phần lớn trong số này là thanh thiếu niên, học sinh đã bỏ học, học sinh đang học tại các trường THPT, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên có hoàn cảnh đặc biệt như bố, mẹ mất sớm; ly hôn, hoặc đi làm ăn xa… Do đó, các em ít được quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, người thân. Đây là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, đe dọa đến sức khỏe, tài sản và tính mạng của nhân dân.
Từ tình hình trên, để nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh gây ra.
Trong đó, giao nhiệm vụ và phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các trường học thực hiện quyết liệt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Từ đó, có biện pháp phối hợp với gia đình và các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả trong quản lý, ngăn chặn thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật; thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật và các trường hợp cá biệt, có nguy cơ cao vi phạm pháp luật cho lực lượng Công an để có biện pháp phòng ngừa, răn đe, xử lý.
Các cơ sở giáo dục phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các trường học; tổ chức xây dựng các mô hình, tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật liên quan đến vật cấm, chất cấm trong trường học.
Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng chú trọng việc phối hợp cơ quan chức năng trong vấn đề đề ra các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các thông tin, hình ảnh, hội nhóm có xu hướng bạo lực trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nhất là ngăn chặn việc tạo lập các hội, nhóm cổ xúy các hành động bạo lực, kêu gọi, tụ tập đông người gây phức tạp về tình hình ANTT.
Cùng với đó, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tiếp tục chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp nắm chắc tình hình; tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT, trật tự ATGT trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện; tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, trường học và chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phù hợp với từng lứa tuổi, góp phần hạn chế mức thấp nhất thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an xã cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường trong việc rà soát, sàng lọc các trường hợp là thanh, thiếu niên, học sinh cá biệt để chủ động theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu thấp nhất tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, liên quan đến thực trạng thanh, thiếu niên và học sinh vi phạm pháp luật, để phòng ngừa từ ngày 12/12/2024 Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên trên địa bàn.
Trước đó, vào ngày 30/9, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh. Với chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an các địa phương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các địa bàn, trong đó trọng tâm là vào khung giờ từ 22h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau. Nhờ vậy, những ngày sau đó, liên tiếp các vụ việc “hẹn nhau” thanh toán của các nhóm thanh, thiếu niên đã được phát hiện ngăn chặn, xử lý theo đúng quy định.
Theo Đại tá Đặng Hoài Sơn, mặc dù cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ song Tết Nguyên đán cận kề là thời điểm xuất hiện nhiều nguy cơ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, trong đó không ngoại trừ thời gian học sinh nghỉ học đón Tết. Do đó, bên cạnh nỗ lực và sự quyết tâm của toàn lực lượng Công an trong tuần tra, bảo đảm ANTT nói chung, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của các ngành, địa phương và chính các gia đình. Có như vậy, việc phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên mới đạt kết quả như mong muốn, góp phần đem lại mùa xuân bình yên cho các địa bàn, các gia đình.
Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/phong-ngua-thanh-thieu-nien-vi-pham-phap-luat-i754955/