baokontum.com.vn
Gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng trên nhiều lĩnh vực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Trong số 33 chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đến nay có 10 chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đến năm 2025. Tiêu biểu phải kể đến việc thực hiện mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt từ 3-4%/năm và phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; huyện Ngọc Hồi sớm đạt đầy đủ các tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2025, trung tâm huyện lỵ các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đạt tiêu chí đô thị loại V.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,84% dân số toàn tỉnh), trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS.
Để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra là “Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm”, cùng với nhiều chủ trương, chính sách; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở và nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo, một Kết luận “hợp ý Đảng, lòng dân” đã được ra đời, đó là Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.
Những cung đường về các xã vùng sâu, vùng xa được bê tông hóa và thảm nhựa. Ảnh: DN
Chỉ trong hơn 3 năm, các cấp, ngành đã tập trung hỗ trợ bà con xây dựng được 948 mô hình, giúp trên 24.100 hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp với tổng kinh phí đã bố trí trên 96,8 tỷ đồng (người dân đối ứng trên 31,72 tỷ đồng, còn lại là do Nhà nước và các mạnh thường quân hỗ trợ).
Các mô hình tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế, chuyển đổi từ cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế thấp, sang các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Bà con tập trung vào phát triển mạnh một số cây trồng chủ lực của tỉnh như cà phê xứ lạnh, cao su, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, cây ăn trái, lúa nước 2 vụ; chăn nuôi gia súc như trâu, bò, heo thành sản phẩm hàng hóa.
Cùng với giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 856 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn. Ngoài ra, thông qua Quỹ vì người nghèo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động được trên 58,9 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.067 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, cận nghèo.
Nhờ đó, mà từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 5.549 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo (đạt tỷ lệ 26,2%), vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm giảm từ 3-4%; 2.654 hộ đồng bào DTTS thoát cận nghèo (đạt tỷ lệ 18,89%), vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm giảm từ 3-4%.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế với các giải pháp tái cơ cấu đồng bộ kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo; các cấp, ngành còn tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Ảnh: D.N
Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; huyện Ngọc Hồi sớm đạt các tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2025, trung tâm huyện lỵ các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đến nay, hạ tầng đô thị được đầu tư và cải thiện đáng kể, 8 đô thị đã được công nhận và phân loại gồm 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần mở rộng thuộc huyện Ngọc Hồi), 6 đô thị loại V (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei; thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô; thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà; thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy; thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông). Ngoài ra còn có 3 trung tâm huyện là khu vực trung tâm huyện Tu Mơ Rông; khu vực Đăk Ruồng – Tân Lập thuộc huyện Kon Rẫy; khu vực trung tâm huyện Ia H’Drai đang đầu tư xây dựng để dần đảm bảo các tiêu chí đô thị loại V.
Đặc biệt, ngày 10/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 12/QĐ-TTg công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Thành phố Kon Tum là trung tâm chính trị – kinh tế, văn hoá – xã hội và khoa học – kỹ thuật của tỉnh có tổng diện tích 432,89 km2, dân số khoảng trên 212.300 người. Nhờ phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có và bằng nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, thành phố Kon Tum đã có những bước phát triển vượt trội, đặc biệt là tăng trưởng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại.
Thời gian qua, thành phố Kon Tum đã nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và đạt được những kết quả khá cao như tăng trưởng kinh tế đạt trên 13,3%, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt trên 96%; các đường phố chính được chiếu sáng 100%; tỷ lệ khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đạt gần 70%; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 99%; hoàn thành xây dựng 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiệm kỳ 2020-2025 sắp khép lại, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống của Đảng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Dương Nương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/nhung-ket-qua-dang-mung-trong-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xvi-43073.html