Người Xơ Đăng lập hương ước giữ rừng

18

cand.com.vn

Thời tiết ẩm ương của những ngày mưa dầm dề vùng Bắc Tây Nguyên không thể nào ngăn được bước chân của những người dân làng Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tuần tra giữ rừng. Đều đặn hằng tuần, các tổ tuần tra của làng sẽ thay phiên nhau lội rừng, kiểm tra từng ngóc ngách của hơn 190ha rừng nguyên sinh được giao khoán cho làng.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ lội rừng, vượt qua những ngọn đồi, khe suối đầy đá sắc nhọn thì trước mắt chúng tôi là những cây rừng cổ thụ với đường kính vài người ôm. Các cây rừng ở đây chủ yếu thuộc các loại cây Dổi, Sao xanh… Hệ sinh thái rừng còn nguyên sinh, gần như chưa có sự tác động của con người.

Người Xơ Đăng lập hương ước giữ rừng -0
Rất nhiều cây gỗ quý, cây cổ thụ được dân làng Ty Tu bảo vệ.

Ông A Dao (SN 1963) kể: Trước đây, làng Ty Tu được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh. Trải qua giai đoạn phát đốt rừng làm nương rẫy, nhiều cánh rừng dần bị đẩy lùi ra xa dẫn đến những trận lũ, đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 2009 đã gây thiệt hại rất lớn cho dân làng. Từ đó, dân làng đã thấy được tầm quan trọng của rừng nên phải quyết tâm bảo vệ.

Cùng tham gia tuần tra rừng, ông A Phếch (SN 1965) cho hay: Tuần rừng, thường đi theo nhóm, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 2 ngày. Nhiều lần, họ gặp được heo rừng, chồn, chim trĩ nên rất vui vì các loài này ngày càng hiếm, giờ lại xuất hiện trong rừng do dân làng bảo vệ. Dân làng cũng có quy ước với nhau là không được săn bắn các loài thú quý hiếm, không chỉ giữ cây rừng mà còn giữ lại những gì có ở rừng.  “Trời nắng đi rừng còn dễ chứ trời mưa thì cực lắm. Ngoài mưa rừng thì chúng tôi còn phải đối mặt với vắt, muỗi rừng và vô số các nguy hiểm khác. Tuy nhiên, người Xơ Đăng chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng rừng nên những khó khăn đó không thể nào làm chùn chân chúng tôi được. Rừng như là trái tim, mạch sống của chúng tôi”, ông Phếch nói thêm.

Ông A Duyệt – Trưởng ban Công tác mặt trận làng Ty Tu chia sẻ: Làng Ty Tu có 80 hộ với 495 nhân khẩu, gần 100% là người Xơ Đăng. Từ khi được giao khoán, dân làng đã lập hương ước để giữ rừng. Hiện làng có 3 Tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ 25 người. Hằng tuần, mỗi tổ sẽ chia thành 2 nhóm nhỏ, thay phiên nhau tuần tra rừng. Do đó, tuần nào dân làng cũng có mặt trên rừng tuần tra với quyết tâm không để ai xâm hại tài nguyên rừng.

Hằng năm, dân làng Ty Tu được trả hơn 76 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Bà con Xơ Đăng có thêm thu nhập và dân làng cũng có thêm khoản quỹ để thực hiện các công việc chung của làng như trả tiền điện thắp sáng tại các tuyến đường, tổ chức lễ hội và cho các hộ gia đình khó khăn trong làng mượn không tính lãi để mua cây con giống, phát triển kinh tế gia đình.

Từ năm 2021 đến nay, dân làng Ty Tu đã trồng được 75,19ha rừng với các loại cây như thông, sơn tra, mắc ca… Trong đó, có 29,39ha được trồng mới từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ; 45,8ha rừng trồng mới do nhân dân tự mua giống trồng.

UBND xã Đăk Hà cũng đã hỗ trợ 2.000 cây thông giống, bà con làng Ty Tu bỏ công trồng, chăm sóc các cây thông trồng dọc các tuyến đường chính của thôn và đường vào khu sản xuất vừa tạo cảnh quan thiên nhiên vừa bảo vệ môi trường sinh thái nơi cộng đồng sinh hoạt.

Hơn 190ha rừng nguyên sinh được gìn giữ nguyên vẹn, hệ sinh thái động vật vô cùng phong phú với các loại động vật.  Nhiều loại cây dược liệu quý  phát triển mạnh dưới tán rừng đã tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Thấy được lợi ích và giá trị kinh tế mà rừng mang lại, dân làng Ty Tu càng thêm quyết tâm giữ rừng và trồng rừng.

Ông A Duyệt – Trưởng ban Công tác mặt trận làng Ty Tu chia sẻ thêm: “Rừng như linh hồn của người Xơ Đăng, rừng còn thì người Xơ Đăng còn, người Xơ Đăng còn thì rừng còn”.

Ông Dương Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trên địa bàn xã có 2 cộng đồng tham gia giữ rừng với tổng diện tích được giao khoán khoảng 230ha, bà con đều tham gia giữ rừng rất hiệu quả. Dân làng Ty Tu rất có trách nhiệm trong công tác giữ rừng, duy trì thường xuyên các tổ tuần tra, bảo vệ rừng và trồng rừng cũng rất tích cực. Bà con đã thấy được sự quyết liệt, chung tay của chính quyền địa phương và được hưởng lợi trực tiếp từ rừng nên dân làng đã hiểu giữ rừng để giữ nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tránh các nguy cơ do lũ lụt, sạt lở đất gây ra.

              


Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/doi-song/nguoi-xo-dang-lap-huong-uoc-giu-rung-i739874/