laodong.vnPhó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu tận tay kiểm tra cây sâm Ngọc Linh giống tại huyện Nam Trà My. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Nam
Công văn (số 5108/UBND-KTN) vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu ký ngày 9.7 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Nội dung kiến nghị, đề xuất một số chủ trương với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó có đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam.
Luận cứ mà UBND tỉnh đưa ra đề xuất này là vì Quảng Nam một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu sâm Ngọc Linh – được xem là cây quốc bảo của Việt Nam.
Công văn của Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu cũng căn cứ Quyết định (số 611/QĐ-TTg ngày 1.6.2023) của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình này, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới và thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp ở Quảng Nam. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Trong đó, lớn nhất là thiếu hạ tầng giao thông ở “thủ phủ” sâm Ngọc Linh là huyện Nam Trà My. Thiếu hướng dẫn thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu của Bộ NN&PTNT…
Thực tế, Quảng Nam đã cho thuê, triển khai trồng hơn 1.400ha sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Đã có nhiều thành quả kinh tế nhất định. Chỉ riêng tiền bán giống cây con từ 2018 – 2020 đã thu gần 10 tỉ đồng. Tổ chức thành công chợ phiên sâm Ngọc Linh hàng tháng…
Tuy vậy, chỉ bấy nhiêu điều kiện thì chưa đủ căn cứ để đề xuất Quốc hội ban hành 1 luật riêng về cây sâm. Đây là một đề xuất chưa từng có. Bởi, với vị trí địa lý, vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có vô vàn các giống loài, các loại động thực vật đặc hữu, thuộc diện hiếm, quý của thế giới. Nhưng chưa ai, chưa nơi nào đề nghị ban hành luật cho riêng 1 loại cây đặc hữu nào cả. Ngay lúa gạo – một loại cây trồng chủ lực là hàng thiết yếu, có phạm vi và sự ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống toàn dân, toàn quốc… cũng chưa từng có đề nghị nên ban hành luật riêng cho cây lúa.
Các khoáng sản có giá trị kinh tế cao, ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội như vàng, than, uranium, đất hiếm… cũng chỉ được điều chỉnh trong một Luật Khoáng sản. Cây sâm Ngọc Linh có tác động tương đối lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của một bộ phận dân ở huyện miền núi Nam Trà My của Quảng Nam, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, nhưng nó không tác động đến mức “sống còn” như hạt gạo. Luật Sâm Việt Nam sẽ gồm những nội dung gì? Điều chỉnh ra sao với toàn dân? Đơn vị nào soạn và chịu trách nhiệm nội dung, trình Quốc hội?…
Ngay Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng không có nội dung nào quy định việc ban hành luật liên quan đến 1 giống cây, con – dù là đặc hữu như cây sâm cả.
Những vướng mắc, khó khăn trong quản lý, bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh từ thực tiễn – nếu có thì cũng chỉ trong phạm vi điều chỉnh của các bộ, ngành Trung ương, hoặc Chính phủ. Đề xuất Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam là thiếu căn cứ và không thuyết phục.
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/kien-nghi-quoc-hoi-ban-hanh-luat-sam-viet-nam-la-thieu-can-cu-khong-thuyet-phuc-1364580.ldo