'Động đất ở Kon Tum do tích nén năng lượng nhiều năm trong lòng đất'

13

vnexpress.net

Các trận động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông do dứt gãy địa chất, năng lượng trong lòng đất giải phóng sau nhiều năm tích nén, theo Phó Viện Vật lý địa cầu.

Gần ba ngày qua, huyện Kon Plông ghi nhận 45 trận động đất dư chấn dao động 2,5-5, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, trong đó trận lớn nhất 5 độ vào ngày 28/7 gây rung lắc một số khu vực Tây Nguyên, miền Trung, người dân lo lắng. Cơn động đất này được xem là mạnh nhất ở Kon Tum từ trước tới nay.

Lý giải về hiện tượng thiên nhiên bất thường trên, TS Nguyễn Ánh Dương, Phó Viện Vật lý địa cầu, cho biết động đất xuất hiện ở Kon Plông năm 2021, khi thủy điện Thượng Kon Tum được xây trên sông Đăk Snghé (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) bắt đầu tích nước.

Lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum bị cho có liên quan đến các trận động đất ở huyện Kon Plông. Ảnh: Trần Hóa

Lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum bị cho có liên quan đến các trận động đất ở huyện Kon Plông. Ảnh: Trần Hóa

Điều này khiến tải trọng hồ chứa thủy điện nén các vết nứt (vị trí xung yếu) trong lòng đất dẫn đến sự đứt gãy, trượt giữa hai bề mặt. Quá trình trượt tạo ra ma sát, ứng suất giữa các vết nứt. Khi địa chất yếu (do nước ngấm) không giữ được nữa thì phải giải phóng năng lượng, lúc đó xảy ra động đất.

“Quá trình nén ép, tích lũy năng lượng kéo dài vài năm, thậm chí cả trăm năm, đến lúc năng lượng đủ lớn mới gây ra động đất”, ông Dương nói, dẫn chứng động đất diễn ra thường xuyên tại khu vực Trà My (Quảng Nam) khi ở đây xây dựng thủy điện sông Tranh năm 2012.

Theo TS Dương, dù còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường ở khu vực, địa chất hồ chứa thủy điện, song quá trình động đất ở Kon Plông sắp tới sẽ giảm dần. Đây cũng là quy luật chung, tức là sau đỉnh dư chấn, các trận động đất bắt đầu nhỏ dần, thành chuỗi các trận động đất trung bình và vừa, sau đó lắng dần.

Đá lát tường của hộ dân xã Đăk Tăng (khu vực tâm chấn) bị bong tróc, hư hỏng sau động đất trưa nay. Ảnh: Minh Bằng

Đá lát tường của hộ dân huyện Kon Plông bị bong tróc sau động đất trưa nay. Ảnh: Minh Bằng

“Hiện vẫn chưa xác định trận động đất mạnh 5 độ vừa qua đã là đỉnh hay chưa, cần có thời gian nghiên cứu chuyên sâu. Địa hình ở Kon Plông tương đối khó khăn nên quá trình khảo sát vất vả”, TS Dương nói và cho biết Viện đã hoàn thành lắp đặt 11 trạm quan trắc động đất ở địa phương, số liệu cập nhật tương đối tốt, có thể kịp thời cảnh báo chính xác.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên), lo ngại hiện tượng rung chấn như vừa qua cộng với mưa lớn trên địa bàn sẽ gây ra nguy cơ sạt lở, uy h i ế p người dân. Theo ông, trong tháng 7 lượng mưa ở Kon Tum tăng đột biến so với trung bình các năm trước, dự báo tháng 8 xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài…

“Cơ quan chức năng cần cảnh báo sớm về động đất, hiện tượng thiên nhiên bất thường cho người dân vùng tâm chấn nói riêng và khu vực Tây Nguyên kịp phòng tránh”, ông Huấn nói.

Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, cho biết cơ quan chức năng đã rà soát, đánh giá các khu dân cư, nhà nguy cơ sạt lở, sụt lún để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời.

Động đất 5 độ richter gây rung lắc Tây Nguyên và miền Trung

Động đất 5 độ richter gây rung lắc Tây Nguyên và miền Trung

Động đất làm rung lắc nhà dân ở Quảng Ngãi và Gia Lai, trưa 28/7. Video: Phạm Linh – Trần Hoá – Tuấn Việt – Đỗ Nam

Trần Hóa


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/dong-dat-o-kon-tum-do-tich-nen-nang-luong-nhieu-nam-trong-long-dat-4775128.html