Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

5

baokontum.com.vn

Văn bản số 3362/UBND-NNTN ngày 20/9 của UBND tỉnh yêu cầu phải chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra.

113013C%C3%B3%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20%C3%A1n%20di%20d%E1%BB%9Di%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20ra%20kh%E1%BB%8Fi%20n%C6%A1i%20tr%C5%A9ng%20th%E1%BA%A5p,%20ng%E1%BA%ADp%20s%C3%A2u

Có phương án di dời người dân ra khỏi nơi trũng thấp, ngập sâu. Ảnh: HL

 

Trong đó, các sở, ban ngành, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy), UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ; chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế trên địa bàn.

Quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; chủ động triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai theo quy định.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thường xuyên kiểm tra các khu vực thường xuyên bị sạt lở đất, lũ, ngập lụt, các khu vực trũng thấp, ngập sâu và triển khai các phương án di dời, sơ tán dân; bảo vệ sản xuất và ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng về phòng chống thiên tai, đặc biệt là hướng dẫn cách nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Chủ động dự trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại những tháng mùa mưa, lũ, bão.

Hướng dẫn người dân đi lại an toàn ở vùng thường xuyên bị chia cắt do mưa, lũ, bão. Ảnh: HL

 

Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để sẵn sàng ứng phó với mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Lưu ý triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, hồ đập, công trình xây dựng; khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước; cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Kiểm tra, chỉ đạo chủ đầu tư các công trình đang thi công trên địa bàn chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động, khẩn trương thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.

Thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; báo cáo kịp thời tình hình, diễn biến thiên tai phục vụ chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống bão, mưa, lũ và công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng thời lượng đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến mưa lũ và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh nhằm hạn chế thiệt hại.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tổ chức trực ban 24/24 theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/chu-dong-ung-pho-mua-lon-lu-quet-sat-lo-dat-43010.html