baokontum.com.vn
Phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn đổi mới, nông dân giàu là nhiệm vụ luôn được tỉnh ta chú trọng thực hiện. Bằng những chương trình, giải pháp tích cực, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, “bức tranh” nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc với “những gam màu tươi sáng”.
Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW (ngày 16/6/2022) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thời gian qua, tỉnh ta ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển “tam nông”. Trong đó có Chương trình số 42-CTr/TU (ngày 10/10/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; kế hoạch số 1649/KH-UBND (ngày 31/5/2022) về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch 3212/KH-UBND (ngày 25/9/2023) của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể nhằm xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đa dạng về hình thức, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra những nông sản có lợi thế trên thị trường, mang lại giá trị cao. Đồng thời, phát huy vai trò trụ cột của các doanh nghiệp, vai trò hạt nhân của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín và tiềm lực tham gia đầu tư và liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi được huyện Kon Plông chú trọng thực hiện. Ảnh: TH
Từ chỗ sản xuất nông nghiệp mang tính manh mún, nhỏ lẻ, đến nay đã hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tiên tiến.
Hiện tại, toàn tỉnh có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh công nhận; hình thành một vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đối với các loại cây trồng chủ lực như như cao su, cà phê, mía, cây ăn quả và một số loài cây dược liệu.
Huyện Kon Plông là một trong những địa phương luôn tích cực, đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Thời gian qua, cùng với việc triển khai quy hoạch các vùng sản xuất, tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, huyện Kon Plông tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và xây dựng các liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, huyện có 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, Đến nay, toàn huyện có gần 270ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao sản xuất. Có 23 doanh nghiệp, tổ chức, 1 hợp tác xã, 25 hộ cá thể sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Hiện tại, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 27.277,2ha/197.993,8ha tổng diện tích gieo trồng, đạt tỷ lệ 13,78%. Trong đó, diện tích cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận đạt 2.506,6ha.
Toàn tỉnh cũng có gần 800ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn Global GAP là 150ha, hữu cơ là 29,7ha; VietGAP là 292,8ha; UTZ là 150ha; Fairtrade Certificate là 168ha.
Trên địa bàn tỉnh có 29 mã số vùng trồng và 2 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp; hình thành 38 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Sản xuất lớn, máy móc, cơ giới được đã được đưa vào các khâu sản xuất nông nhiệp, góp phần giải phóng sức lao động. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất.
Hệ thống hợp tác xã và tổ hợp tác ngày càng đổi mới và phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; các hội quán được thành lập trên mô hình tự nguyện, tự lực, tự quản, giúp nhau làm giàu bước đầu thu hút được nhiều nông tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh có 229 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 29 hợp tác xã so với cuối năm 2023; 9 hội quán với 214 thành viên tham gia.
“Bức tranh” nông thôn bừng sáng
Theo bà Y Hằng, cùng với việc đầu tư, khuyến khích phát triển nên sản xuất nông nghiệp hiện đại, tỉnh ta xác định mục tiêu xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới; cư dân nông thôn ngày càng tiến bộ, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau 14 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, sự chung sức, đồng lòng của người dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực.
Tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có 51 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đã có 48 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); ước tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh đã có 29 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 84 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Dẫu vẫn còn những hạn chế, những điểm chưa hài lòng, nhưng rõ ràng chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại “những gam màu tươi sáng” cho “bức tranh nông thôn” của tỉnh. Đó là bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy.
Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Ảnh: TH
Việc xây dựng nông thôn mới không chỉ mang lại diện mạo mới tại các làng quê, thôn xóm mà còn góp phần thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất tại các địa phương. Và OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, mang màu sắc “tam nông”.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, từ chỗ là cái tên xa lạ với người sản xuất, người dân đã trở thành quen thuộc và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, mang lại những giá trị kinh tế- xã hội cho gia đình và cộng đồng xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 235 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao và 203 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm OCOP là nông sản mang lại nguồn thu lớn cho nông dân, doanh nghiệp và địa phương. Qua đó, khẳng định đây hướng đi đúng đắn, sâu sắc trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với thị trường, phát huy những thế mạnh địa phương.
“Những gam màu tươi sáng” đó là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh ta tiếp tục khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục xây dựng “bức tranh” nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại, đời sống người dân ngày càng ấm no.
THÙY HƯƠNG
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/xay-dung-buc-tranh-nong-nghiep-hien-dai-nong-thon-doi-moi-44843.html