Sớm gỡ vướng mắc cho Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676

20

baokontum.com.vn

Dư án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi) được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển cho các xã vùng sâu, thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân ở Kon Plông. Tuy nhiên, tuyến đường đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không thể đẩy nhanh tiến độ thi công…

Dư án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 có tổng chiều dài xây dựng là 56,547 km, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Tuyến đường kết nối Quốc lộ 24 từ thị trấn Măng Đen qua các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên (huyện Kon Plông) nối với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (tỉnh Quãng Ngãi). Dự án do Liên danh công ty cổ phần Trường Long – Công ty cổ phần cầu đường New Sun – Công ty TNHH Tuấn Dũng thi công.

Dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Tuyến đường hoàn thiện sẽ cải thiện và nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông trên Quốc lộ 24, giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo liên kết vùng và kết nối liên hoàn logistic, kết nối huyện Kon Plông, Vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi…

Vướng mắc về rừng, đất rừng, chuyển đổi rừng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng TL676. Ảnh: PN

 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ và cố gắng đáp ứng tiến độ giải ngân cao nhất có thể đối với nguồn vốn trong năm 2024, trước mắt, trên phạm vi tuyến không ảnh hưởng đến rừng và đất rừng, các phạm vi đã bồi thường giải phóng mặt bằng đường tránh ngập lòng hồ (Dự án thủy điện Đăk Đrinh, trên địa bàn xã Đăk Nên, đoạn từ lý trình Km51+843 -điểm cuối). Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh (gọi là Ban quản lý dự án) đã phối hợp với cấp chính quyền địa phương bàn giao cho các đơn vị để tổ chức triển khai thi công các cầu, các cống lớn và một số phạm vi tuyến không ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp….Ngoài ra, Ban thường xuyên cử cán bộ túc trực tại công trường đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công xây dựng tập trung máy móc, thiết bị thi công và nhân lực triển khai thi công theo hướng có mặt bằng đến đâu thi công đến đó nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đáp ứng tiến độ chung của dự án.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện dự án mới chỉ triển khai một phần rất nhỏ trong toàn thể dự án. Đến nay, giá trị thực hiện hợp đồng xây lắp của dự án đến cuối tháng 9/2029 đạt khoảng 51,5 tỷ đồng (đạt 4,51% giá trị hợp đồng); giá trị giải ngân năm 2024 là 42,332 tỷ (đạt 18,25% tổng kế hoạch vốn được phân bổ). 

Theo Ban quản lý dự án, nguyên nhân việc dự án triển khai chậm do nhiều vướng mắc. Trong đó, vướng mắc đầu tiên là quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện dự án. Riêng thủ tục này đã phải mất gần 2 năm mới hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Đó là chưa kể thời gian tiếp tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thời gian chờ các chủ rừng lập thủ tục tận dụng lâm sản theo quy định.

Ngoài vướng mắc về thủ tục công tác chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp thì dự án còn vướng mắc liên quan đến công tác di dời lưới điện. Trên dọc chiều dài tuyến có ảnh hưởng đến Hệ thống lưới điện Trung thế 22kV, các Trạm biến áp, đường dây hạ áp (0,4KV) cung cấp điện sinh hoạt cho 4 xã Măng Cành, Ðăk Tăng, Ðăk Ring, Ðăk Nên là tài sản nhà nước, đang thuộc Công ty Ðiện lực Kon Tum, Ðiện lực Kon Plông quản lý, cần phải di dời. Tuy nhiên, việc di dời hệ thống luới điện này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, bởi đơn vị này phải xin ý kiến hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc của các bộ ngành liên quan mất rất nhiều thời gian. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng của dự án và cũng là những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

090352nh%C3%A0%20th%E1%BA%A7u%20thi%20c%C3%B4ng%20tranh%20th%E1%BB%A7%20thi%20c%C3%B4ng%20c%C3%A1c%20c%C3%A2y%20c%E1%BA%A7u%20tr%C3%AAn%20TL676%20(1)

Nhà thầu thi công tranh thủ thi công các cây cầu trên TL676. Ảnh:PN

 

Theo ông Võ Duy Hùng- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với 58,85 ha rừng, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý dự án đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ tham mưu cho  chủ đầu tư, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành thủ tục chuyển đổi rừng. Đến nay, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đã được các cấp thẩm quyền quyết định, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện dự án và đã được các cấp thẩm quyền chấp thuận. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao đất rừng để thực hiện dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành do thực hiện bổ sung một số nội dung công việc trước khi trình thông báo thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Ban quản lý dự án cũng đã phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Plông triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm tài sản bị ảnh hưởng cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân tại địa bàn thị trấn Măng Đen, xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên và hiện đã kiểm kê được trên 80% khối lượng. Hiện, các đơn vị vẫn đang tiếp tục phối hợp với triển khai công tác kiểm đếm khối lượng bồi thường để sớm hoàn thành đưa khối lượng vào lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Ông Võ Duy Hùng cho biết, mặc dù giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường thực hiện dự án đã được UBND huyện Kon Plông phê duyệt, tuy nhiên, hiện nay công tác xác minh nguồn gốc đất, xác nhận hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp tốn nhiều thời gian dẫn đến chậm tiến độ lập, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…Hiện, Ban cũng đề nghị UBND huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh công tác điều tra, xác minh nguồn gốc đất, xác định các thửa đất theo đúng chủ sử dụng đất, ranh giới thửa đất cho các hộ dân trước khi ký xác nhận kết quả đo đạc, kiểm kê và cung cấp hồ sơ giấy tờ có liên quan đến đất và tài sản làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ có nhà ở tại xã Đăk Nên tháo dỡ, di dời bàn giao lại mặt bằng để các đơn vị triển khai thực hiện tổ chức thi công xây dựng công trình…

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/som-go-vuong-mac-cho-du-an-cai-tao-nang-cap-tinh-lo-676-43487.html