baokontum.com.vn
Mặc dù đã gia hạn nhiều lần, tuy nhiên, dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei đến nay vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Chính quyền và người dân địa phương được hưởng lợi từ công trình đều bày tỏ mong muốn dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân.
Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei được đầu tư tại Quyết định số 1211/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 của HĐND tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 553 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 triển khai từ năm 2018 đến năm 2023 với tổng vốn đầu tư hơn 434 tỷ đồng; giai đoạn 2 là sau khi hoàn thành giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư 118,654 tỷ đồng, đầu tư sau khi cân đối được nguồn vốn). Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư và liên danh nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Trường Long, Công ty TNHH Tuấn Dũng và Công ty TNHH New Sun.
Mục tiêu của dự án giai đoạn I (2018-2023) đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 1.600ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, (huyện Kon Rẫy); giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để đáp ứng việc tưới thêm 400ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 20.000 nhân khẩu khu vực xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum).
Công trình dự án hồ chứa nước Đăk Pokei vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: PN
Giai đoạn 1 của dự án được chia làm 7 gói thầu thi công xây lắp, gồm hạng mục cụm đầu mối; hạng mục khoan phụt xử lý nền; nhà quản lý, đường thi công kết hợp quản lý vận hành công trình; hạng mục lắp đặt thiết bị quan trắc; hạng mục thi công xây dựng và lắp đạt thiết bị Hệ thống kênh chính và kênh chính Tây (đoạn K0 đến K2+250m); hạng mục thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị Hệ thống kênh chính Tây (đoạn K2+250m đến K5+250m) và hạng mục kênh chính Đông.
Thời gian qua, mặc dù các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần đi kiểm tra việc thực hiện, đồng thời cũng chỉ đạo chủ đầu tư dự án, các nhà thầu thi công phải đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến nay, dù đã trễ hẹn nhiều lần, công trình vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 1.
Đến nay, các hạng mục nêu trên đã cơ bản hoàn thành việc thi công theo giai đoạn 1 của dự án (hạng mục lan can đập công trình đầu mối đang được hoàn thiện. Hạng mục kênh chính Tây còn khoảng 60m đường ống (đoạn bắc qua suối Đăk Năng) chưa hoàn thành, nhà thầu đã tập kết đường ống nhưng do điều kiện thời tiết, nước suối nhiều nên chưa ngăn được dòng để đổ bê tông mố đỡ, chưa lắp đặt đường ống; hiện nay, các đơn vị đang đắp đê quai dẫn dòng để tổ chức thi công).
Bên cạnh đó, một số khối lượng còn lại của giai đoạn 1 như: Kênh chính Tây còn lại chiều dài khoảng 6,75km (giá trị khoảng 48 tỷ đồng), kênh chính cấp 1, 2 còn lại có tổng chiều dài khoảng 3,62km (giá trị khoảng 7,5 tỷ đồng), hạng mục cấp nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu của xã Đăk Ruồng và xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy (giá trị khoảng 37,5 tỷ đồng) hiện nay vẫn chưa được đầu tư do vượt tổng mức đầu tư.
Trước thực trạng trên, mới đây, tại Kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, từ kiến nghị và mong muốn của cử tri, đại biểu Đinh Thị Hồng Thu (Tổ đại biểu Kon Rẫy) đã chất vấn đại diện UBND tỉnh vì sao giai đoạn 1 của dự án chưa được hoàn thành, bàn giao và đi vào sử dụng?.
Tại công trường, lèo tèo vài công nhân làm những phần việc thủ công. Ảnh: P.N
Trả lời vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, thì trong quá trình thực hiện do ảnh hưởng của thông tin vùng dự án bị phóng xạ nên việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường kéo dài; quá trình khảo sát địa chất cụm đầu mối giai đoạn thiết kế kỹ thuật – dự toán phát hiện các tầng địa chất yếu, thấm mất nước lớn, làm tăng chiều cao đập và khối lượng xử lý nền móng, dẫn đến tăng chi phí xây lắp, thời gian xử lý. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa đảm bảo theo tiến độ của dự án (cuối tháng 7/2020 mới giao mặt bằng cho đơn vị thi công), thời điểm bàn giao mặt bằng rơi vào đỉnh điểm của mùa mưa nên các đơn vị thi công khó khăn trong việc vận chuyển máy móc, nhân công, vật liệu vào thi công công trình. Do dịch bệnh Covid trong năm 2021 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình triển khai thi công.
Với nguyên nhân chủ quan thì do năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện, điều hành dự án như: Công tác khảo sát, đánh giá tác động, dự kiến thời gian chưa chặt chẽ, chưa toàn diện, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và phải trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, chủ đầu chưa quyết liệt, chưa có biện pháp cứng rắn xử lý việc chậm trễ triển khai của các nhà thầu (kiến nghị xử phạt hoặc thanh lý hợp đồng). Một số nhà thầu chưa đảm bảo năng lực về tài chính, năng lực thi công chưa thực sự hiệu quả; việc tổ chức thi công còn lúng túng, chưa khoa học.
Ngày 6/12, có mặt trên hạng mục lan can đập công trình đầu mối Hồ chứa Đăk PoKei, chúng tôi nhận thấy đường và hệ thống điện cũng chưa được hoàn thiện. Mặc dù thời tiết thuận lợi, nắng đẹp nhưng theo quan sát xung quanh, chỉ thấy lèo tèo vài công nhân thi công đang làm việc đúc tấm bê tông. Với tiến độ như thế này, không biết bao giờ giai đoạn I mới hoàn thành đưa vào sử dụng như mục tiêu của dự án đề ra.
Tìm hiểu với chính quyền huyện Kon Rẫy cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân, đều chung một mong muốn, dự án sớm được hoàn thành để sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, người dân không phải lo nỗi lo thiếu nước vào mùa khô.
Ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Chính quyền mong rằng dự án Hồ chứa nước Đăk PoKei sớm hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa công trình vào sử dụng, phục vụ kịp thời nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Phúc Nguyên
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/mong-cac-hang-muc-du-an-ho-chua-nuoc-dak-pokei-som-duoc-hoan-thanh-dua-vao-su-dung-44495.html